arrow-menu

Vốn chủ sở hữu là gì?

Vốn chủ sở hữu (Equity) đại diện cho số tiền sẽ được trả lại cho các cổ đông của công ty nếu tất cả tài sản được thanh lý và tất cả các khoản nợ của công ty đã được thanh toán trong trường hợp phá sản. Trong trường hợp mua lại doanh nghiệp (acquisition), vốn chủ sở hữu là giá trị của việc bán doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp không được chuyển giao với việc bán.

Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của cổ đông có thể đại diện cho giá trị sổ sách (book value) của một công ty. Vốn chủ sở hữu đôi khi có thể được đưa ra dưới dạng thanh toán bằng hiện vật (payment-in-kind). Nó cũng đại diện cho quyền sở hữu theo tỷ lệ đối với cổ phần của một công ty.

Vốn chủ sở hữu có thể được tìm thấy trên bảng cân đối kế toán của công ty và là một trong những phần dữ liệu phổ biến nhất được các nhà phân tích sử dụng để đánh giá sức khỏe tài chính của công ty.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Vốn chủ sở hữu đại diện cho giá trị sẽ được trả lại cho các cổ đông của công ty, nếu tất cả tài sản được thanh lý và tất cả các khoản nợ của công ty đã được thanh toán.
  • Chúng ta cũng có thể coi vốn chủ sở hữu là mức độ sở hữu còn lại trong một công ty hoặc tài sản sau khi trừ đi tất cả các khoản nợ liên quan đến tài sản đó.
  • Vốn chủ sở hữu đại diện cho cổ phần của các cổ đông trong công ty, được xác định trên bảng cân đối kế toán của công ty.
  • Cách tính vốn chủ sở hữu là tổng tài sản của một công ty trừ đi tổng nợ phải trả, và nó được sử dụng trong một số tỷ lệ tài chính quan trọng như ROE.

 

Vốn chủ sở hữu vận hành như thế nào

 

Bằng cách so sánh các con số cụ thể phản ánh tất cả những gì mà công ty sở hữu và công ty nợ, phương trình vốn chủ sở hữu của cổ đông “tài sản trừ nợ” vẽ ra một bức tranh rõ ràng về tài chính của một công ty, dễ dàng được các nhà đầu tư và nhà phân tích diễn giải. Vốn chủ sở hữu được sử dụng như vốn do công ty huy động, sau đó được sử dụng để mua tài sản, đầu tư vào các dự án và cấp vốn cho các hoạt động. Một công ty thường có thể huy động vốn bằng cách phát hành nợ (dưới hình thức vay hoặc thông qua trái phiếu) hoặc vốn chủ sở hữu (bằng cách bán cổ phiếu). Các nhà đầu tư thường tìm kiếm các khoản đầu tư vốn cổ phần vì nó mang lại cơ hội lớn hơn để ăn chia lợi nhuận và sự tăng trưởng của một công ty.

 

Vốn chủ sở hữu rất quan trọng vì nó đại diện cho giá trị cổ phần của nhà đầu tư trong một công ty, được thể hiện bằng tỷ lệ cổ phần của công ty. Sở hữu cổ phiếu trong một công ty mang lại cho các cổ đông tiềm năng thu được lợi nhuận vốn (capital gains) và cổ tức (dividends). Sở hữu vốn cổ đông cũng sẽ mang lại cho cổ đông quyền biểu quyết về các hành động của doanh nghiệp và bầu cử hội đồng quản trị. Những lợi ích của việc sở hữu vốn cổ đông này thúc đẩy sự quan tâm liên tục của các cổ đông đối với công ty.

 

Vốn chủ sở hữu của cổ đông có thể âm hoặc dương. Nếu dương, công ty có đủ tài sản để thanh toán các khoản nợ phải trả. Nếu âm, nợ phải trả vượt quá tài sản của công ty; nếu tình trạng này kéo dài thì coi như mất khả năng thanh toán trên bảng cân đối kế toán (balance sheet insolvency). Thông thường, các nhà đầu tư xem các công ty có vốn chủ sở hữu âm là khoản đầu tư rủi ro hoặc không an toàn. Vốn chủ sở hữu không phải là một chỉ số chính xác về sức khỏe tài chính của một công ty; khi được sử dụng cùng với các công cụ và thước đo khác, nhà đầu tư có thể phân tích chính xác tình hình sức khỏe tài chính của một tổ chức.

 

Công thức và Cách tính Vốn chủ sở hữu của cổ đông

 

Công thức và phép tính sau đây có thể được sử dụng để xác định vốn chủ sở hữu của một công ty, được suy ra từ phương trình kế toán:

 

Vốn chủ sở hữu của cổ đông = Tổng tài sản – Tổng nợ

 

Thông tin này có thể được tìm thấy trên bảng cân đối kế toán, trong đó bốn bước sau cần được tuân theo:

  • Xác định tổng tài sản của công ty trên bảng cân đối kế toán trong kỳ.
  • Xác định tổng nợ, khoản này cần được liệt kê riêng trên bảng cân đối kế toán.
  • Lấy tổng tài sản trừ cho tổng nợ để được vốn chủ sở hữu của cổ đông.
  • Lưu ý rằng tổng tài sản sẽ bằng tổng nợ cộng với tổng vốn chủ sở hữu.

 

Vốn chủ sở hữu của cổ đông cũng có thể được biểu thị bằng vốn cổ phần của công ty (share capital) và lợi nhuận giữ lại (retained earnings) trừ đi giá trị của cổ phiếu quỹ (treasury shares). Tuy nhiên, phương pháp này ít phổ biến hơn. Mặc dù cả hai phương pháp đều đưa ra con số chính xác, việc sử dụng tổng tài sản và tổng nợ phải trả minh họa rõ ràng hơn về sức khỏe tài chính của một công ty.

 

Các thành phần của Vốn chủ sở hữu

 

Lợi nhuận giữ lại là một phần của vốn chủ sở hữu và là tỷ lệ phần trăm thu nhập ròng không được chi trả cho cổ đông dưới dạng cổ tức. Hãy coi lợi nhuận giữ lại là khoản tiết kiệm vì nó đại diện tổng lợi nhuận tích lũy đã được tiết kiệm và để dành hoặc giữ lại nhằm sử dụng trong tương lai. Lợi nhuận giữ lại tăng dần theo thời gian khi công ty tiếp tục tái đầu tư một phần thu nhập của mình.

 

Tại một số thời điểm, tổng lợi nhuận giữ lại tích lũy có thể vượt quá số vốn chủ sở hữu do các cổ đông đóng góp. Lợi nhuận giữ lại thường là thành phần lớn nhất trong vốn chủ sở hữu đối với những công ty hoạt động trong nhiều năm.

 

Cổ phiếu quỹ (tiếng Anh là treasury shares – không nên nhầm lẫn với tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ – Treasury bills) đại diện cho cổ phiếu mà công ty đã mua lại từ các cổ đông hiện hữu. Các công ty có thể thực hiện giao dịch mua lại cổ phiếu, khi ban lãnh đạo không thể triển khai tất cả số vốn chủ sở hữu hiện có theo những cách mang lại lợi nhuận tốt nhất. Cổ phiếu được các công ty mua lại trở thành cổ phiếu quỹ và giá trị được ghi nhận trong một tài khoản gọi là cổ phiếu quỹ – tài khoản trái ngược với tài khoản vốn của nhà đầu tư và lợi nhuận giữ lại. Các công ty có thể phát hành lại cổ phiếu quỹ cho cổ đông khi công ty cần huy động tiền.

 

Nhiều người coi vốn chủ sở hữu là đại diện cho tài sản ròng của một công ty — giá trị ròng, có thể nói là số tiền mà các cổ đông sẽ nhận được nếu công ty thanh lý tất cả tài sản và hoàn trả tất cả các khoản nợ của mình.

 

Ví dụ về Vốn chủ sở hữu

 

Sử dụng một ví dụ lịch sử dưới đây là một phần của bảng cân đối kế toán của Exxon Mobil Corporation (XOM) kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2018:

  • Tổng tài sản là $354628
  • Tổng nợ phải trả là $157797
  • Tổng vốn chủ sở hữu là $196831

 

Phương trình kế toán theo đó Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu được tính như sau:

Vốn chủ sở hữu = $354628 (Tổng tài sản) – $157797 (Tổng nợ phải trả) = $196831

 

Các hình thức vốn chủ sở hữu khác

 

Khái niệm về vốn chủ sở hữu có các ứng dụng ngoài việc đánh giá các công ty. Chúng ta có thể nghĩ một cách tổng quát hơn về vốn chủ sở hữu là mức độ sở hữu đối với bất kỳ tài sản nào sau khi trừ đi tất cả các khoản nợ liên quan đến tài sản đó.

 

Dưới đây là một số biến thể phổ biến về vốn chủ sở hữu:

  • Cổ phiếu hoặc bất kỳ chứng khoán nào khác đại diện cho quyền sở hữu trong một công ty.
  • Trên bảng cân đối kế toán của công ty, số vốn do chủ sở hữu hoặc cổ đông đóng góp cộng với lợi nhuận giữ lại (hoặc lỗ). Người ta cũng có thể gọi đây là vốn chủ sở hữu của cổ đông.
  • Giá trị của chứng khoán trong tài khoản ký quỹ trừ đi số tiền mà chủ tài khoản đã vay từ công ty môi giới trong giao dịch ký quỹ.
  • Trong bất động sản, sự chênh lệch giữa giá trị thị trường hợp lý hiện tại của tài sản và số tiền mà chủ sở hữu vẫn nợ khi thế chấp. Đó là số tiền mà chủ sở hữu sẽ nhận được sau khi bán tài sản và trả các khoản thế chấp. Còn được gọi là “giá trị bất động sản thực.”
  • Khi doanh nghiệp phá sản và phải thanh lý tài sản, vốn chủ sở hữu là số tiền còn lại sau khi doanh nghiệp trả nợ cho các chủ nợ. Đây thường được gọi là “ ownership equity “, còn được gọi là vốn rủi ro hoặc “vốn phải trả” (liable capital)

 

Vốn chủ sở hữu tư nhân (Private equity)

 

Khi một khoản đầu tư được giao dịch công khai, giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu có sẵn bằng việc xem xét giá cổ phiếu của công ty và vốn hóa thị trường của nó. Đối với các đơn vị tư nhân, cơ chế thị trường không tồn tại nên phải thực hiện các hình thức định giá khác để ước tính giá trị.

 

Vốn chủ sở hữu tư nhân thường đề cập đến việc định giá như vậy về các công ty không được giao dịch công khai. Phương trình kế toán vẫn được áp dụng khi vốn chủ sở hữu đã nêu trên bảng cân đối kế toán là phần còn lại khi trừ đi các khoản nợ phải trả khỏi tài sản, để đạt được ước tính về giá trị sổ sách. Sau đó, các công ty tư nhân có thể tìm kiếm các nhà đầu tư bằng cách bán bớt cổ phần trực tiếp trong các đợt phát hành riêng lẻ (private placements). Các nhà đầu tư vào private equity này có thể bao gồm các tổ chức như quỹ hưu trí, tài trợ của trường đại học, công ty bảo hiểm hoặc các nhà đầu tư được công nhận (accredited investors).

 

Private equity thường được bán cho các quỹ và nhà đầu tư chuyên đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp tư nhân hoặc tham gia vào các giao dịch mua lại có đòn bẩy (LBO – leveraged buyouts) của các công ty đại chúng.

 

Private equity phát huy tác dụng ở những thời điểm khác nhau trong chu kỳ của công ty. Thông thường, một công ty trẻ không có doanh thu hoặc thu nhập, không đủ khả năng để vay, vì vậy nó phải nhận vốn từ bạn bè và gia đình hoặc các “nhà đầu tư thiên thần” cá nhân. Các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ tham gia vào khi công ty cuối cùng đã tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ của mình và sẵn sàng tung ra thị trường. Một số tập đoàn lớn, thành công nhất trong lĩnh vực công nghệ cũng bắt đầu bằng vốn đầu tư mạo hiểm như Google, Apple, Amazon và Meta.

 

Các hình thức Private equity financing (Đầu tư tư nhân)

Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) cung cấp hầu hết các khoản đầu tư tư nhân để đổi lấy cổ phần thiểu số ban đầu. Đôi khi, một nhà đầu tư mạo hiểm sẽ đảm nhận một ghế trong hội đồng quản trị đối với các công ty trong danh mục đầu tư của mình, đảm bảo vai trò tích cực trong việc hướng dẫn công ty. Các nhà đầu tư mạo hiểm mong muốn sớm đạt được thành công lớn và thoát khỏi các khoản đầu tư trong vòng 5 đến 7 năm. LBO là một trong những loại hình đầu tư tư nhân phổ biến nhất và có thể xảy ra khi một công ty trưởng thành.

 

Một loại quỹ đầu tư tư nhân cuối cùng là Đầu tư Tư nhân vào Công ty Đại chúng (PIPE – Private Investment in a Public Company). PIPE là giao dịch mua của một công ty đầu tư tư nhân, một quỹ tương hỗ hoặc một nhà đầu tư đủ điều kiện khác đối với cổ phiếu của một công ty với giá chiết khấu so với giá trị thị trường hiện tại (CMV) trên mỗi cổ phiếu để huy động vốn.

 

Không giống như vốn chủ sở hữu của cổ đông, quỹ đầu tư tư nhân không thể được tiếp cận đối với cá nhân bình thường. Chỉ những nhà đầu tư “được công nhận” (“accredited” investors), những người có giá trị tài sản ròng ít nhất 1 triệu đô la Mỹ, mới có thể tham gia vào quỹ đầu tư tư nhân hoặc quan hệ đối tác đầu tư mạo hiểm. Đối với các nhà đầu tư không đáp ứng được tiêu này, có thể lựa chọn quỹ hoán đổi danh mục đầu tư tư nhân (ETF).

 

Home equity

 

Home equity gần như được so sánh với giá trị sở hữu có trong quyền sở hữu nhà. Mức độ sở hữu của một người đối với nơi cư trú của họ đại diện cho bao nhiêu phần của căn nhà mà họ sở hữu hoàn toàn bằng việc trừ đi khoản nợ thế chấp. Vốn chủ sở hữu đối với một tài sản hoặc căn nhà bắt nguồn từ các khoản thanh toán đối với khoản thế chấp, bao gồm khoản trả trước và giá trị tài sản tăng lên.

 

Home equity thường là nguồn tài sản thế chấp lớn nhất của cá nhân và chủ sở hữu có thể sử dụng nó để vay “home equity loan” (khoản vay dựa trên trị giá nhà ở), mà một số người gọi là khoản thế chấp thứ hai hoặc khoản vay có hạn mức tín dụng dựa trên giá trị sở hữu của chủ nhà đối với căn nhà (HELOC – home equity line of credit). Thực hiện vay khoản thế chấp thứ hai là việc lấy tiền ra khỏi bất động sản hoặc vay tiền dựa trên phần sở hữu đó.

 

Ví dụ: giả sử Sam sở hữu một ngôi nhà có vay thế chấp. Căn nhà có giá trị thị trường hiện tại là 175000 đô la, và khoản nợ thế chấp tổng cộng là 100000 đô la. Sam có 75000 đô la vốn chủ sở hữu đối với căn nhà hoặc 175000 đô la (tổng tài sản) – 100000 đô la (tổng nợ phải trả).

 

Giá trị thương hiệu (Brand Equity)

 

Khi xác định vốn chủ sở hữu của một tài sản, đặc biệt là đối với các tập đoàn lớn, điều quan trọng cần lưu ý là những tài sản này có thể bao gồm cả tài sản hữu hình, như bất động sản và tài sản vô hình, như danh tiếng và bản sắc thương hiệu của công ty. Thông qua nhiều năm quảng cáo và sự phát triển của cơ sở khách hàng, thương hiệu của một công ty có thể trở thành một giá trị cố hữu. Một số người gọi giá trị này là “giá trị thương hiệu”, đo lường giá trị của thương hiệu liên quan đến phiên bản thương hiệu cửa hàng hoặc thương hiệu chung của một sản phẩm.

 

Ví dụ, nhiều người yêu thích nước ngọt sẽ tìm đến một lon Coke trước khi mua một lon cola của thương hiệu cửa hàng vì họ thích hương vị hoặc quen thuộc hơn với hương vị đó. Nếu một chai cola thương hiệu cửa hàng 2 lít giá 1 đô la và một chai Coke 2 lít có giá 2 đô la, thì Coca-Cola có giá trị thương hiệu là 1 đô la.

 

Ngoài ra còn có giá trị thương hiệu tiêu cực, đó là khi mọi người sẽ trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm thương hiệu cửa hàng hoặc thương hiệu chung hơn là họ sẽ trả cho một tên thương hiệu cụ thể. Giá trị thương hiệu tiêu cực hiếm khi xảy ra và có thể xảy ra do “tiếng xấu”, chẳng hạn như thu hồi sản phẩm hoặc một thảm họa.

 

Vốn chủ sở hữu so với Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu

 

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE – Return on equity) là một thước đo hiệu quả tài chính được tính bằng thu nhập ròng chia cho vốn chủ sở hữu của cổ đông. Vì vốn chủ sở hữu của cổ đông bằng tài sản trừ đi nợ của một công ty, ROE có thể được coi là lợi nhuận trên tài sản ròng. ROE được coi là thước đo đánh giá mức độ hiệu quả mà ban quản lý sử dụng tài sản của công ty để tạo ra lợi nhuận.

 

Vốn chủ sở hữu, như chúng ta đã thấy, có nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng thường thể hiện quyền sở hữu đối với một tài sản hoặc một công ty, chẳng hạn như các cổ đông sở hữu vốn chủ sở hữu trong một công ty. ROE là một chỉ số tài chính đo lường mức lợi nhuận được tạo ra từ vốn chủ sở hữu của một công ty.

Những câu hỏi thường gặp

Vốn chủ sở hữu trong tài chính là gì?

Vốn chủ sở hữu là một khái niệm quan trọng trong tài chính có những ý nghĩa cụ thể khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh. Có lẽ loại vốn chủ sở hữu phổ biến nhất là “vốn chủ sở hữu của cổ đông”, được tính bằng cách lấy tổng tài sản của một công ty và trừ đi tổng nợ phải trả của nó.

 

Do đó, vốn chủ sở hữu của về cơ bản là giá trị ròng của một công ty. Nếu công ty được thanh lý, vốn chủ sở hữu của cổ đông là số tiền về mặt lý thuyết mà các cổ đông sẽ nhận được.

Một số thuật ngữ khác được sử dụng để mô tả “Equity” là gì?

Các thuật ngữ khác đôi khi được sử dụng để mô tả khái niệm này bao gồm vốn chủ sở hữu của cổ đông, giá trị sổ sách và giá trị tài sản ròng. Tùy thuộc vào ngữ cảnh, ý nghĩa chính xác của các thuật ngữ này có thể khác nhau, nhưng nói chung, chúng đề cập đến giá trị của một khoản đầu tư sẽ còn lại sau khi thanh toán hết tất cả các khoản nợ phải trả liên quan đến khoản đầu tư đó. Thuật ngữ này cũng được sử dụng trong đầu tư bất động sản để chỉ sự chênh lệch giữa giá trị thị trường hợp lý của bất động sản và giá trị chưa thanh toán của khoản vay thế chấp.

Các nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu như thế nào?

Vốn chủ sở hữu là một khái niệm rất quan trọng đối với các nhà đầu tư. Ví dụ, khi xem xét một công ty, nhà đầu tư có thể sử dụng vốn chủ sở hữu của cổ đông làm điểm chuẩn để xác định xem một giá mua cụ thể có đắt hay không. Ví dụ: nếu công ty đó trước đây đã giao dịch ở mức giá so với giá trị sổ sách là 1.5, thì nhà đầu tư có thể suy nghĩ kỹ trước khi trả nhiều hơn mức định giá đó, nếu họ không cảm thấy triển vọng của công ty về cơ bản đã được cải thiện. Mặt khác, một nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái khi mua cổ phần của một doanh nghiệp tương đối yếu miễn là cái giá mà họ trả đủ thấp trong tương quan với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu được tính như thế nào?

Vốn chủ sở hữu bằng tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả. Tất cả các số liệu này đều có thể được tìm thấy trên bảng cân đối kế toán của một công ty. Đối với một chủ nhà, vốn chủ sở hữu sẽ là giá trị của căn nhà trừ đi các khoản nợ thế chấp chưa thanh toán.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: