arrow-menu

Trái phiếu là gì?

Trái phiếu là một loại chứng khoán có thu nhập cố định – đại diện cho một khoản vay của nhà đầu tư đối với bên đi vay (thường là doanh nghiệp hoặc chính phủ). Một trái phiếu có thể được coi là một IOU (tiếng Anh là “I owe you”, tạm dịch “tôi nợ bạn”), giữa người cho vay và người đi vay bao gồm các chi tiết của khoản vay và các khoản thanh toán. Trái phiếu được sử dụng bởi các doanh nghiệp, thành phố, tiểu bang và chính phủ để tài trợ cho các dự án và hoạt động. Người sở hữu trái phiếu được gọi là trái chủ hoặc chủ nợ của tổ chức phát hành.

Chi tiết về trái phiếu bao gồm ngày đáo hạn khi gốc của khoản vay đến hạn phải trả cho chủ sở hữu trái phiếu và thường bao gồm các điều khoản về thanh toán lãi suất cố định hoặc lãi suất biến đổi do bên vay thực hiện.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp các ý chính cần nhớ

  • Trái phiếu là đơn vị của nợ doanh nghiệp do các công ty phát hành và được chứng khoán hóa thành tài sản thương mại.
  • Trái phiếu được gọi là một công cụ thu nhập cố định vì trái phiếu thường sẽ trả một lãi suất cố định (gọi là coupon) cho người nắm giữ.
  • Lãi suất biến đổi hoặc lãi suất thả nổi hiện nay cũng dần phổ biến.
  • Giá trái phiếu có tương quan nghịch với lãi suất: khi lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm và ngược lại.
  • Trái phiếu có ngày đáo hạn thì tại thời điểm đó số vốn gốc phải được hoàn trả toàn bộ nếu không thì sẽ có nguy cơ vỡ nợ.

 

Ai có thể phát hành trái phiếu?

 

Trái phiếu là công cụ nợ và đại diện cho các khoản vay đối với tổ chức phát hành. Chính phủ (các cấp) và các tập đoàn thường sử dụng trái phiếu để vay tiền. Các chính phủ cần cấp vốn cho các dự án về đường xá, trường học, đê đập hoặc các cơ sở hạ tầng khác. Chi phí đột xuất cho chiến tranh cũng có thể đòi hỏi nhu cầu huy động vốn.

 

Tương tự, các tập đoàn thường vay tiền để phát triển kinh doanh, mua tài sản và thiết bị, thực hiện các dự án sinh lời, nghiên cứu và phát triển hoặc thuê nhân viên. Vấn đề mà các tổ chức lớn gặp phải là họ thường cần nguồn tiền lớn hơn rất nhiều so với mức trung bình mà các ngân hàng có thể cung cấp.

 

Trái phiếu đưa ra giải pháp bằng việc cho phép nhiều nhà đầu tư cá nhân đảm nhận vai trò của người cho vay. Thực tế, thị trường nợ công cho phép hàng nghìn nhà đầu tư mỗi người cho vay một phần vốn cần thiết. Hơn nữa, thị trường cho phép người cho vay bán trái phiếu của họ cho các nhà đầu tư khác hoặc mua trái phiếu từ các cá nhân khác – sau khi tổ chức phát hành ban đầu huy động vốn.

 

Cách thức hoạt động của trái phiếu

 

Trái phiếu thường được gọi là chứng khoán có thu nhập cố định và là một trong những nhóm tài sản chính mà các nhà đầu tư cá nhân thường quen thuộc, cùng với cổ phiếu và các khoản tương đương tiền mặt.

 

Khi các công ty hoặc tổ chức khác cần huy động tiền để tài trợ cho các dự án mới, duy trì hoạt động đang diễn ra hoặc tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện có, họ có thể phát hành trái phiếu trực tiếp cho các nhà đầu tư. Bên vay (tổ chức phát hành) phát hành một trái phiếu bao gồm các điều khoản của khoản vay, các khoản thanh toán lãi suất sẽ được thực hiện, và thời điểm các khoản tiền đã vay (gốc trái phiếu) phải được hoàn trả (ngày đáo hạn). Khoản thanh toán lãi suất (coupon) là một phần lợi nhuận mà trái chủ kiếm được khi cho tổ chức phát hành vay vốn. Lãi suất xác định khoản thanh toán được gọi là lãi suất coupon.

 

Giá ban đầu của hầu hết các trái phiếu thường được đặt tại mệnh giá (hay còn được gọi là par value hoặc face value) cho mỗi trái phiếu riêng lẻ. Giá thực tế trên thị trường của trái phiếu phụ thuộc vào một số yếu tố: chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành, khoảng thời gian đến khi đáo hạn, và lãi suất coupon so với môi trường lãi suất chung tại thời điểm đó. Mệnh giá của trái phiếu là giá trị sẽ được trả lại cho người vay khi trái phiếu đáo hạn.

 

Hầu hết trái phiếu có thể được bán bởi trái chủ ban đầu cho các nhà đầu tư khác sau khi được phát hành. Nói cách khác, một nhà đầu tư trái phiếu không buộc phải giữ một trái phiếu cho đến ngày đáo hạn. Bên đi vay cũng thường mua lại trái phiếu nếu lãi suất giảm hoặc nếu tín dụng của bên đi vay đã được cải thiện và họ có thể phát hành lại trái phiếu mới với chi phí thấp hơn.

pros

Ưu điểm

  • Thu nhập thông qua các khoản thanh toán lãi suất.
  • Nắm giữ trái phiếu đến khi đáo hạn và thu lại tất cả số vốn gốc.
  • Thu được lợi nhuận nếu bán lại trái phiếu với giá cao hơn.
cons

Nhược điểm

  • Trái phiếu trả lợi nhuận thấp hơn cổ phiếu.
  • Công ty có thể vỡ nợ đối với trái phiếu của nhà đầu tư.
  • Lợi suất trái phiếu có thể giảm.

Nhiều người lựa chọn mua trái phiếu thay vì cổ phiếu vì hình thức đầu tư này không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà người mua trái phiếu đã chọn. Chính vì thế lựa chọn mua trái phiếu là một hình thức đầu tư an toàn có ít rủi ro hơn so với mua cổ phiếu doanh nghiệp.

 

Lãi suất của nhà đầu tư trái phiếu sẽ được trả theo kỳ hạn, không cần phải trải qua các phiên mua bán (nếu không muốn) để có thể nhận được lãi suất chênh lệch trước và sau khi bán như cổ phiếu.

 

Nếu trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản, những nhà đầu tư trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán trước so với những nhà đầu tư cổ phiếu sở hữu cổ phần của doanh nghiệp đó.

 

Khi nhà đầu tư quyết định bán trái phiếu của mình trong thời điểm hạ giá, đồng thời đó lại là thời điểm của cuối kỳ hạn thì người mua sẽ không nhận được nhiều lãi suất như khoản đầu tư ban đầu.

 

Tất nhiên, đi kèm với việc rủi ro thấp so với cổ phiếu thì trái phiếu nhận được mức lãi suất khiêm tốn hơn. Không những vậy lợi nhuận từ trái phiếu cũng có thể bị giảm mà không phải cố định trong từng thời kỳ.

 

Bên cạnh đó khi doanh nghiệp phá sản, mặc dù nói là sẽ ưu tiên thanh toán cho nhà đầu tư trái phiếu, tuy nhiên điều đó cũng phụ thuộc vào khả năng chi trả của công ty ở mức độ hạn chế. Suy cho cùng, đều là hoạt động đầu tư, nhất định đã tồn tại rủi ro. Mua trái phiếu chính phủ có thể hạn chế được phần nào về việc này.

Đặc điểm của trái phiếu

 

Hầu hết các trái phiếu đều có chung một số đặc điểm cơ bản bao gồm:

  • Mệnh giá (face value hoặc par value): là số tiền mà trái phiếu sẽ có trị giá khi đáo hạn; nó cũng là số tiền tham chiếu mà tổ chức phát hành trái phiếu sử dụng khi tính toán các khoản thanh toán lãi suất. Ví dụ: giả sử một nhà đầu tư mua một trái phiếu với mức giá cao là $1,090 và sau đó một nhà đầu tư khác mua cùng một trái phiếu khi nó đang giao dịch với mức giá thấp hơn là $980. Khi trái phiếu đáo hạn, cả hai nhà đầu tư sẽ nhận được mệnh giá $1.000 của trái phiếu.
  • Lãi suất (coupon): là lãi suất mà tổ chức phát hành trái phiếu sẽ trả trên mệnh giá của trái phiếu, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm. Ví dụ: lãi suất coupon 5% có nghĩa là người sở hữu trái phiếu (trái chủ) sẽ nhận được 5% x 1.000 USD mệnh giá = 50 USD mỗi năm .
  • Ngày thanh toán lãi (coupon date): là ngày mà tổ chức phát hành trái phiếu sẽ thanh toán lãi suất. Các khoản thanh toán có thể được thực hiện trong bất kỳ khoảng thời gian nào, nhưng thanh toán tiêu chuẩn 6 tháng một lần.
  • Ngày đáo hạn (maturity date): là ngày trái phiếu đáo hạn và tổ chức phát hành trái phiếu sẽ thanh toán cho trái chủ mệnh giá của trái phiếu.
  • Giá phát hành (issue price): là giá mà tổ chức phát hành trái phiếu bán trái phiếu ban đầu. Trong nhiều trường hợp, trái phiếu được phát hành tại mệnh giá (at par).

 

Hai yếu tố — chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành và thời gian đáo hạn — là những yếu tố quyết định quan trọng của lãi suất trái phiếu. Nếu tổ chức phát hành có xếp hạng tín nhiệm kém, rủi ro vỡ nợ càng lớn, và các trái phiếu này trả lãi nhiều hơn. Trái phiếu có thời gian đáo hạn dài cũng thường phải trả lãi suất cao hơn. Mức trả thưởng cao hơn này là vì trái chủ phải chịu rủi ro lãi suất và lạm phát cao hơn trong một thời gian dài.

 

Xếp hạng tín nhiệm (credit rating) cho một doanh nghiệp và trái phiếu của nó được tạo ra bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Standard and Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings. Trái phiếu có chất lượng cao nhất được gọi là “đáng đầu tư” (“investment grade”), bao gồm nợ do chính phủ Hoa Kỳ và các công ty rất ổn định phát hành, chẳng hạn như các ngành tiện ích.

 

Trái phiếu không được xếp hạng là “đáng đầu tư” nhưng không bị vỡ nợ được gọi là trái phiếu “lãi suất cao” (high yield) hoặc trái phiếu “đầu cơ” (junk bond). Những trái phiếu này có nguy cơ vỡ nợ cao hơn trong tương lai và các nhà đầu tư yêu cầu một khoản thanh toán coupon cao hơn để bù đắp cho rủi ro đó.

 

Trái phiếu và danh mục đầu tư trái phiếu sẽ tăng hoặc giảm giá trị khi lãi suất thay đổi. Độ nhạy cảm với những thay đổi trong môi trường lãi suất được gọi là “duration”. Việc sử dụng thuật ngữ “duration” trong bối cảnh này có thể gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư trái phiếu mới vào nghề, vì nó không đề cập đến khoảng thời gian của trái phiếu trước khi đáo hạn. Thay vào đó, duration mô tả giá trái phiếu sẽ tăng hoặc giảm bao nhiêu khi lãi suất thay đổi.

 

Tỷ lệ thay đổi độ nhạy của trái phiếu hoặc danh mục đầu tư trái phiếu đối với lãi suất (duration) được gọi là “độ lồi” (convexity). Những yếu tố này rất khó tính toán và việc phân tích thường đòi hỏi các chuyên gia thực hiện.

 

Các loại trái phiếu

 

Có bốn loại trái phiếu chính được bán trên thị trường. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thấy trái phiếu nước ngoài do các chính phủ và các tập đoàn toàn cầu phát hành trên một số nền tảng.

  • Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các công ty. Các công ty phát hành trái phiếu thay vì tìm đến các khoản vay ngân hàng để tài trợ bằng nợ (debt financing) trong nhiều trường hợp, vì thị trường trái phiếu đưa ra các điều khoản ưu đãi hơn và lãi suất thấp hơn.
  • Trái phiếu đô thị do các tiểu bang và thành phố phát hành. Một số trái phiếu đô thị cung cấp thu nhập từ coupon miễn thuế cho các nhà đầu tư.
  • Trái phiếu chính phủ, chẳng hạn như trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành. Trái phiếu do Kho bạc phát hành có thời gian đáo hạn từ một năm trở xuống được gọi là “Bill”, trái phiếu phát hành có thời gian đáo hạn từ một năm đến 10 năm được gọi là “note” và trái phiếu phát hành có thời gian đáo hạn trên 10 năm được gọi là “bond”. Tất cả các loại trái phiếu do kho bạc chính phủ phát hành thường được gọi chung là “trái phiếu kho bạc”. Trái phiếu chính phủ do chính phủ các quốc gia phát hành có thể được coi là nợ công.
  • Trái phiếu được chính phủ bảo lãnh (Agency bonds) là trái phiếu được phát hành bởi các tổ chức liên kết với chính phủ, ví dụ như tại Hoa Kỳ là trái phiếu phát hành bởi 2 tổ chức Fannie Mae hoặc Freddie Mac.

 

Các dạng trái phiếu

 

Trái phiếu có sẵn cho các nhà đầu tư với nhiều dạng khác nhau. Chúng có thể được phân chia theo lãi suất hoặc loại lãi suất hoặc thanh toán coupon, có thể thu hồi bởi tổ chức phát hành hoặc do chúng có các thuộc tính khác. Dưới đây, chúng tôi liệt kê một số biến thể phổ biến nhất:

 

Trái phiếu không trái tức (Zero-Coupon Bonds)

Trái phiếu zero-coupon (trái phiếu Z) không chi trả các khoản thanh toán coupon và thay vào đó trái phiếu được phát hành với mức giá thấp hơn mệnh giá của chúng, điều này sẽ tạo ra lợi nhuận sau khi trái chủ được thanh toán toàn bộ mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn. Tín phiếu kho bạc Hoa Kỳ là một trái phiếu zero-coupon.

 

Trái phiếu chuyển đổi (Convertible Bonds)

Trái phiếu chuyển đổi là công cụ nợ có quyền chọn đính kèm (embedded option) cho phép trái chủ chuyển trái phiếu của họ thành cổ phiếu (equity) tại một số thời điểm, tùy thuộc vào các điều kiện nhất định như giá cổ phiếu. Ví dụ, một công ty cần vay 1 triệu đô la để tài trợ cho một dự án mới. Họ có thể vay bằng cách phát hành trái phiếu với coupon 12% sẽ đáo hạn trong 10 năm. Tuy nhiên, nếu họ biết rằng có một số nhà đầu tư sẵn sàng mua trái phiếu với coupon 8% và cho phép họ chuyển trái phiếu thành cổ phiếu nếu giá cổ phiếu tăng cao hơn một giá trị nhất định, lúc này công ty có thể muốn phát hành những trái phiếu như vậy hơn.

 

Trái phiếu chuyển đổi có thể là giải pháp tốt nhất cho công ty vì họ sẽ phải trả lãi suất thấp hơn trong khi dự án đang ở giai đoạn đầu. Nếu các nhà đầu tư chuyển đổi trái phiếu của họ thành cổ phiếu, thì các cổ đông khác sẽ bị pha loãng, nhưng công ty sẽ không phải trả thêm bất kỳ khoản lãi hay gốc của trái phiếu.

 

Các nhà đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi có thể nghĩ rằng đây là một giải pháp tuyệt vời vì họ có thể thu được lợi nhuận từ việc cổ phiếu tăng giá nếu dự án thành công. Họ chấp nhận rủi ro cao hơn bằng việc chấp nhận thanh toán coupon thấp hơn, nhưng nếu trái phiếu được chuyển đổi phần thưởng tiềm năng sẽ là xứng đáng trong phi vụ đánh đổi này.

 

Trái phiếu có thể mua lại (Callable bonds)

Callable bonds cũng có một quyền chọn đính kèm, nhưng lại khác với trái phiếu chuyển đổi. Callable bond là trái phiếu có thể được công ty “mua lại” trước khi nó đáo hạn. Giả sử rằng một công ty đã vay 1 triệu đô la bằng cách phát hành trái phiếu với coupon 10% sẽ đáo hạn trong 10 năm. Nếu lãi suất giảm (hoặc xếp hạng tín nhiệm của công ty được cải thiện) vào năm thứ 5 khi công ty có thể vay 8%, họ sẽ mua lại trái phiếu từ các trái chủ với số tiền gốc và phát hành lại trái phiếu mới với lãi suất coupon thấp hơn.

 

Callable bond sẽ rủi ro hơn đối với người mua trái phiếu vì trái phiếu có nhiều khả năng bị công ty mua lại khi trái phiếu đang tăng về giá trị. Hãy nhớ rằng, khi lãi suất giảm, giá trái phiếu sẽ tăng. Do đó, trái phiếu có thể mua lại không giá trị bằng trái phiếu không thể mua lại với cùng kỳ hạn, xếp hạng tín nhiệm và lãi suất coupon.

 

Trái phiếu có thể bán lại ( Puttable Bond)

Trái phiếu có thể bán lại cho phép trái chủ bán hoặc trả lại trái phiếu cho công ty trước khi đáo hạn. Điều này có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư lo lắng rằng trái phiếu có thể giảm giá trị, hoặc nếu họ nghĩ rằng lãi suất sẽ tăng và muốn lấy lại tiền gốc trước khi trái phiếu giảm về mặt giá trị.

 

Tổ chức phát hành trái phiếu có thể đưa vào trái phiếu quyền chọn bán nhằm mang lại lợi ích cho trái chủ, đổi lại có được lãi suất coupon thấp hơn hoặc chỉ để khuyến khích bên bán trái phiếu thực hiện khoản vay ban đầu. Trái phiếu có thể bán lại thường được giao dịch với giá trị cao hơn trái phiếu không có quyền chọn bán với cùng xếp hạng tín nhiệm, kỳ hạn và lãi suất coupon vì nó có giá trị hơn đối với trái chủ.

 

Các cách kết hợp quyền bán, mua và quyền chuyển đổi được đính kèm trong một trái phiếu là vô tận và mỗi một sự kết hợp là duy nhất. Không có tiêu chuẩn chặt chẽ cho mỗi quyền này và một số trái phiếu sẽ chứa nhiều hơn một loại “quyền chọn”, điều này có thể khiến việc so sánh trở nên khó khăn. Nói chung, các nhà đầu tư cá nhân dựa vào các chuyên gia trái phiếu để chọn trái phiếu riêng lẻ hoặc quỹ đầu tư trái phiếu đáp ứng mục tiêu đầu tư của họ.

 

Cách định giá trái phiếu

 

Thị trường định giá trái phiếu dựa trên các đặc điểm cụ thể của chúng. Giá của trái phiếu thay đổi hàng ngày, giống như giá của bất kỳ loại chứng khoán nào khác được giao dịch công khai, trong đó cung và cầu tại thời điểm nhất định sẽ xác định mức giá được quan sát đó.

 

Nhưng có một logic để định giá trái phiếu. Cho đến thời điểm này, chúng ta đã xem xét trái phiếu như thể mọi nhà đầu tư đều giữ chúng đến ngày đáo hạn. Đúng là nếu nhà đầu làm như vậy, thì sẽ được đảm bảo nhận lại tiền gốc cộng với lãi suất; tuy nhiên, không nhất thiết phải giữ một trái phiếu đến ngày đáo hạn. Bất cứ lúc nào, một trái chủ có thể bán trái phiếu của mình trên thị trường mở, nơi giá trái phiếu có thể dao động và đôi khi biến động đáng kể.

 

Giá của trái phiếu biến đổi theo sự thay đổi của lãi suất trong nền kinh tế. Do thực tế, đối với trái phiếu có lãi suất cố định, tổ chức phát hành đã hứa trả coupon dựa trên mệnh giá của trái phiếu — vì vậy đối với trái phiếu mệnh giá 1.000 đô la, coupon 10% hàng năm, tổ chức phát hành sẽ trả cho trái chủ 100 đô la mỗi năm.

 

Giả sử lãi suất hiện hành cũng là 10% tại thời điểm trái phiếu này được phát hành, được xác định bằng lãi suất của trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Một nhà đầu tư sẽ không quan tâm đến việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hay trái phiếu chính phủ, vì cả hai đều sẽ mang lại lợi nhuận $100. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng một thời gian sau, nền kinh tế diễn biến theo chiều hướng xấu đi và lãi suất giảm xuống còn 5%. Bây giờ, nhà đầu tư chỉ có thể nhận được $50 từ trái phiếu chính phủ nhưng vẫn sẽ nhận được $100 từ trái phiếu doanh nghiệp.

 

Sự khác biệt này làm cho trái phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Vì vậy, các nhà đầu tư trên thị trường nâng giá của trái phiếu cho đến khi nó giao dịch ở mức giá cao bằng với môi trường lãi suất hiện hành — trong trường hợp này, trái phiếu sẽ giao dịch ở mức giá $2.000 sao cho coupon $100 tương ứng với 5%. Tương tự như vậy, nếu lãi suất tăng lên 15%, thì một nhà đầu tư có thể thu được 150 đô la từ trái phiếu chính phủ và sẽ không trả $1.000 chỉ để kiếm được $100. Trái phiếu này sẽ được bán cho đến khi nó đạt đến mức giá bằng với lợi suất, trong trường hợp này là mức giá $666,67.

 

Giá trái phiếu và lãi suất

 

Đây là lý do tại sao tuyên bố “giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất” lại đúng. Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm để có tác dụng cân bằng lãi suất trái phiếu với lãi suất phổ biến và ngược lại.

 

Một cách khác để minh họa khái niệm này là xem xét lợi suất trên trái phiếu sẽ thay đổi giá, thay vì thay đổi lãi suất. Ví dụ: nếu giá giảm từ $1.000 xuống $800, thì lợi suất sẽ tăng lên 12,5%.

 

Điều này xảy ra bởi vì ta đang nhận được cùng $100 đảm bảo trên một tài sản trị giá $800 ($100/$800). Ngược lại, nếu trái phiếu tăng giá lên $1.200, lợi suất sẽ giảm xuống còn 8,33% ($100 /$1.200).

 

Lợi suất khi đáo hạn (Yield-to-Maturity – YTM)

 

Lợi suất khi đáo hạn (YTM) của trái phiếu là một cách khác để xem xét giá của trái phiếu. YTM là tổng lợi nhuận dự kiến thu được ​​trên một trái phiếu nếu trái phiếu được giữ cho đến hết thời gian tồn tại. Lợi suất đáo hạn được coi là lợi suất trái phiếu dài hạn nhưng được biểu thị bằng lãi suất hàng năm. Nói cách khác, đó là lãi suất hoàn vốn nội bộ (internal rate of return) của khoản đầu tư vào trái phiếu nếu nhà đầu tư giữ trái phiếu đó cho đến khi đáo hạn và nếu tất cả các khoản thanh toán được thực hiện theo lịch trình.

 

YTM là một phép tính phức tạp nhưng khá hữu ích như một khái niệm để đánh giá mức độ hấp dẫn của một trái phiếu so với các trái phiếu khác với coupon và thời gian đáo hạn khác nhau trên thị trường. Công thức cho YTM liên quan đến việc giải toán lãi suất trong phương trình sau, đây không phải là bài toán dễ dàng và do đó hầu hết các nhà đầu tư trái phiếu quan tâm đến YTM sẽ sử dụng máy tính:

 

Công thức tính YTM

 

Chúng ta cũng có thể đo lường những thay đổi dự đoán về giá trái phiếu khi lãi suất thay đổi bằng một thước đo được gọi là duration của trái phiếu. Duration được biểu thị bằng đơn vị số năm kể từ khi nó được đề cập là trái phiếu zero-coupon ban đầu có duration là ngày đáo hạn.

 

Tuy nhiên, đối với các mục đích thực tế, duration biểu thị sự thay đổi giá của một trái phiếu khi lãi suất thay đổi 1%. Chúng tôi gọi định nghĩa thứ hai và thực tế hơn này là modified duration của một trái phiếu.

 

Duration có thể được tính toán để xác định mức độ nhạy cảm của giá đối với sự thay đổi lãi suất của một trái phiếu hoặc cho một danh mục đầu tư gồm nhiều trái phiếu. Nói chung, trái phiếu với kỳ hạn dài và trái phiếu với coupon thấp có độ nhạy cao nhất đối với sự thay đổi lãi suất. Duration của trái phiếu không phải là thước đo rủi ro tuyến tính, có nghĩa là khi giá và lãi suất thay đổi, bản thân duration cũng thay đổi và độ lồi (convexity) đo lường mối quan hệ này.

 

Ví dụ về trái phiếu

 

Trái phiếu đại diện cho một lời hứa của bên đi vay sẽ trả lại người cho vay tiền gốc của họ và thường là lãi suất của một khoản vay. Trái phiếu được phát hành bởi các chính phủ, thành phố và các tập đoàn. Lãi suất (lãi suất coupon), số tiền gốc và thời gian đáo hạn sẽ thay đổi từ trái phiếu này sang trái phiếu khác để đáp ứng các mục tiêu của tổ chức phát hành trái phiếu (bên đi vay) và người mua trái phiếu (người cho vay). Hầu hết trái phiếu do các công ty phát hành đều bao gồm các quyền chọn, điều này có thể làm tăng hoặc giảm giá trị của chúng và có thể gây khó khăn cho việc so sánh trái phiếu đối với những nhà đầu tư nghiệp dư. Trái phiếu có thể được mua hoặc bán trước khi đáo hạn, và nhiều trái phiếu được niêm yết công khai và có thể được giao dịch với một nhà môi giới.

 

Trong khi các chính phủ phát hành nhiều trái phiếu, thì trái phiếu doanh nghiệp có thể được mua từ các công ty môi giới. Nếu bạn quan tâm đến khoản đầu tư này, bạn sẽ cần chọn một nhà môi giới (công ty chứng khoán).

 

Bởi vì trái phiếu lãi suất coupon cố định sẽ trả theo tỷ lệ phần trăm trên mệnh giá của chúng theo thời gian, giá thị trường của trái phiếu sẽ biến động khi trái phiếu đó trở nên hấp dẫn hơn hoặc kém thu hút hơn so với lãi suất hiện hành.

 

Hãy tưởng tượng một trái phiếu được phát hành với lãi suất 5% và mệnh giá 1.000 đô la. Trái chủ sẽ được trả $50 tiền lãi hàng năm (hầu hết các phiếu trái phiếu được tách đôi và trả 6 tháng một lần). Miễn là không có gì thay đổi trong môi trường lãi suất, giá của trái phiếu sẽ được giữ nguyên ở mệnh giá của nó.

 

Tuy nhiên, nếu lãi suất bắt đầu giảm và bây giờ các trái phiếu tương tự được phát hành với coupon 4%, trái phiếu ban đầu đã trở nên có giá trị hơn. Các nhà đầu tư muốn có lãi suất coupon cao hơn sẽ phải trả thêm tiền cho trái phiếu để lôi kéo chủ sở hữu ban đầu bán chúng. Giá tăng sẽ làm cho tổng lợi suất của trái phiếu giảm xuống 4% đối với các nhà đầu tư mới vì họ phải trả một số tiền cao hơn mệnh giá để mua trái phiếu.

 

Mặt khác, nếu lãi suất tăng và lãi suất coupon của các trái phiếu như thế này tăng lên 6%, thì coupon 5% không còn hấp dẫn nữa. Giá trái phiếu sẽ giảm và bắt đầu bán với giá thấp hơn so với mệnh giá cho đến khi lợi nhuận hiệu quả của nó là 6%.

Những câu hỏi thường gặp

Trái phiếu hoạt động như thế nào?

Trái phiếu là một loại chứng khoán được bán bởi các chính phủ và tập đoàn, như một cách để huy động tiền từ các nhà đầu tư. Do đó, từ quan điểm của bên bán, việc bán trái phiếu là một cách để vay tiền. Từ quan điểm của người mua, việc mua trái phiếu là một hình thức đầu tư vì nó cho phép người mua được đảm bảo hoàn trả nợ gốc cũng như một dòng thanh toán lãi suất. Một số loại trái phiếu cũng cung cấp các lợi ích khác, chẳng hạn như khả năng chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của công ty phát hành.

 

Thị trường trái phiếu có xu hướng tỷ lệ nghịch với lãi suất bởi vì trái phiếu sẽ giao dịch ở mức giá thấp hơn khi lãi suất tăng và ở mức giá cao hơn khi lãi suất giảm.

Mô tả một ví dụ về Trái phiếu?

Để minh họa, hãy xem xét trường hợp của XYZ Corporation. XYZ muốn vay 1 triệu đô la để tài trợ cho việc xây dựng một nhà máy mới nhưng lại không thể lấy được khoản tài trợ này từ ngân hàng. Thay vào đó, XYZ quyết định huy động tiền bằng cách bán trái phiếu trị giá 1 triệu đô la cho các nhà đầu tư. Theo các điều khoản của trái phiếu, XYZ hứa sẽ trả cho các trái chủ của mình lãi suất 5% mỗi năm trong 5 năm, với lãi suất được trả 6 tháng 1 lần. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1.000 đô la, có nghĩa là XYZ đang bán tổng cộng 1.000 trái phiếu.

Một số loại trái phiếu khác nhau là gì?

Ví dụ trên là của một loại trái phiếu điển hình, nhưng có nhiều loại trái phiếu đặc biệt. Ví dụ, trái phiếu zero-coupon không trả lãi trong suốt thời hạn của trái phiếu. Thay vào đó, mệnh giá của chúng – số tiền trả lại cho nhà đầu tư vào cuối kỳ hạn – sẽ lớn hơn số tiền mà nhà đầu tư trả khi họ mua trái phiếu.

 

Mặt khác, trái phiếu chuyển đổi cho trái chủ quyền đổi trái phiếu của họ lấy cổ phiếu của công ty phát hành, nếu đạt được các mục tiêu nhất định. Nhiều loại trái phiếu khác cung cấp các tính năng liên quan đến lập kế hoạch thuế, bảo hiểm rủi ro lạm phát và các loại trái phiếu khác .

Trái phiếu có phải là khoản đầu tư tốt không?

Trái phiếu có xu hướng ít biến động hơn cổ phiếu và thường được khuyến nghị để tạo nên ít nhất một phần của danh mục đầu tư đa dạng. Bởi vì giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất, chúng có xu hướng tăng giá trị khi lãi suất giảm. Nếu trái phiếu được giữ đến ngày đáo hạn, chúng sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền gốc vào cuối kỳ, cùng với các khoản thanh toán lãi suất được thực hiện trong thời kỳ nắm giữ. Vì vậy, trái phiếu thường tốt cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm thu nhập và những người muốn bảo toàn vốn. Nhìn chung, các chuyên gia khuyên rằng khi các cá nhân lớn tuổi hoặc sắp nghỉ hưu nên chuyển phần lớn tỷ trọng danh mục đầu tư của mình sang trái phiếu.

Làm cách nào để mua trái phiếu?

Mặc dù có một số công ty môi giới trái phiếu chuyên biệt, nhưng ngày nay hầu hết các công ty môi giới chiết khấu và trực tuyến đều cung cấp quyền truy cập vào thị trường trái phiếu và bạn có thể mua chúng ít nhiều giống như mua cổ phiếu. Trái phiếu kho bạc và Trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (Treasury inflation-protected securities; viết tắt: TIPS) thường được bán trực tiếp thông qua chính phủ liên bang. Bạn cũng có thể mua trái phiếu gián tiếp thông qua ETF có thu nhập cố định hoặc quỹ tương hỗ đầu tư vào danh mục trái phiếu.

Đâu là những tiêu chí cơ bản để lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

Trái phiếu cũng là một hình thức đầu tư vì thế, người mua trái phiếu cũng cần có một vài tiêu chí cơ bản để lựa chọn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có niêm yết, lịch sử hoạt động kinh doanh rõ ràng minh bạch.

Tham khảo báo cáo tài chính để biết dòng tiền của doanh nghiệp đang được sử dụng như thế nào, lợi nhuận có ổn định hay không?

Điều quan trọng khi đầu tư vào doanh nghiệp nói chung và trái phiếu nói riêng, việc đánh giá ban quản trị là vô cùng quan trọng. Họ phải là những người có tầm nhìn và khả năng lãnh đạo tốt để đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: