arrow-menu

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là gì?

Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product – GDP) là tổng giá trị tiền tệ hoặc giá trị thị trường của tất cả các sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) cuối cùng được sản xuất trong biên giới của một quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể. Là một thước đo tổng thể về sản xuất trong nước, GDP hoạt động như một bảng điểm toàn diện về sức khỏe kinh tế của một quốc gia nhất định.

Mặc dù GDP thường được tính trên cơ sở hàng năm, nhưng đôi khi nó cũng được tính theo quý. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, chính phủ công bố ước tính GDP hàng năm cho mỗi quý tài chính và cho cả năm dương lịch.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp các ý chính cần nhớ

  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị tiền tệ của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được thực hiện trong một quốc gia trong một thời kỳ cụ thể.
  • GDP cung cấp một cái nhìn tổng thể về nền kinh tế của một quốc gia, được sử dụng để ước tính quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng.
  • GDP có thể được tính theo ba cách: theo chi tiêu, theo sản xuất hoặc theo thu nhập. GDP có thể được điều chỉnh theo lạm phát và dân số để cung cấp những thông tin chuyên sâu.
  • Mặc dù có những hạn chế, nhưng GDP là một công cụ quan trọng để giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong việc ra quyết định chiến lược.

 

Hiểu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

 

GDP của một quốc gia sẽ là tổng của tiêu dùng cá nhân và chi tiêu công cộng, chi tiêu của chính phủ, đầu tư, sản lượng sản phẩm tồn kho, chi phí xây dựng đã trả và cán cân ngoại thương. (Cán cân thương mại là giá trị chênh lệch giữa Xuất khẩu và Nhập khẩu)

 

Thông tin bổ sung: Ước tính GDP thực tế của Việt Nam năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước.

 

Trong tất cả các thành phần tạo nên GDP của một quốc gia, cán cân ngoại thương đặc biệt quan trọng. GDP của một quốc gia có xu hướng tăng lên khi tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu cao hơn tổng giá trị hàng hóa dịch vụ nhập khẩu. Trong trường hợp này, quốc gia đó được cho là có thặng dư thương mại.

 

Trong trường hợp ngược lại – số tiền nhập khẩu cao hơn số tiền xuất khẩu – thì được gọi là thâm hụt thương mại. Trong tình huống này, GDP của một quốc gia có xu hướng giảm xuống.

 

GDP có thể được tính trên cơ sở danh nghĩa hoặc cơ sở thực tế (GDP thực tế thì có tính đến yếu tố lạm phát). Nhìn chung, GDP thực tế là cách tính tốt hơn để thể hiện hiệu quả kinh tế quốc gia trong dài hạn vì sử dụng giá trị tiền tệ cố định (constant dollars) – được điều chỉnh theo lạm phát để GDP so sánh giữa các năm có ý nghĩa hơn.

 

Ví dụ, giả sử có một quốc gia vào năm 2011 có GDP danh nghĩa là 100 tỷ đô la. Đến năm 2021, GDP danh nghĩa của quốc gia này đã tăng lên 150 tỷ đô la. Trong cùng khoảng thời gian, giá cả cũng tăng 100%. Trong ví dụ này, nếu chỉ nhìn vào GDP danh nghĩa, nền kinh tế dường như đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, GDP thực tế (tính theo đô la năm 2011) sẽ chỉ là 75 tỷ đô la, cho thấy rằng trên thực tế, nền kinh tế đang suy giảm trong giai đoạn này.

 

Các loại GDP

 

GDP có thể được báo cáo theo nhiều cách, mỗi cách như vậy cung cấp các thông tin khá khác nhau.

 

GDP danh nghĩa (Nominal GDP)

GDP danh nghĩa là một đánh giá về quá trình sản xuất kinh tế trong một nền kinh tế, sử dụng giá hiện hành trong tính toán của nó. Nói cách khác, nó không loại bỏ lạm phát hoặc tốc độ tăng giá, điều mà có thể thổi phồng con số tăng trưởng.

 

Tất cả hàng hóa và dịch vụ trong GDP danh nghĩa được định giá theo giá cả mà hàng hóa và dịch vụ đó thực sự được bán trong năm đó. GDP danh nghĩa được đánh giá bằng nội tệ hoặc đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái thị trường tiền tệ để so sánh GDP của các quốc gia theo các điều kiện tài chính thuần túy.

 

GDP danh nghĩa được sử dụng khi so sánh các quý khác nhau về sản lượng trong cùng một năm. Khi so sánh GDP của hai năm trở lên, thì GDP thực tế sẽ được sử dụng. Điều này là do trên thực tế, việc loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát khiến việc so sánh giữa các năm chỉ tập trung vào khối lượng.

 

GDP thực tế

GDP thực tế là một thước đo được điều chỉnh theo lạm phát phản ánh số lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi một nền kinh tế trong một năm nhất định, với giá cả được giữ cố định từ năm này sang năm khác để tách biệt tác động của lạm phát hoặc giảm phát khỏi xu hướng trong sản lượng theo thời gian. Vì GDP dựa trên giá trị tiền tệ của hàng hóa và dịch vụ, nên nó phụ thuộc vào lạm phát.

 

Giá cả tăng sẽ có xu hướng làm tăng GDP của một quốc gia, nhưng điều này không nhất thiết phản ánh bất kỳ sự thay đổi nào về số lượng hoặc chất lượng của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất. Do đó, nếu chỉ nhìn vào GDP danh nghĩa của một nền kinh tế, có thể khó xác định liệu con số này tăng lên do sản xuất mở rộng thực sự hay đơn giản là do giá cả tăng.

 

Các nhà kinh tế học sử dụng một quy trình điều chỉnh để lạm phát được tính đến trong GDP thực tế của nền kinh tế. Bằng cách điều chỉnh sản lượng trong bất kỳ năm nhất định nào cho các mức giá thịnh hành trong năm tham chiếu, được gọi là năm cơ sở, các nhà kinh tế có thể điều chỉnh theo tác động của lạm phát. Bằng cách này, có thể so sánh GDP của một quốc gia từ năm này sang năm khác và xem liệu có bất kỳ sự tăng trưởng thực sự nào không.

 

GDP thực tế được tính bằng cách sử dụng chỉ số giảm phát GDP, là mức chênh lệch về giá giữa năm hiện tại và năm cơ sở. Ví dụ: nếu giá tăng 5% kể từ năm cơ sở, thì chỉ số điều chỉnh GDP (hay còn gọi là chỉ số giảm phát GDP) sẽ là 1,05. GDP danh nghĩa được chia cho tỷ lệ giảm phát này để ra con số GDP thực tế. GDP danh nghĩa thường cao hơn GDP thực tế vì lạm phát thường là số dương.

 

GDP thực tế tính đến những thay đổi trong giá trị thị trường và do đó thu hẹp sự khác biệt giữa các số liệu sản lượng qua các năm. Nếu có sự chênh lệch lớn giữa GDP thực tế của một quốc gia và GDP danh nghĩa, thì đây có thể là một chỉ báo về lạm phát hoặc giảm phát đáng kể trong nền kinh tế của quốc gia đó.

 

GDP bình quân đầu người

GDP bình quân đầu người là phép đo GDP trên một người trong dân số của một quốc gia. Nó chỉ ra rằng khối lượng sản lượng hoặc thu nhập của mỗi người trong một nền kinh tế, có thể cho biết năng suất trung bình hoặc mức sống trung bình. GDP bình quân đầu người có thể được tính dưới dạng danh nghĩa, thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) hoặc PPP (Purchasing Power Parity – sức mua tương đương).

 

Theo cách hiểu cơ bản, GDP bình quân đầu người cho thấy mỗi người dân có thể đóng góp bao nhiêu giá trị sản xuất kinh tế. Điều này cũng được coi là thước đo tổng thể của cải quốc gia vì giá trị thị trường GDP trên một người cũng đóng vai trò là thước đo thịnh vượng.

 

GDP bình quân đầu người thường được phân tích cùng với các thước đo truyền thống hơn về GDP. Các nhà kinh tế sử dụng số liệu này để hiểu rõ hơn về năng suất nội địa của quốc gia họ và năng suất của các quốc gia khác. GDP bình quân đầu người xem xét cả GDP của một quốc gia và dân số của quốc gia đó. Do đó, việc hiểu rõ từng yếu tố đóng góp như thế nào vào kết quả chung và ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP bình quân đầu người là khá quan trọng.

 

Ví dụ: nếu GDP bình quân đầu người của một quốc gia đang tăng lên với mức dân số ổn định, thì đó có thể là kết quả của những tiến bộ công nghệ đang tạo ra nhiều sản phẩm hơn với cùng một mức dân số. Một số quốc gia có thể có GDP bình quân đầu người cao nhưng dân số ít, điều này thường có nghĩa là họ đã xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp dựa trên nguồn tài nguyên đặc biệt dồi dào.

 

Tỷ lệ tăng trưởng GDP

Tỷ lệ tăng trưởng GDP so sánh sự thay đổi hàng năm (hoặc hàng quý) trong GDP để đo lường tốc độ phát triển của nền kinh tế. Thường được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm, phép đo này phổ biến đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế vì tăng trưởng GDP được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu chính sách quan trọng như lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.

 

Nếu tốc độ tăng trưởng GDP tăng nhanh, đó có thể là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang “quá nóng” và ngân hàng trung ương có thể tìm cách tăng lãi suất. Ngược lại, các ngân hàng trung ương cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP đang chậm lại (hoặc là số âm – tức là suy thoái) là một tín hiệu cho thấy lãi suất nên được hạ xuống và kích thích nền kinh tế.

 

GDP theo sức mua tương đương (PPP)

Mặc dù không trực tiếp đo lường GDP, nhưng các nhà kinh tế học xem xét sức mua tương đương (PPP) để đo lường GDP của một quốc gia bằng “đô la quốc tế”, sử dụng một phương pháp điều chỉnh sự khác biệt về giá địa phương và chi phí sinh hoạt để so sánh sản lượng thực, thu nhập thực và mức sống giữa các quốc gia.

 

Cách tính GDP

 

GDP có thể được xác định thông qua ba phương pháp chính. Cả ba phương pháp sẽ cho ra kết quả cùng một con số khi được tính toán chính xác. Ba cách tiếp cận này thường được gọi là cách tiếp cận chi tiêu, cách tiếp cận sản lượng (hoặc sản xuất) và cách tiếp cận thu nhập.

 

Cách tiếp cận chi tiêu

Cách tiếp cận chi tiêu tính toán chi tiêu của các nhóm khác nhau tham gia vào nền kinh tế. GDP của Hoa Kỳ chủ yếu được đo lường dựa trên cách tiếp cận chi tiêu. Cách tiếp cận này có thể được tính bằng công thức sau:

GDP = C + G + I + NX

 

Trong đó:

 

C (consumption) = tiêu dùng;

G (government spending) = chi tiêu của chính phủ;

I (investment) = đầu tư

NX (net export) = xuất khẩu ròng

 

Tất cả các hoạt động này đều đóng góp vào GDP của một quốc gia. Tiêu dùng đề cập đến chi tiêu tiêu dùng tư nhân hoặc chi tiêu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng chi tiền để mua hàng hóa và dịch vụ, chẳng hạn như cửa hàng tạp hóa và tiệm cắt tóc. Chi tiêu tiêu dùng là thành phần lớn nhất của GDP, chiếm hơn 2/3 GDP của Hoa Kỳ.

 

Do đó,chỉ số niềm tin tiêu dùng có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Chỉ số niềm tin cao cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu, trong khi chỉ số niềm tin tiêu dùng thấp phản ánh sự không chắc chắn về tương lai và không sẵn sàng chi tiêu.

 

Chi tiêu của chính phủ đại diện cho chi tiêu tiêu dùng của chính phủ và tổng đầu tư. Các chính phủ chi tiền cho thiết bị, cơ sở hạ tầng và biên chế. Chi tiêu của chính phủ có thể trở nên quan trọng hơn so với các thành phần khác của GDP khi chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh đều giảm mạnh. (Ví dụ: điều này có thể xảy ra sau suy thoái kinh tế.)

 

Đầu tư là đầu tư trong nước của tư nhân hoặc chi phí tài sản cố định (chi phí vốn). Doanh nghiệp bỏ tiền ra để đầu tư vào hoạt động kinh doanh của mình. Ví dụ, một doanh nghiệp có thể mua máy móc. Đầu tư kinh doanh là một thành phần quan trọng của GDP vì nó làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế và tăng mức độ việc làm.

 

Xuất khẩu ròng: có công thức như sau: NX = Xuất khẩu – Nhập khẩu. Hàng hóa và dịch vụ mà một nền kinh tế tạo ra được xuất khẩu sang các quốc gia khác, trừ hàng hóa nhập khẩu được người tiêu dùng trong nước mua, đại diện cho xuất khẩu ròng của một quốc gia. Tất cả các khoản chi tiêu của các công ty đặt tại một quốc gia nhất định, ngay cả khi họ là các công ty nước ngoài, đều được đưa vào tính toán này.

 

Cách tiếp cận Sản xuất (Sản lượng)

Cách tiếp cận sản xuất về cơ bản là sự đối lập của cách tiếp cận chi tiêu. Thay vì đo lường các chi phí đầu vào đóng góp vào hoạt động kinh tế, cách tiếp cận sản xuất ước tính tổng giá trị của sản lượng kinh tế và trừ đi chi phí của hàng hóa trung gian được tiêu thụ trong quá trình này (như nguyên vật liệu và dịch vụ).

 

Cách tiếp cận theo thu nhập

Cách tiếp cận theo thu nhập thể hiện một kiểu ở giữa hai cách tiếp cận chi tiêu và sản xuất. Cách tiếp cận thu nhập tính toán thu nhập thu được từ tất cả các yếu tố sản xuất trong nền kinh tế, bao gồm tiền công trả cho lao động, thuế đất đai, lợi tức đầu tư và lợi nhuận doanh nghiệp.

 

Cách tiếp cận thu nhập tính đến một số điều chỉnh đối với những mặt hàng không được coi là khoản thanh toán cho các yếu tố sản xuất. Ví dụ, có một số loại thuế – chẳng hạn như thuế bán hàng và thuế tài sản – được phân loại là thuế kinh doanh gián thu. Ngoài ra, khấu hao – một khoản dự trữ mà các doanh nghiệp dành ra để thay thế các thiết bị có xu hướng hao mòn khi sử dụng – cũng được thêm vào thu nhập quốc gia. Tất cả những điều này cùng nhau tạo thành thu nhập của quốc gia.

 

Các yếu tố ảnh hưởng đến GDP

 

Dựa vào công thức tính GDP kể trên, chúng ta có thể biết được những yếu tố nào ảnh hưởng đến GDP, tuy nhiên nguồn gốc của những yếu tố đó cần phải nhìn nhận rộng thêm một số vấn đề khác. Sau đây sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến chỉ số GDP.

 

Dân số

Dân số được xem như là một yếu tố hàng đầu tác động mạnh đến chỉ số GDP của một quốc gia. Dân số chính là nguồn lao động dồi dào cho xã hội, cung cấp một nguồn lực để sản sinh ra của cải, vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng. Đồng thời đây cũng là lực lượng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ được tạo ra. Chính vì vậy mà dân số là một yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến chỉ số GDP bình quân đầu người trên một khu vực lãnh thổ hoặc một quốc gia trong một thời điểm cụ thể.

 

Yếu tố FDI

FDI là một chỉ số thể hiện mức độ về nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tên gọi đầy đủ là Foreign Direct Investment. Chỉ số này ảnh hưởng khá lớn tới GDP, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chỉ số này cho thấy nguồn lực kinh tế của một quốc gia đang được thu hút như thế nào. Đồng thời, đây cũng là một loại hình đầu tư dài hạn của một số cá nhân, tổ chức, hoặc của quốc gia này với quốc gia khác. Với sự hỗ trợ từ FDI, điều đó sẽ là một yếu tố mạnh mẽ giúp cho việc sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ của quốc gia, lãnh thổ đó được phát triển. Trong đó bao gồm cả tiền, vật chất, phương tiện sản xuất, dịch vụ, sản phẩm, hạ tầng, giao thông, hoạt động xã hội,…

 

Lạm phát

Lạm phát là một tình trạng gia tăng giá chung của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ theo thời gian. Với sự tăng giá này thì đồng nghĩa với việc giá trị của một số loại tiền tệ của một quốc gia đó đang bị giảm. Vì thế chính sách của nhà nước luôn quan tâm đến lạm phát để điều chỉnh nền kinh tế sao cho phù hợp, cân bằng hợp lý giữa giá trị đồng tiền của mình với các nước đang có ngoại giao để việc xuất nhập khẩu được ổn định.

 

Nếu một quốc gia có mức tăng trưởng nhanh, việc lạm phát sẽ cần phải khống chế ở mức tối ưu để không vô hình tạo ra sự tăng trưởng GDP vào cho nền kinh tế, khiến cho bức tranh này dễ bị khủng hoảng.

 

GDP so với GNP so với GNI

 

Mặc dù GDP là một thước đo được sử dụng rộng rãi, nhưng vẫn có những cách khác để đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Trong khi GDP đo lường hoạt động kinh tế trong phạm vi biên giới thực của một quốc gia (cho dù các nhà sản xuất là bản địa của quốc gia đó hay các công ty sở hữu nước ngoài), thì tổng sản lượng quốc dân (GNP – Gross National Product) là phép đo tổng sản xuất của những người hoặc tập đoàn có nguồn gốc từ một quốc gia, bao gồm cả những công ty có trụ sở ở nước ngoài. GNP không bao gồm sản xuất trong nước của người nước ngoài.

 

Tổng thu nhập quốc dân (Gross National Income – GNI) là một thước đo khác của tăng trưởng kinh tế. Đó là tổng thu nhập của công dân hoặc kiều bào của một quốc gia (bất kể hoạt động kinh tế cơ bản diễn ra trong nước hay ở nước ngoài). Mối quan hệ giữa GNP và GNI tương tự như mối quan hệ giữa cách tiếp cận sản xuất (sản lượng) và cách tiếp cận thu nhập được sử dụng để tính GDP.

 

GNP sử dụng cách tiếp cận sản xuất, trong khi GNI sử dụng cách tiếp cận thu nhập. Với GNI, thu nhập của một quốc gia được tính bằng thu nhập trong nước, cộng với thuế kinh doanh gián thu và khấu hao (cũng như thu nhập tài sản ròng từ nước ngoài của quốc gia đó). Số liệu cho thu nhập tài sản ròng từ nước ngoài được tính bằng cách lấy tất cả các khoản thanh toán cho các doanh nghiệp trong nước trừ tất cả các khoản thanh toán cho các công ty và cá nhân nước ngoài.

 

Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển, GNI đã được coi là một thước đo sức khỏe kinh tế tổng thể tốt hơn so với GDP. Bởi vì một số quốc gia có phần lớn thu nhập của họ bị rút ra nước ngoài bởi các tập đoàn và cá nhân nước ngoài, con số GDP cao hơn nhiều so với con số thể hiện GNI của họ.

 

Ví dụ, vào năm 2019, Luxembourg có sự khác biệt đáng kể giữa GDP và GNI, chủ yếu là do các khoản thanh toán lớn được trả cho phần còn lại của thế giới thông qua các tập đoàn nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Luxembourg, bị thu hút bởi luật thuế đầy thiện chí của quốc gia nhỏ bé này. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, GNI và GDP không có sự khác biệt đáng kể. Năm 2019, GDP của Hoa Kỳ là 21,7 nghìn tỷ đô la trong khi GNI của nó cũng là 21,7 nghìn tỷ đô la.

 

Những điều chỉnh đối với GDP

 

Một số điều chỉnh có thể được thực hiện đối với GDP của một quốc gia để cải thiện mức độ hữu ích của con số này. Đối với các nhà kinh tế, GDP của một quốc gia tiết lộ quy mô của nền kinh tế nhưng cung cấp rất ít thông tin về mức sống của quốc gia đó. Một phần lý do của điều này là do quy mô dân số và chi phí sinh hoạt không nhất quán trên toàn thế giới.

 

Ví dụ, việc so sánh GDP danh nghĩa của Trung Quốc với GDP danh nghĩa của Ireland sẽ không đưa đến nhiều thông tin có ý nghĩa về thực tế cuộc sống ở các quốc gia đó vì Trung Quốc có dân số xấp xỉ 300 lần dân số Ireland.

 

Để giúp giải quyết vấn đề này, các nhà thống kê đôi khi so sánh GDP bình quân đầu người giữa các quốc gia. GDP bình quân đầu người được tính bằng cách lấy tổng GDP của một quốc gia chia cho dân số của quốc gia đó và con số này thường được trích dẫn để đánh giá mức sống của quốc gia đó. Mặc dù vậy, biện pháp này vẫn chưa hoàn hảo.

 

Giả sử Trung Quốc có GDP bình quân đầu người là 1.500 đô la, trong khi Ireland có GDP bình quân đầu người là 15.000 đô la. Điều này không nhất thiết có nghĩa là trung bình một người Ireland sống tốt hơn 10 lần so với một người Trung Quốc. GDP bình quân đầu người không tính đến mức độ đắt đỏ của cuộc sống ở một quốc gia.

 

Sức mua tương đương (PPP) cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách so sánh số lượng hàng hóa và dịch vụ mà một đơn vị tiền được điều chỉnh theo tỷ giá hối đoái có thể mua ở các quốc gia khác nhau — so sánh giá của một mặt hàng hoặc giỏ hàng ở hai quốc gia sau khi điều chỉnh đối với tỷ giá hối đoái giữa hai loại.

 

GDP bình quân đầu người thực tế, được điều chỉnh theo sức mua tương đương, là một thống kê được tinh chỉnh kỹ lưỡng để đo lường thu nhập thực tế, là một yếu tố quan trọng của phúc lợi. Một cá nhân ở Ireland có thể kiếm 100.000 đô la một năm, trong khi một cá nhân ở Trung Quốc có thể kiếm 50.000 đô la một năm. Về danh nghĩa, người lao động ở Ireland khá giả hơn. Tuy nhiên, nếu giá thực phẩm, quần áo và các mặt hàng khác của một năm ở Ireland cao gấp ba lần so với ở Trung Quốc, thì người lao động ở Trung Quốc có thu nhập thực tế cao hơn.

 

Cách sử dụng dữ liệu GDP

 

Hầu hết các quốc gia công bố dữ liệu GDP hàng tháng và hàng quý. Tại Hoa Kỳ, Cục Phân tích Kinh tế (BEA) công bố bản phát hành trước về GDP hàng quý bốn tuần sau khi quý kết thúc và bản phát hành cuối cùng ba tháng sau khi quý kết thúc. Các bản phát hành của BEA là đầy đủ và chứa nhiều chi tiết, cho phép các nhà kinh tế và nhà đầu tư có được thông tin và hiểu biết sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế. Còn tại Việt Nam, GDP được tính bởi Tổng cục thống kê Việt Nam – thường là thống kê hàng năm.

 

Tác động thị trường của GDP nói chung là hạn chế, vì nó “cũ” một khoảng thời gian đáng kể khi công bố dữ liệu GDP cho giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, dữ liệu GDP có thể có tác động đến thị trường nếu các con số thực tế khác biệt đáng kể so với kỳ vọng.

 

Bởi vì GDP cung cấp một chỉ số trực tiếp về sức khỏe và sự tăng trưởng của nền kinh tế, các doanh nghiệp có thể sử dụng GDP như một chỉ dẫn cho chiến lược kinh doanh của họ. Các tổ chức chính phủ, chẳng hạn như Fed ở Hoa Kỳ, sử dụng tốc độ tăng trưởng và các số liệu thống kê GDP khác như một phần của quá trình quyết định loại chính sách tiền tệ nào sẽ được thực hiện.

 

Nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại, họ có thể thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng để cố gắng thúc đẩy nền kinh tế. Nếu tốc độ tăng trưởng mạnh, họ có thể sử dụng chính sách tiền tệ làm hạ nhiệt nền kinh tế để cố gắng ngăn chặn lạm phát.

 

GDP thực tế là chỉ số nói lên nhiều điều nhất về sức khỏe của nền kinh tế. Nó được các nhà kinh tế, nhà phân tích, nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách theo dõi và thảo luận rộng rãi. Việc phát hành trước dữ liệu mới nhất hầu như sẽ luôn tác động đến thị trường, mặc dù tác động đó có thể bị hạn chế, như đã lưu ý ở trên.

 

GDP và đầu tư

 

Các nhà đầu tư theo dõi GDP vì nó cung cấp một khung sườn để ra quyết định. Dữ liệu “lợi nhuận doanh nghiệp” và “hàng tồn kho” trong báo cáo GDP là một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho các nhà đầu tư vốn cổ phần, vì cả hai loại đều cho thấy tổng mức tăng trưởng trong một giai đoạn; dữ liệu lợi nhuận doanh nghiệp cũng hiển thị lợi nhuận trước thuế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và sự phân tích tất cả các lĩnh vực chính của nền kinh tế.

 

So sánh tốc độ tăng trưởng GDP của các quốc gia khác nhau có thể phần nào đóng vai trò trong việc phân bổ tài sản, hỗ trợ các quyết định về việc có nên đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở nước ngoài hay không – và nếu có thì nên đầu tư vào những nền kinh tế nào.

 

Một số liệu thú vị mà các nhà đầu tư có thể sử dụng để biết được giá trị của thị trường cổ phiếu là tỷ lệ giữa tổng vốn hóa thị trường trên GDP, được biểu thị bằng phần trăm. Tương đương gần nhất với điều này về mặt định giá cổ phiếu là vốn hóa thị trường của một công ty trên tổng doanh thu (hoặc doanh thu), mà theo thuật ngữ cổ phiếu là tỷ lệ giá trên doanh thu.

 

Vì cổ phiếu trong các lĩnh vực khác nhau giao dịch ở các tỷ lệ giá trên doanh thu rất khác nhau, các quốc gia khác nhau giao dịch theo tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP thực sự có mặt trên toàn thế giới. Ví dụ, theo Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ có tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP là 195% vào năm 2020, trong khi Trung Quốc có tỷ lệ chỉ hơn 83% và Hồng Kông có tỷ lệ 1,769%.

 

Tuy nhiên, tính thực tiễn của tỷ lệ này nằm ở việc so sánh nó với các tiêu chuẩn lịch sử của một quốc gia cụ thể. Ví dụ, Hoa Kỳ có tỷ lệ vốn hóa thị trường trên GDP là 142% vào cuối năm 2006, tỷ lệ này giảm xuống 79% vào cuối năm 2008. Nhìn lại, những khu vực này đại diện cho các khu vực định giá quá cao và định giá thấp tương ứng, đối với Cổ phiếu của Hoa Kỳ.

 

Nhược điểm lớn nhất của dữ liệu này là thiếu tính kịp thời; các nhà đầu tư chỉ nhận được một bản cập nhật mỗi quý và bản sửa đổi có thể có những điều chỉnh thay đổi đáng kể trong GDP.

 

Lịch sử của GDP

 

Khái niệm GDP lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1937 trong một báo cáo trước Quốc hội Hoa Kỳ nhằm phản ứng với cuộc Đại suy thoái, được hình thành và trình bày bởi một nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, Simon Kuznets.

 

Vào thời điểm đó, hệ thống đo lường ưu việt là GNP. Sau hội nghị Bretton Woods năm 1944, GDP đã được chấp nhận rộng rãi làm phương tiện tiêu chuẩn để đo lường nền kinh tế quốc gia, mặc dù trớ trêu thay, Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng GNP làm thước đo phúc lợi kinh tế chính thức cho đến năm 1991, sau đó chuyển sang GDP.

 

Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1950, một số nhà kinh tế và hoạch định chính sách bắt đầu đặt câu hỏi về GDP. Ví dụ, một số người đã quan sát thấy xu hướng chấp nhận GDP như một chỉ số tuyệt đối về sự thất bại hay thành công của một quốc gia, mặc dù quốc gia đó không tính đến sức khỏe, hạnh phúc, bình đẳng và các yếu tố cấu thành khác của phúc lợi công cộng. Nói cách khác, những người chỉ trích này đã chú ý đến sự khác biệt giữa tiến bộ kinh tế và tiến bộ xã hội.

 

Tuy nhiên, hầu hết các nhà chức trách, như Arthur Okun, một nhà kinh tế học của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống John F. Kennedy, kiên định với niềm tin rằng GDP là một chỉ số tuyệt đối cho sự thành công của nền kinh tế, cho rằng cứ mỗi mức tăng GDP thì sẽ có một mức giảm trong tỷ lệ thất nghiệp.

 

Các chỉ trích về GDP

 

Tất nhiên, có những hạn chế khi sử dụng GDP làm chỉ số. Ngoài việc thiếu tính kịp thời, một số chỉ trích về GDP với tư cách như một thước đo là:

  • GDP bỏ qua giá trị của hoạt động kinh tế không chính thức hoặc không được ghi chép: GDP dựa trên các giao dịch được ghi lại và dữ liệu chính thức, vì vậy nó không tính đến mức độ của hoạt động kinh tế phi chính thức. GDP không tính đến giá trị của việc làm chui, hoạt động thị trường ngầm, hoặc công việc tình nguyện không được trả công, tất cả đều có thể quan trọng ở một số quốc gia và không thể tính đến giá trị của thời gian nhàn rỗi hoặc sản xuất hộ gia đình, là những điều kiện phổ biến của cuộc sống con người trong mọi xã hội.
  • GDP bị giới hạn về mặt địa lý trong nền kinh tế mở toàn cầu: GDP không tính đến lợi nhuận thu được ở một quốc gia của các công ty ở nước ngoài mà được chuyển lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể phóng đại sản lượng kinh tế thực tế của một quốc gia. Ví dụ, Ireland có GDP là 426 tỷ đô la và GNI là 324 tỷ đô la vào năm 2020, sự khác biệt khoảng 100 tỷ đô la (hoặc hơn 20% GDP) phần lớn là do các công ty nước ngoài có trụ sở tại Ireland chuyển ngân về nước.
  • GDP nhấn mạnh đến sản lượng vật chất mà không xem xét đến phúc lợi tổng thể: chỉ riêng tăng trưởng GDP không thể đo lường sự phát triển của một quốc gia hoặc phúc lợi của công dân, như đã nói ở trên. Ví dụ, một quốc gia có thể đang trải qua tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng, nhưng điều này có thể gây ra chi phí đáng kể cho xã hội về tác động môi trường và gia tăng chênh lệch thu nhập.
  • GDP bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp: GDP chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới, cố tình loại bỏ chi tiêu và giao dịch trung gian giữa các doanh nghiệp. Bằng cách đó, GDP phóng đại tầm quan trọng của tiêu dùng so với sản xuất trong nền kinh tế và ít nhạy cảm hơn trong chức năng là một chỉ số về biến động kinh tế, so với các thước đo khác bao gồm hoạt động kinh doanh giữa doanh nghiệp.
  • GDP vẫn coi chi phí và lãng phí là lợi ích kinh tế: GDP tính tất cả chi tiêu cuối cùng của tư nhân và chính phủ như là phần bổ sung vào thu nhập và sản lượng cho xã hội, bất kể chúng có thực sự mang lại hiệu quả hay lợi nhuận. Điều này có nghĩa là rõ ràng các hoạt động không mang lại hiệu quả hoặc thậm chí phá hoại thường được tính là sản lượng kinh tế và đóng góp vào tăng trưởng GDP. Ví dụ, điều này bao gồm chi tiêu hướng tới việc trích xuất hoặc chuyển giao của cải giữa các thành viên trong xã hội hơn là sản xuất ra của cải (chẳng hạn như chi phí hành chính về thuế hoặc tiền chi cho vận động hành lang và tìm kiếm tiền thuê nhà); chi tiêu cho các dự án đầu tư không có sẵn hàng hóa bổ sung và lao động cần thiết hoặc không có nhu cầu tiêu dùng thực tế (chẳng hạn như xây dựng các thành phố ma trống rỗng hoặc những cây cầu không kết nối với bất kỳ mạng lưới đường bộ nào); và chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ có tính hủy hoại hoặc chỉ cần thiết để bù đắp cho các hoạt động phá hoại khác chứ không phải để tạo ra của cải mới (chẳng hạn như sản xuất vũ khí chiến tranh hoặc chi tiêu cho các biện pháp trị an và chống tội phạm).

 

Nguồn cho dữ liệu GDP

 

Ngân hàng Thế giới sở hữu một trong những cơ sở dữ liệu dựa trên web đáng tin cậy nhất. Nó chứa một trong những danh sách tốt và toàn diện nhất về các quốc gia mà nó theo dõi dữ liệu GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cung cấp dữ liệu GDP thông qua nhiều cơ sở dữ liệu , chẳng hạn như Triển vọng Kinh tế Thế giới và Thống kê Tài chính Quốc tế.

 

Một nguồn dữ liệu GDP có độ tin cậy cao khác là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). OECD không chỉ cung cấp dữ liệu lịch sử mà còn dự báo tăng trưởng GDP. Nhược điểm của việc sử dụng cơ sở dữ liệu của OECD là nó chỉ theo dõi các nước thành viên của OECD và một số nước không phải là thành viên.

 

Tại Hoa Kỳ, Fed thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm các cơ quan thống kê của một quốc gia và Ngân hàng Thế giới. Hạn chế duy nhất của việc sử dụng cơ sở dữ liệu của Fed là thiếu cập nhật dữ liệu GDP và thiếu dữ liệu cho một số quốc gia nhất định. Cục Phân tích Kinh tế (BEA), một bộ phận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, phát hành tài liệu phân tích của riêng mình với mỗi bản phát hành GDP, đây là một công cụ tuyệt vời dành cho các nhà đầu tư để phân tích các số liệu và xu hướng cũng như đọc các điểm nổi bật của bản phát hành đầy đủ.

 

Tại Việt Nam, ngoài các nguồn trên, có thể tham khảo từ Tổng cục thống kê.

Những câu hỏi thường gặp

Định nghĩa đơn giản về GDP là gì?

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là phép đo nhằm nắm bắt sản lượng kinh tế của một quốc gia. Các quốc gia có GDP lớn hơn sẽ có lượng hàng hóa và dịch vụ được tạo ra nhiều hơn và nhìn chung sẽ có mức sống cao hơn. Vì lý do này, nhiều người dân và các nhà lãnh đạo chính trị coi tăng trưởng GDP là thước đo quan trọng cho sự thành công của quốc gia, thường đề cập đến “tăng trưởng GDP” và “tăng trưởng kinh tế” thay thế cho nhau. Tuy nhiên, do những hạn chế khác nhau, nhiều nhà kinh tế đã lập luận rằng không nên sử dụng GDP làm đại lượng cho thành công tổng thể của nền kinh tế, và càng không nên xem nó là chỉ số thành công của một xã hội nói chung.

Quốc gia nào có GDP cao nhất?

Hai quốc gia có GDP cao nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, xếp hạng của họ khác nhau tùy thuộc vào cách bạn đo lường GDP. Sử dụng GDP danh nghĩa, Hoa Kỳ đứng đầu với GDP là 20,89 nghìn tỷ đô la vào năm 2020, so với 14,7 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng sẽ chính xác hơn nếu sử dụng GDP sức mua tương đương (PPP) như một thước đo cho sự giàu có của quốc gia. Theo số liệu này, Trung Quốc thực sự là nước dẫn đầu thế giới với GDP theo PPP năm 2020 là 24,3 nghìn tỷ USD, tiếp theo là 20,9 nghìn tỷ USD đối với Hoa Kỳ.

GDP cao có tốt không?

Hầu hết mọi người đều cho rằng GDP cao hơn là một điều tốt vì nó đi kèm với các cơ hội kinh tế lớn hơn và tiêu chuẩn phúc lợi vật chất được cải thiện. Tuy nhiên, có thể một quốc gia có GDP cao nhưng vẫn là một nơi không hấp dẫn để sinh sống, vì vậy điều quan trọng là phải xem xét các phép đo khác. Ví dụ, một quốc gia có thể có GDP cao và GDP bình quân đầu người thấp, cho thấy rằng sự giàu có đáng kể mặc dù tồn tại nhưng lại tập trung trong tay của rất ít người. Một cách để giải quyết vấn đề này là xem xét GDP cùng với một thước đo phát triển kinh tế khác, chẳng hạn như Chỉ số Phát triển Con người (HDI).

Kết luận

 

GDP cho phép các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương đánh giá liệu nền kinh tế đang suy giảm hay đang tăng trưởng, liệu nó cần thúc đẩy hay kiềm chế, và liệu một mối đe dọa như suy thoái hoặc lạm phát có đang rình rập. Giống như bất kỳ thước đo nào, GDP có những điểm không hoàn hảo. Trong những thập kỷ gần đây, các chính phủ đã đưa ra những sửa đổi mang nhiều sắc thái khác nhau trong nỗ lực nhằm tăng tính cụ thể và chính xác của GDP. Các phương tiện tính toán GDP cũng đã phát triển liên tục kể từ khi được hình thành, để bắt kịp với các phép tính toán về hoạt động công nghiệp cũng như việc tạo ra và tiêu thụ các dạng tài sản vô hình mới đang thành xu hướng hiện nay.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: