arrow-menu

Thanh khoản là gì?

Thanh khoản đề cập đến độ hiệu quả hoặc dễ dàng mà tài sản hay chứng khoán có thể được chuyển đổi thành tiền mặt có sẵn mà không ảnh hưởng đến giá thị trường của tài sản đó. Tài sản có tính thanh khoản cao nhất chính là tiền mặt.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Thanh khoản đề cập đến độ dễ dàng mà một tài sản hoặc chứng khoán có thể được chuyển đổi thành tiền mặt có sẵn mà không ảnh hưởng đến giá thị trường của tài sản đó.
  • Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, trong khi đó các tài sản hữu hình có tính thanh khoản thấp hơn. Hai loại thanh khoản chính bao gồm thanh khoản thị trường (market liquidity) và thanh khoản kế toán (accounting liquidity).
  • Tỷ số thanh khoản hiện thời (current ratio), tỷ số thanh khoản nhanh (quick ratio) và tỷ số thanh toán tiền mặt (cash ratio) được sử dụng phổ biến nhất để đo tính thanh khoản.

 

Kiến thức cơ bản về thanh khoản

 

Nói cách khác, tính thanh khoản mô tả mức độ mà một tài sản có thể nhanh chóng được mua hoặc bán trên thị trường với mức giá phản ánh giá trị nội tại của nó. Tiền mặt thường được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì nó có thể được chuyển đổi thành các tài sản khác một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Các tài sản hữu hình, chẳng hạn như bất động sản, đồ mỹ nghệ và đồ sưu tầm, đều có tính thanh khoản tương đối thấp. Các tài sản tài chính khác, từ cổ phiếu đến các đơn vị hợp danh, nằm ở nhiều vị trí khác nhau trên phổ thanh khoản.

 

Ví dụ, nếu một người muốn một chiếc tủ lạnh trị giá 1.000 đô la,thì tiền mặt là tài sản dễ dàng sử dụng nhất để mua được nó. Nếu người đó không có tiền mặt mà chỉ có một bộ sưu tập sách quý hiếm được định giá 1.000 đô la, thì khó có thể tìm được người sẵn sàng đưa cho họ chiếc tủ lạnh để nhận về bộ sưu tập. Thay vào đó, họ sẽ phải bán bộ sưu tập và dùng tiền mặt để mua tủ lạnh. Điều này có vẻ ổn nếu người này có thể đợi hàng tháng hoặc hàng năm để mua hàng, nhưng sẽ là vấn đề lớn nếu người này chỉ có một vài ngày. Họ có thể phải bán sách với giá thấp, thay vì chờ đợi một người mua sẵn sàng trả đúng giá. Sách quý hiếm là một ví dụ về tài sản kém thanh khoản.

 

Có hai thước đo chính về tính thanh khoản là: thanh khoản thị trường và thanh khoản kế toán.

 

Thanh khoản thị trường

Thanh khoản thị trường đề cập đến mức độ mà một thị trường, chẳng hạn như thị trường chứng khoán của một quốc gia hoặc thị trường bất động sản của một thành phố, cho phép tài sản được mua và bán với giá cả ổn định, minh bạch. Trong ví dụ trên, thị trường trao đổi tủ lạnh và sách quý hiếm có tính thanh khoản thấp đến mức không tồn tại tính thanh khoản.

 

Mặt khác, thị trường chứng khoán được đặc trưng bởi tính thanh khoản thị trường cao. Nếu một sàn giao dịch có khối lượng giao dịch lớn mà không bị chi phối bởi việc bán, thì giá mà người mua đưa ra trên mỗi cổ phiếu (giá chào mua –bid price) và giá mà người bán sẵn sàng chấp nhận (giá chào bán – ask price) sẽ khá gần nhau.

 

Do đó, các nhà đầu tư sẽ không phải từ bỏ lợi nhuận để có thể bán nhanh chứng khoán. Khi chênh lệch giữa giá mua và giá bán được rút ngắn, thì thị trường có tính thanh khoản cao hơn, khi chênh lệch này lớn thị trường trở nên kém thanh khoản hơn. Thị trường bất động sản thường kém thanh khoản hơn nhiều so với thị trường chứng khoán. Tính thanh khoản của thị trường đối với các tài sản khác, chẳng hạn như phái sinh, hợp đồng, tiền tệ hoặc hàng hóa, thường phụ thuộc vào quy mô của chúng và số lượng sàn giao dịch mở nơi chúng được giao dịch.

 

Thanh khoản kế toán

Thanh khoản kế toán đo lường mức độ dễ dàng mà một cá nhân hoặc công ty có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính với các tài sản lưu động (liquid asset) sẵn có của họ — khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.

 

Trong ví dụ trên, tài sản của nhà sưu tầm sách quý hiếm tương đối kém thanh khoản và có lẽ sẽ không nhận được giá trị đầy đủ là 1.000 đô la một cách nhanh chóng. Trong đầu tư, đánh giá tính thanh khoản kế toán có nghĩa là so sánh tài sản lưu động với các khoản nợ ngắn hạn hoặc các nghĩa vụ tài chính đến hạn thanh toán trong vòng một năm.

 

Có các hệ số đo lường tính thanh khoản kế toán, chúng khác biệt về mức độ chặt chẽ trong việc định nghĩa “tài sản lưu động”. Các nhà phân tích và nhà đầu tư sử dụng chúng để xác định các công ty có tính thanh khoản cao. Đây cũng được coi là thước đo độ sâu thị trường (depth of market).

 

Đo lường tính thanh khoản

 

Các nhà phân tích tài chính xem xét khả năng sử dụng tài sản lưu động của một công ty để hoàn thành các nghĩa vụ ngắn hạn. Nhìn chung, khi sử dụng những công thức này, chúng ta mong muốn tỷ số lớn hơn 1.

 

Tỷ số thanh khoản hiện thời (Current Ratio)

Tỷ số thanh khoản hiện thời là thước đo đơn giản nhất và ít khắt khe nhất. Hệ số này đo lường tài sản lưu động (current asset) (những tài sản có thể chuyển đổi hợp lý thành tiền mặt trong một năm) so với nợ ngắn hạn. Công thức sẽ là:

 

Tỷ số thanh khoản hiện thời = Tài sản lưu động / Nợ ngắn hạn

 

Tỷ số thanh khoản nhanh (Quick Ratio hoặc Acid-test ratio)

Tỷ số thanh khoản nhanh, hoặc hệ số thanh toán nhanh là một chỉ số khắt khe hơn. Tỷ số này không bao gồm hàng tồn kho và các tài sản lưu động khác không có được tính thanh khoản cao bằng tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu và đầu tư ngắn hạn. Công thức là:

 

Tỷ số thanh khoản nhanh = (Tiền và các khoản tương đương tiền + Đầu tư ngắn hạn + Các khoản phải thu) / Nợ ngắn hạn

 

Acid-Test Ratio (Biến thể của hệ số thanh toán nhanh)

Một biến thể của tỷ số thanh khoản nhanh chỉ đơn giản là trừ hàng tồn kho khỏi tài sản lưu động:

 

Acid-test Ratio (Biến thể) = (Tài sản lưu động – Hàng tồn kho – Chi phí trả trước) / Nợ ngắn hạn

 

Tỷ số thanh toán tiền mặt (Cash ratio)

Tỷ số thanh toán tiền mặt là hệ số chính xác nhất trong các hệ số thanh khoản. Không bao gồm các khoản phải thu, cũng như hàng tồn kho và các tài sản lưu động khác, nó xác định chặt chẽ tài sản lưu động chỉ là tiền hoặc các khoản tương đương tiền.

 

Chặt chẽ hơn tỷ số thanh khoản hiện thời hoặc tỷ số thanh khoản nhanh, tỷ số thanh toán tiền mặt đánh giá khả năng duy trì thanh toán của một tổ chức trong trường hợp khẩn cấp – kịch bản xấu nhất – trên cơ sở rằng ngay cả các công ty có lợi nhuận cao cũng có thể gặp rắc rối nếu họ không có khả năng thanh khoản để phản ứng với các sự kiện không lường trước được. Công thức là:

 

Tỷ số thanh toán tiền mặt = Tiền và các khoản tương đương tiền / Nợ ngắn hạn

 

Ví dụ về thanh khoản

 

Trong đầu tư, cổ phiếu là một trong những tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Nhưng không phải tất cả các cổ phiếu đều như nhau khi xét đến tính thanh khoản. Một số cổ phiếu được giao dịch tích cực hơn những cổ phiếu khác trên các sàn giao dịch chứng khoán, nghĩa là có nhiều thị trường hơn cho chúng. Nói cách khác, chúng thu hút sự quan tâm lớn hơn, nhất quán hơn từ các trader và nhà đầu tư. Những cổ phiếu thanh khoản này thường được nhận diện bằng khối lượng giao dịch hàng ngày lớn, có thể lên tới hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu cổ phiếu.

 

Ví dụ: vào ngày 26 tháng 4 năm 2019, 8,4 triệu cổ phiếu của Amazon.com (AMZN) được giao dịch trên NASDAQ. Mặc dù số lượng đó có vẻ thể hiện thanh khoản tốt, nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với Intel (INTC), công ty dẫn đầu NASDAQ ngày hôm đó, với khối lượng 72 triệu cổ phiếu — hoặc Ford Motor (F), dẫn đầu Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) với khối lượng 156 triệu cổ phiếu, trở thành cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất ở Mỹ vào ngày hôm đó.

Những câu hỏi thường gặp

Tại sao tính thanh khoản lại quan trọng?

Nếu thị trường không có tính thanh khoản, thì việc bán hay chuyển đổi tài sản hoặc chứng khoán thành tiền mặt sẽ trở nên khó khăn. Ví dụ, bạn có thể sở hữu một vật gia truyền quý hiếm và được định giá ở mức 150.000 đô la. Tuy nhiên, nếu không có thị trường (tức là không có người mua) đối với đồ vật bạn sở hữu, thì mọi thứ trở nên vô nghĩa, vì sẽ không ai trả mức giá gần với giá trị được thẩm định – rất kém thanh khoản. Điều này thậm chí có thể đòi hỏi việc thuê một nhà bán đấu giá để hoạt động như một môi giới và theo dõi các bên quan tâm tiềm năng, làm mất thời gian và phát sinh chi phí.

 

Tuy nhiên, tài sản thanh khoản có thể dễ dàng và nhanh chóng được bán đúng giá trị, với chi phí thấp. Các công ty cũng phải nắm giữ đủ lượng tài sản thanh khoản để thực hiện các nghĩa vụ ngắn hạn của mình như trả hóa đơn hoặc phát lương, nếu không sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản, có thể dẫn đến phá sản.

Chứng khoán hoặc Tài sản có thanh khoản cao nhất là gì?

Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, tiếp đó là các khoản tương đương tiền như thị trường tiền tệ, chứng chỉ tiền gửi (certificate of deposit – CD) hoặc tiền gửi có kỳ hạn. Chứng khoán thị trường như cổ phiếu và trái phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch thường rất thanh khoản và có thể được bán nhanh chóng thông qua nhà môi giới. Đồng tiền vàng và một số đồ sưu tầm nhất định cũng có thể được bán lấy tiền mặt.

Chứng khoán hoặc Tài sản kém thanh khoản là gì?

Các chứng khoán được giao dịch tại quầy (OTC) chẳng hạn như một số công cụ phái sinh phức tạp thường khá kém thanh khoản. Đối với cá nhân, nhà đất, căn hộ chung cư hay xe ô tô đều có tính thanh khoản kém vì có thể mất vài tuần đến vài tháng để tìm được người mua và vài tuần nữa để hoàn tất giao dịch, nhận thanh toán. Hơn nữa, phí môi giới có xu hướng khá lớn (ví dụ: trung bình 5-7% cho một nhà môi giới).

Tại sao một số cổ phiếu lại thanh khoản hơn những cổ phiếu khác?

Các cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất thường là những cổ phiếu nhận nhiều sự quan tâm từ các các cá nhân, tổ chức có tầm ảnh hưởng quan trọng đến thị trường (market actor) và có khối lượng giao dịch hàng ngày lớn. Những cổ phiếu như vậy cũng sẽ thu hút một lượng lớn các nhà tạo lập thị trường (market maker) – những người duy trì một thị trường hai mặt chặt chẽ hơn. Các cổ phiếu kém thanh khoản có chênh lệch giá chào mua – giá chào bán lớn hơn và độ sâu thị trường thấp hơn. Những cái tên này có xu hướng ít được biết đến hơn, có khối lượng giao dịch thấp hơn, thường có giá trị thị trường và độ biến động thấp hơn. Do đó, cổ phiếu của một ngân hàng đa quốc gia lớn sẽ có xu hướng thanh khoản hơn so với cổ phiếu của một ngân hàng khu vực nhỏ.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: