arrow-menu

Đường trung bình động (MA – Moving Average) là gì?

Trong thống kê, đường trung bình động là một phép tính được sử dụng để phân tích các điểm dữ liệu bằng cách tạo ra một loạt các giá trị trung bình của các tập hợp con khác nhau của tập dữ liệu đầy đủ. Trong tài chính, đường trung bình động (MA) là một chỉ báo chứng khoán được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật. Lý do tính toán đường trung bình động của một cổ phiếu là để giúp làm mượt dữ liệu giá bằng cách tạo ra một mức giá trung bình được cập nhật liên tục.
Bằng cách tính toán đường trung bình động, tác động của các biến động ngẫu nhiên, ngắn hạn lên giá cổ phiếu trong một khung thời gian xác định sẽ được giảm thiểu.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Đường trung bình động (MA) là một chỉ báo chứng khoán được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật.
  • Lý do tính toán đường trung bình động của một cổ phiếu là để giúp làm mượt dữ liệu giá trong một khoảng thời gian xác định bằng cách tạo ra một mức giá trung bình được cập nhật liên tục.
  • Đường trung bình động đơn giản (SMA – simple moving average) là phép tính lấy trung bình cộng của một tập hợp giá nhất định qua một số ngày cụ thể trong quá khứ; ví dụ: trong 15, 30, 100 hoặc 200 ngày trước.
  • Đường trung bình động hàm mũ (EMA – Exponential moving averages) là một đường trung bình có trọng số, cho phép giá cổ phiếu trong những ngày gần đây có tầm quan trọng lớn hơn, khiến EMA trở thành một chỉ báo phản ứng nhanh hơn với thông tin mới.

 

Tìm hiểu về đường trung bình động (MA)

 

Đường trung bình động là một công cụ phân tích kỹ thuật đơn giản. Đường trung bình động thường được tính toán để nhận định xu hướng của cổ phiếu hoặc để xác định mức hỗ trợ và ngưỡng kháng cự (resistance levels) của cổ phiếu. Đây là một chỉ báo theo xu hướng hoặc chỉ báo chậm (lagging indicator) vì nó dựa trên giá trong quá khứ.

 

Đường trung bình động với khoảng thời gian càng dài thì độ trễ (lag) càng lớn. Vì vậy, đường trung bình động 200 ngày sẽ có độ trễ lớn hơn nhiều so với đường MA 20 ngày vì MA 200 bao gồm giá trong 200 ngày qua. Số liệu trung bình động 50 ngày và 200 ngày của cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư và trader theo dõi, đây được coi là tín hiệu giao dịch quan trọng.

 

Đường trung bình động là một chỉ báo hoàn toàn có thể tùy chỉnh, nghĩa là nhà đầu tư có thể tự do chọn bất kỳ khung thời gian nào họ muốn khi tính toán mức trung bình. Các khoảng thời gian phổ biến nhất được sử dụng trong các đường trung bình động là 15, 20, 30, 50, 100 và 200 ngày. Đường trung bình được tạo từ khoảng thời gian càng ngắn thì càng nhạy cảm với những thay đổi về giá. Khoảng thời gian càng dài, đường trung bình càng ít nhạy cảm với thay đổi về giá.

 

Các nhà đầu tư có thể chọn các khoảng thời gian khác nhau với độ dài khác nhau để tính toán đường trung bình động dựa trên mục tiêu giao dịch của họ. Đường trung bình động ngắn hạn thường được sử dụng cho giao dịch ngắn hạn, trong khi đó đường trung bình động dài hạn phù hợp hơn với các nhà đầu tư dài hạn.

 

Không có khung thời gian chính xác để sử dụng khi thiết lập các đường trung bình động của bạn. Cách tốt nhất để tìm ra đường trung bình động phù hợp là thử nghiệm một số khoảng thời gian khác nhau cho đến khi tìm thấy khoảng thời gian phù hợp với chiến lược của mình.

 

Dự đoán xu hướng trên thị trường chứng khoán không phải là một quá trình đơn giản. Mặc dù không thể dự đoán chuyển động trong tương lai của một cổ phiếu cụ thể, nhưng việc sử dụng nghiên cứu và phân tích kỹ thuật có thể giúp bạn đưa ra dự đoán tốt hơn.

 

Đường trung bình động tăng cho thấy chứng khoán đang trong xu hướng tăng (uptrend), trong khi đường trung bình động giảm cho thấy chứng khoán đang trong xu hướng giảm (downtrend). Tương tự, đà tăng (upward momentum) được xác nhận bằng bullish crossover (giao cắt giá tăng), xảy ra khi đường trung bình động ngắn hạn cắt lên trên đường trung bình động dài hạn. Ngược lại, đà giảm (downward momentum) được xác nhận bằng bearish crossover (giao cắt giá giảm), xảy ra khi đường trung bình động ngắn hạn cắt xuống dưới đường trung bình động dài hạn.

 

Trong khi việc tính toán các đường trung bình động rất hữu ích, thì việc tính toán này cũng có thể tạo cơ sở cho các chỉ báo phân tích kỹ thuật khác, chẳng hạn như đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD).

 

Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) được các trader sử dụng để theo dõi mối quan hệ giữa hai đường trung bình động. Đường MACD thường được tính bằng cách lấy đường trung bình động hàm mũ 12 ngày trừ đi đường trung bình động hàm mũ 26 ngày.

 

Khi MACD dương, đường trung bình ngắn hạn nằm trên đường trung bình dài hạn. Đây là một dấu hiệu của đà tăng. Khi đường trung bình ngắn hạn nằm dưới đường trung bình dài hạn, đây là dấu hiệu của đà giảm. Nhiều trader cũng sẽ theo dõi sự di chuyển lên trên hoặc xuống dưới đường zero. Sự di chuyển lên trên đường zero là tín hiệu mua, trong khi đó việc cắt xuống dưới đường zero là tín hiệu bán.

 

Các loại đường trung bình động

 

Đường trung bình động đơn giản

Dạng đơn giản nhất của đường trung bình động, được gọi là đường trung bình động đơn giản (SMA), được tính bằng cách lấy trung bình cộng của một bộ giá trị nhất định trong một khoảng thời gian xác định. Nói cách khác, một tập hợp các số (hoặc giá trong trường hợp công cụ tài chính) được cộng lại với nhau và sau đó chia cho số lượng của giá trong tập hợp. Công thức tính đường trung bình động đơn giản của một chứng khoán như sau:

 

SMA = A1+ A2+ …+ Ann

 

Trong đó:
A = Giá trị trung bình trong kỳ n
n = Số lượng của các kỳ

 

Đường trung bình động hàm mũ (EMA)

Đường trung bình động hàm mũ là một loại đường trung bình động cho phép các mức giá gần đây chiếm trọng số lớn hơn nhằm cố gắng giúp đường  EMA phản ứng nhanh hơn với thông tin mới. Để tính toán đường EMA, trước tiên bạn phải tính đường trung bình động đơn giản (SMA) trong một khoảng thời gian cụ thể. Tiếp theo, bạn phải tính hệ số nhân cho trọng số của EMA (được gọi là “hệ số làm mượt”), thường tuân theo công thức: [2 / (khoảng thời gian đã chọn + 1)]. Vì vậy, đối với đường trung bình động 20 ngày, hệ số nhân sẽ là [2 / (20 + 1)] = 0.0952. Sau đó, bạn sử dụng hệ số làm mượt kết hợp với đường EMA trước đó để đạt được giá trị hiện tại. Do đó, đường EMA cho phép giá gần đây chiếm trọng số lớn hơn, trong khi đó SMA ấn định trọng số bằng nhau cho tất cả các giá trị.

 

EMAt = Vt × s1+d + EMAy 1- s1+d

 

Trong đó:
EMAt = EMA hôm nay
Vt = Giá trị hôm nay
EMAy = EMA hôm qua
s = hệ số làm mượt
d = số ngày

 

So sánh đường trung bình động đơn giản (SMA) và đường trung bình động hàm mũ (EMA)

 

Phép tính đối với EMA chú trọng nhiều hơn vào các điểm dữ liệu gần đây. Do đó, EMA được coi là một phép tính trung bình có trọng số.

 

Trong hình bên dưới, số kỳ được sử dụng trong mỗi đường trung bình là giống nhau (là 15) nhưng đường EMA phản ứng nhanh hơn trước sự thay đổi giá so với đường SMA. Bạn cũng có thể quan sát trong hình rằng đường EMA có giá trị cao hơn khi giá tăng so với đường SMA (và nó giảm nhanh hơn đường SMA khi giá giảm). Khả năng phản ứng nhanh đối với các thay đổi về giá này là lý do chính khiến một số trader thích sử dụng EMA hơn SMA.

 

Ví dụ về đường trung bình động

 

Đường trung bình động được tính toán khác nhau tùy thuộc vào loại: SMA hoặc EMA. Dưới đây, chúng ta xem xét đường trung bình động đơn giản (SMA) của một chứng khoán với giá đóng cửa sau đây trong 15 ngày:

  • Tuần 1 (5 ngày): 20, 22, 24, 25, 23
  • Tuần 2 (5 ngày): 26, 28, 26, 29, 27
  • Tuần 3 (5 ngày): 28, 30, 27, 29, 28

 

Đường trung bình động 10 ngày sẽ tính trung bình giá đóng cửa trong 10 ngày đầu tiên làm điểm dữ liệu đầu tiên. Điểm dữ liệu tiếp theo sẽ lấy giá gần đây nhất, thêm giá của ngày 11 và lấy giá trị trung bình.

 

Ví dụ về Chỉ báo Trung bình Động

 

Chỉ báo kỹ thuật Bollinger Band có các dải thường được đặt hai độ lệch chuẩn so với đường trung bình động đơn giản. Nhìn chung, việc di chuyển về phía dải trên cho thấy tài sản đang trở nên quá mua (overbought), trong khi việc di chuyển gần dải dưới cho thấy tài sản đang trở nên quá bán (oversold). Vì độ lệch chuẩn được sử dụng như một thước đo thống kê về sự biến động, nên chỉ báo này sẽ tự điều chỉnh theo các điều kiện thị trường.

Những câu hỏi thường gặp

Đường trung bình động cho biết điều gì?

Đường trung bình động là một thống kê ghi lại sự thay đổi trung bình trong chuỗi dữ liệu theo thời gian. Trong tài chính, các đường trung bình động thường được các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng để theo dõi xu hướng giá của các loại chứng khoán cụ thể. Xu hướng đi lên của đường trung bình động có thể báo hiệu sự đi lên của giá hoặc động lượng của chứng khoán, trong khi xu hướng đi xuống sẽ được coi là dấu hiệu của sự suy giảm. Ngày nay, có rất nhiều loại đường trung bình động để bạn lựa chọn, từ các phép đo đơn giản đến các công thức phức tạp đòi hỏi một chương trình máy tính để tính toán một cách hiệu quả.

Đường trung bình động được sử dụng để làm gì?

Đường trung bình động được sử dụng rộng rãi trong phân tích kỹ thuật, một nhánh của lĩnh vực đầu tư nhằm tìm hiểu và thu lợi nhuận từ các mô hình chuyển động giá của chứng khoán và chỉ số. Nhìn chung, các nhà phân tích kỹ thuật sẽ sử dụng các đường trung bình động để phát hiện xem có sự thay đổi về động lượng xảy ra đối với một chứng khoán hay không, chẳng hạn như liệu có một sự thay đổi đột ngột về giá của một chứng khoán hay không. Ngoài ra, họ sẽ sử dụng đường trung bình động để xác nhận những nghi ngờ rằng một sự thay đổi có thể đang diễn ra. Ví dụ: nếu giá cổ phiếu của một công ty tăng trên đường trung bình động 200 ngày, thì đó có thể được coi là một tín hiệu giá tăng (bullish signal).

Một số ví dụ về đường trung bình động?

Nhiều loại đường trung bình động khác nhau đã được phát triển để sử dụng trong đầu tư. Ví dụ: đường trung bình động hàm mũ (EMA) là một loại đường trung bình động cho phép những ngày giao dịch gần đây hơn chiếm trọng số lớn hơn. Loại đường trung bình động này có thể hữu ích hơn cho các trader ngắn hạn, những người mà đối với họ dữ liệu lịch sử dài hạn có thể ít liên quan hơn. Mặt khác, đường trung bình động đơn giản được tính bằng cách lấy trung bình một loạt các mức giá trong khi ấn định trọng số bằng nhau cho mỗi mức giá liên quan.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: