arrow-menu

Quỹ tương hỗ (Mutual Fund) là gì?

Quỹ tương hỗ (tiếng Anh là mutual fund) là một loại phương tiện tài chính được tạo bởi một quỹ tiền chung, thu được từ nhiều nhà đầu tư để đầu tư vào chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ của thị trường tiền tệ và các tài sản khác. Các quỹ tương hỗ được điều hành bởi các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, đây những người phân bổ tài sản của quỹ và cố gắng tạo ra lợi nhuận hoặc thu nhập cho các nhà đầu tư quỹ. Danh mục đầu tư của quỹ tương hỗ được cấu trúc và duy trì để phù hợp với các mục tiêu đầu tư được nêu trong bản cáo bạch.

Các quỹ tương hỗ cung cấp cho các nhà đầu tư nhỏ hoặc cá nhân quyền truy cập vào các danh mục đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán khác được quản lý chuyên nghiệp. Do đó, mỗi cổ đông nhận được lãi hoặc lỗ tương ứng của quỹ. Các quỹ tương hỗ đầu tư vào một số lượng lớn chứng khoán và hiệu suất thường được theo dõi khi tổng vốn hóa thị trường của quỹ thay đổi — bắt nguồn từ hiệu suất tổng hợp của các khoản đầu tư cơ bản.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp các ý cơ bản

  • Quỹ tương hỗ là một loại phương tiện đầu tư bao gồm danh mục cổ phiếu, trái phiếu hoặc các loại chứng khoán khác.
  • Quỹ tương hỗ cho phép các nhà đầu tư nhỏ hoặc cá nhân tiếp cận với các danh mục đầu tư đa dạng, được quản lý chuyên nghiệp với mức giá thấp.
  • Quỹ tương hỗ được chia thành nhiều loại, đại diện cho các loại chứng khoán mà quỹ đầu tư vào, mục tiêu đầu tư và loại lợi nhuận mà quỹ tìm kiếm.
  • Quỹ tương hỗ tính phí hàng năm (được gọi là tỷ lệ chi phí) và trong một số trường hợp, tiền hoa hồng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận tổng thể của quỹ.
  • Phần lớn số tiền trong các kế hoạch hưu trí do người sử dụng lao động tài trợ được chuyển vào quỹ tương hỗ.

 

Hiểu về các quỹ tương hỗ

 

Các quỹ tương hỗ gom tiền từ nhà đầu tư và sử dụng số tiền đó để mua các chứng khoán khác, thường là cổ phiếu và trái phiếu. Giá trị của quỹ tương hỗ phụ thuộc vào kết quả hoạt động của chứng khoán mà nó mua. Vì vậy, việc mua một đơn vị hoặc cổ phiếu của quỹ tương hỗ có nghĩa là chúng ta đang mua hiệu suất danh mục đầu tư của quỹ hay chính xác hơn là một phần giá trị của danh mục đầu tư. Đầu tư vào cổ phiếu của quỹ tương hỗ khác biệt với đầu tư vào cổ phiếu thông thường. Khác với cổ phiếu thông thường, cổ phiếu quỹ tương hỗ không trao cho người nắm giữ bất kỳ quyền biểu quyết nào. Một cổ phiếu của quỹ tương hỗ đại diện cho các khoản đầu tư vào nhiều cổ phiếu khác nhau (hoặc chứng khoán khác) thay vì chỉ nắm giữ một cổ phiếu.

 

Đó là lý do tại sao giá của cổ phiếu quỹ tương hỗ được gọi là giá trị tài sản ròng (Net Asset Value – NAV) trên mỗi cổ phiếu – hoặc NAVPS (Net Asset Value Per Share). Giá trị tài sản ròng của quỹ được tính bằng cách lấy tổng giá trị của chứng khoán trong danh mục đầu tư chia cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Cổ phiếu đang lưu hành là cổ phiếu được nắm giữ bởi tất cả các cổ đông, nhà đầu tư của tổ chức và cán bộ công ty hoặc người trong cuộc. Cổ phiếu quỹ tương hỗ thường có thể được mua hoặc mua lại nếu cần với NAV hiện hành của quỹ, khác với giá cổ phiếu thông thường – cổ phiếu quỹ tương hỗ không dao động trong giờ thị trường, mà nó được ấn định vào cuối mỗi ngày giao dịch. Giá của quỹ tương hỗ cũng được cập nhật khi NAVPS được ấn định.

 

Quỹ tương hỗ trung bình nắm giữ hơn một trăm chứng khoán khác nhau, nghĩa là các cổ đông của quỹ tương hỗ có được sự đa dạng hóa với mức giá thấp. Hãy xem xét một nhà đầu tư chỉ mua cổ phiếu của Google trước khi công ty này trải qua một quý bất ổn. Người này có thể mất một lượng lớn vốn, vì tất cả tiền của họ chỉ gắn với một công ty. Ngược lại, một nhà đầu tư khác có thể mua cổ phiếu của một quỹ tương hỗ, quỹ này sở hữu một số cổ phiếu của Google. Khi Google trải qua một quý bất ổn, nhà đầu tư này thua lỗ ít hơn đáng kể vì Google chỉ là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư của quỹ.

 

Cách thức hoạt động của các quỹ tương hỗ

 

Quỹ tương hỗ vừa là một khoản đầu tư vừa là một công ty thực sự. Tính chất kép này có vẻ kỳ lạ, nhưng nó không khác gì cách một cổ phiếu AAPL là đại diện của Tập đoàn Apple. Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu Apple nghĩa là họ đang mua một phần quyền sở hữu và tài sản của công ty. Tương tự, một nhà đầu tư quỹ tương hỗ đang mua một phần quyền sở hữu và tài sản của công ty quỹ tương hỗ. Điểm khác biệt là Apple kinh doanh sản xuất các thiết bị và máy tính bảng thế hệ mới, trong khi công ty quỹ tương hỗ lại trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

 

Các nhà đầu tư thường kiếm được lợi nhuận từ quỹ tương hỗ theo ba cách:

  1. Thu nhập kiếm được từ cổ tức trên cổ phiếu và lãi trái phiếu được nắm giữ trong danh mục đầu tư của quỹ. Một quỹ trả gần như tất cả thu nhập trong năm cho chủ sở hữu quỹ dưới hình thức một đợt phân phối. Các quỹ thường cho các nhà đầu tư lựa chọn giữa nhận séc trong các đợt phân phối hoặc tái đầu tư lợi nhuận để nhận thêm cổ phiếu.
  2. Nếu quỹ bán chứng khoán đã tăng giá, quỹ có lãi vốn. Hầu hết các quỹ cũng chuyển những khoản lãi này cho các nhà đầu tư.
  3. Nếu quỹ nắm giữ cổ phiếu tăng giá nhưng không bán bởi người quản lý quỹ, thì cổ phiếu của quỹ sẽ tăng giá. Do đó, bạn có thể bán cổ phiếu của quỹ tương hỗ để kiếm lợi nhuận trên thị trường.

 

Nếu một quỹ tương hỗ được hiểu là một công ty, thì Giám đốc điều hành của công ty là người quản lý quỹ, đôi khi được gọi là cố vấn đầu tư của quỹ. Người quản lý quỹ được thuê bởi hội đồng quản trị và có nghĩa vụ pháp lý phải làm việc vì lợi nhuận tối đa của các cổ đông quỹ tương hỗ. Hầu hết các nhà quản lý quỹ tương hỗ cũng là chủ sở hữu quỹ. Có rất ít nhân viên trong một công ty quỹ tương hỗ. Cố vấn đầu tư hoặc nhà quản lý quỹ có thể tuyển một số nhà phân tích giúp lựa chọn các khoản đầu tư hoặc thực hiện nghiên cứu thị trường. Kế toán quỹ được giao cho nhân viên để tính toán NAV- giá trị hàng ngày của danh mục đầu tư để xác định xem giá cổ phiếu tăng hay giảm. Các quỹ tương hỗ cần phải có một hoặc hai “nhân viên tuân thủ”, có thể là một luật sư, để đảm bảo quỹ tuân thủ các quy định của pháp luật.

 

Hầu hết các quỹ tương hỗ là một bộ phận của một công ty đầu tư lớn hơn; công ty lớn nhất có hàng trăm quỹ tương hỗ riêng biệt.

 

Các loại quỹ tương hỗ

 

Các quỹ tương hỗ được chia thành nhiều hạng mục, đại diện cho các loại chứng khoán mà quỹ nhắm mục tiêu xây dựng cho danh mục đầu tư và loại lợi nhuận mà quỹ tìm kiếm. Có một quỹ dành cho hầu hết mọi kiểu nhà đầu tư hoặc cách tiếp cận đầu tư. Các loại quỹ tương hỗ phổ biến khác bao gồm quỹ thị trường tiền tệ, quỹ ngành, quỹ thay thế, quỹ beta thông minh, quỹ thời gian mục tiêu và thậm chí là quỹ của quỹ hoặc quỹ tương hỗ mua cổ phần của các quỹ tương hỗ khác.

 

Quỹ cổ phần (Equity Funds)

Quỹ cổ phần hoặc quỹ cổ phiếu là hạng mục lớn nhất. Như tên gọi, loại quỹ này đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu. Trong nhóm này có nhiều hạng mục phụ khác nhau. Một số quỹ cổ phần được đặt tên theo quy mô của các công ty mà quỹ đầu tư: vốn hóa nhỏ, trung bình hoặc lớn. Các quỹ khác được đặt tên theo cách tiếp cận đầu tư: tăng trưởng tích cực, định hướng thu nhập, giá trị,… Các quỹ cổ phần cũng được phân loại theo việc quỹ đầu tư vào cổ phiếu trong nước hay nước ngoài. Có rất nhiều loại quỹ cổ phần khác nhau bởi vì có nhiều loại cổ phiếu khác nhau. Cách tuyệt vời để hiểu các quỹ cổ phần là sử dụng ma trận Equity Style Box, như ở ví dụ dưới đây.

 

Ý tưởng ở đây là phân loại quỹ dựa trên cả quy mô của các công ty được đầu tư vào (vốn hóa thị trường) và triển vọng tăng trưởng của các cổ phiếu được đầu tư. Thuật ngữ quỹ giá trị đề cập đến một phong cách đầu tư tìm kiếm các công ty chất lượng cao, tăng trưởng thấp và không được thị trường ưa chuộng. Các công ty này được đặc trưng bởi chỉ số giá trên thu nhập (P/E) thấp, tỷ lệ giá thị trường trên giá trị sổ sách (P/B) thấp và lợi tức cổ tức cao. Ngược lại là quỹ tăng trưởng -tìm kiếm các công ty đã có (và dự kiến ​​sẽ có) tăng trưởng mạnh mẽ về thu nhập, doanh số và dòng tiền. Các công ty này thường có chỉ số P/E cao và không trả cổ tức. Sự dung hòa giữa đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng là “sự kết hợp”- chỉ đơn giản là đề cập đến các công ty không được đánh giá cao về mặt giá trị cũng như cổ phiếu không tăng trưởng mạnh và được phân loại ở tầm trung.

 

Khía cạnh khác của Equity style box liên quan đến quy mô của các công ty mà quỹ tương hỗ đầu tư vào. Các công ty vốn hóa lớn có vốn hóa thị trường cao, với giá trị trên 10 tỷ đô la. Vốn hóa thị trường được tính bằng cách nhân giá cổ phiếu với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Các cổ phiếu vốn hóa lớn thường là các blue chip firms, dễ dàng nhận biết bằng tên. Cổ phiếu vốn hóa nhỏ là những cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường từ 250 triệu đô la đến 2 tỷ đô la. Những công ty nhỏ hơn này có xu hướng đầu tư rủi ro hơn, mới hơn. Các cổ phiếu vốn hóa trung bình nằm giữa vốn hóa nhỏ và vốn hóa lớn.

 

Quỹ tương hỗ có thể kết hợp chiến lược giữa phong cách đầu tư và quy mô công ty. Ví dụ: một quỹ giá trị vốn hóa lớn sẽ tìm đến các công ty vốn hóa lớn đang có tình hình tài chính mạnh mẽ nhưng gần đây đã chứng kiến ​​giá cổ phiếu của họ sụt giảm và sẽ được đặt ở góc phần tư phía trên bên trái của Equity Style Box (lớn và giá trị). Ngược lại sẽ là quỹ đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp có triển vọng tăng trưởng xuất sắc: tăng trưởng vốn hóa nhỏ. Một quỹ tương hỗ như vậy sẽ nằm ở góc phần tư dưới cùng bên phải (nhỏ và tăng trưởng).

 

Quỹ thu nhập cố định

Một nhóm lớn khác là danh mục quỹ thu nhập cố định. Quỹ tương hỗ có thu nhập cố định tập trung vào các khoản đầu tư trả một tỷ lệ hoàn vốn nhất định, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty hoặc các công cụ nợ khác. Ý tưởng của điều này là danh mục đầu tư của quỹ tạo ra thu nhập từ tiền lãi, sau đó sẽ chuyển cho các cổ đông.

 

Đôi khi được gọi là quỹ trái phiếu, những quỹ này thường được quản lý chủ động và tìm cách mua những trái phiếu được định giá tương đối thấp để bán chúng kiếm lời. Các quỹ tương hỗ này có khả năng trả lợi nhuận cao hơn chứng chỉ tiền gửi và các khoản đầu tư trên thị trường tiền tệ, nhưng các quỹ trái phiếu không phải là không có rủi ro. Bởi vì có nhiều loại trái phiếu khác nhau, quỹ trái phiếu có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào nơi quỹ đầu tư. Ví dụ, một quỹ chuyên về trái phiếu rác với lợi nhuận cao sẽ rủi ro hơn nhiều so với một quỹ đầu tư vào chứng khoán chính phủ. Hơn nữa, gần như tất cả các quỹ trái phiếu đều phải chịu rủi ro lãi suất, có nghĩa là nếu lãi suất tăng lên, giá trị của quỹ sẽ giảm xuống.

 

Quỹ chỉ số

Một nhóm khác đã trở nên cực kỳ phổ biến trong vài năm gần đây, có biệt danh là “quỹ đầu chỉ số”. Chiến lược đầu tư của quỹ là cố gắng đánh bại thị trường một cách nhất quán, nhưng điều này thường rất khó và đắt đỏ. Vì vậy, nhà quản lý loại quỹ này mua các cổ phiếu tương ứng với một chỉ số thị trường chính như S&P 500 hoặc Dow Jones Industrial Average (DJIA). Chiến lược này đòi hỏi ít nghiên cứu hơn từ các nhà phân tích và cố vấn, do đó, tiết kiệm chi phí, giúp lợi nhuận không bị vơi đi trước khi được chuyển cho các cổ đông. Các quỹ này thường được thiết kế cho các nhà đầu tư nhạy cảm với chi phí.

 

Quỹ cân bằng

Các quỹ cân bằng đầu tư vào một tổ hợp các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, công cụ của thị trường tiền tệ hay các khoản đầu tư thay thế. Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro giữa các nhóm tài sản, loại quỹ này còn được gọi là quỹ phân bổ tài sản. Có hai loại quỹ như vậy được thiết kế để phục vụ cho các mục tiêu của nhà đầu tư.

 

Một số quỹ được xác định với một chiến lược phân bổ cụ thể được cố định, vì vậy nhà đầu tư có thể có khả năng biết trước các loại tài sản khác nhau được đầu tư. Các quỹ khác tuân theo chiến lược tỷ lệ phân bổ động để đáp ứng các mục tiêu khác nhau của nhà đầu tư. Điều này có thể bao gồm sự phản ứng với các điều kiện thị trường, các thay đổi trong chu kỳ kinh doanh hoặc các giai đoạn thay đổi trong cuộc sống của chính nhà đầu tư.

 

Trong khi các mục tiêu tương tự như của quỹ cân bằng, nhưng quỹ phân bổ động không nắm giữ một tỷ lệ phần trăm cụ thể của bất kỳ loại tài sản nào. Do đó, nhà quản lý danh mục đầu tư có quyền tự do chuyển đổi tỷ lệ các loại tài sản khi cần thiết để duy trì tính toàn vẹn trong chiến lược đã nêu của quỹ.

 

Quỹ thị trường tiền tệ

Thị trường tiền tệ bao gồm các công cụ nợ ngắn hạn, an toàn (không có rủi ro), chủ yếu là trái phiếu Kho bạc Chính phủ. Đây là một nơi an toàn để đầu tư. Nhà đầu tư sẽ không nhận được lợi nhuận đáng kể, nhưng cũng sẽ không phải lo lắng về việc mất tiền gốc của mình. Lợi tức thông thường nhiều hơn một chút so với lợi nhuận kiếm được từ tài khoản séc hoặc tài khoản tiết kiệm thông thường và ít hơn một chút so với chứng chỉ tiền gửi trung bình (CD). Trong khi các quỹ thị này đầu tư vào các tài sản cực kỳ an toàn, nhưng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một số quỹ thị trường tiền tệ đã bị thua lỗ sau khi giá cổ phiếu của các quỹ này, thường được chốt ở mức $1, sau đó giảm xuống dưới mức $1 và xảy ra hiện tượng “vỡ buck”.

 

Quỹ thu nhập

Các quỹ thu nhập được đặt tên theo mục đích của chúng: cung cấp thu nhập hiện tại một cách ổn định. Các quỹ này đầu tư chủ yếu vào chính phủ và nợ doanh nghiệp chất lượng cao, giữ các trái phiếu này cho đến khi đáo hạn để cung cấp các dòng lãi. Mặc dù lượng nắm giữ của quỹ có thể tăng giá trị, nhưng mục tiêu chính của các quỹ này là cung cấp dòng tiền ổn định cho các nhà đầu tư. Do đó, đối tượng của các quỹ này bao gồm các nhà đầu tư bảo thủ và những người đã nghỉ hưu. Bởi vì chúng tạo ra thu nhập thường xuyên, các nhà đầu tư có ý thức về thuế có thể muốn tránh các quỹ này.

 

Quỹ quốc tế/Quỹ toàn cầu

Một quỹ quốc tế (hoặc quỹ nước ngoài) chỉ đầu tư vào các tài sản nằm bên ngoài quốc gia. Trong khi đó, các quỹ toàn cầu có thể đầu tư ở mọi nơi trên thế giới, kể cả trong nước. Thật khó để phân loại các quỹ này là rủi ro hơn hay an toàn hơn các khoản đầu tư trong nước, nhưng chúng có xu hướng biến động nhiều hơn và có các rủi ro chính trị và quốc gia riêng. Mặt khác, các quỹ này như một phần của danh mục đầu tư cân bằng tốt, thực sự giảm rủi ro bằng cách tăng cường đa dạng hóa, vì lợi nhuận ở nước ngoài có thể không tương quan với lợi nhuận trong nước. Mặc dù các nền kinh tế trên thế giới đang trở nên tương quan với nhau hơn, nhưng vẫn có khả năng là một nền kinh tế khác ở đâu đó đang hoạt động tốt hơn nền kinh tế của đất nước bạn.

 

Quỹ đặc biệt

Quỹ tương hỗ này là một danh mục tổng thể hơn bao gồm các quỹ đã được chứng minh là phổ biến nhưng không nhất thiết phải thuộc vào các danh mục cứng nhắc mà chúng tôi đã mô tả. Các loại quỹ tương hỗ này bỏ qua sự đa dạng hóa rộng rãi để tập trung vào một phân khúc nhất định của nền kinh tế hoặc một chiến lược mục tiêu. Quỹ ngành là quỹ chiến lược có mục tiêu nhằm vào các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế, chẳng hạn như tài chính, công nghệ, y tế, v.v. Do đó, quỹ ngành có thể cực kỳ biến động vì các cổ phiếu trong một ngành nhất định có xu hướng tương quan cao với nhau. Có nhiều khả năng đạt được lợi nhuận lớn hơn, nhưng một lĩnh vực cũng có thể sụp đổ (ví dụ, lĩnh vực tài chính trong năm 2008 và 2009).

 

Các quỹ khu vực giúp việc tập trung vào một khu vực địa lý cụ thể trên thế giới trở nên dễ dàng hơn. Điều này có nghĩa là tập trung vào một khu vực rộng lớn hơn (chẳng hạn như Mỹ Latinh) hoặc một quốc gia riêng lẻ (ví dụ: chỉ Brazil). Một lợi thế của các quỹ này là giúp mua cổ phiếu nước ngoài dễ dàng hơn – điều mà thông thường có thể khó khăn và tốn kém. Cũng giống với các quỹ ngành, bạn phải chấp nhận rủi ro thua lỗ cao, nếu khu vực đó rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ.

 

Các quỹ trách nhiệm xã hội (hoặc quỹ đạo đức) chỉ đầu tư vào các công ty đáp ứng các tiêu chí của một số hướng dẫn hoặc niềm tin nhất định. Ví dụ, một số quỹ trách nhiệm xã hội không đầu tư vào các ngành “tội lỗi” như thuốc lá, đồ uống có cồn, vũ khí, hoặc năng lượng hạt nhân. Ý tưởng của điều này là đạt được hiệu suất cạnh tranh trong khi vẫn duy trì một lương tâm lành mạnh. Các quỹ khác đầu tư chủ yếu vào công nghệ xanh, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió hoặc tái chế.

 

Quỹ hoán đổi danh mục (ETF)

Một biến đổi trong quỹ tương hỗ là quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Các phương tiện đầu tư ngày càng phổ biến này gộp các khoản đầu tư và sử dụng các chiến lược phù hợp với các quỹ tương hỗ, nhưng chúng được cấu trúc như các quỹ tín thác đầu tư được mua bán trên các sàn giao dịch chứng khoán và có thêm các lợi ích từ các tính năng của cổ phiếu. Ví dụ: các ETF có thể được mua và bán tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt ngày giao dịch. ETF cũng có thể được bán khống hoặc được mua ký quỹ. ETF cũng thường có mức phí thấp hơn so với quỹ tương hỗ tương đương. Nhiều ETF cũng được hưởng lợi từ các thị trường quyền chọn đang hoạt động, nơi các nhà đầu tư có thể tự bảo hiểm hoặc dùng đòn bẩy cho các vị thế thị trường của họ. ETF cũng được hưởng các lợi thế về thuế từ các quỹ tương hỗ. So với các quỹ tương hỗ, ETF có xu hướng tiết kiệm chi phí hơn và có tính thanh khoản cao hơn. Sự phổ biến của ETF nói lên tính linh hoạt và tiện lợi của chúng.

 

Các phí của quỹ tương hỗ

 

Quỹ tương hỗ sẽ phân loại chi phí thành phí hoạt động hàng năm hoặc phí cổ đông. Phí vận hành quỹ hàng năm là tỷ lệ phần trăm hàng năm của quỹ đặt dưới sự quản lý, thường dao động từ 1–3%. Phí hoạt động hàng năm được gọi chung là tỷ lệ chi phí. Tỷ lệ chi phí của quỹ là tổng của phí tư vấn hoặc phí quản lý và chi phí hành chính của quỹ.

 

Phí cổ đông dưới dạng phí bán hàng, hoa hồng và phí mua lại, được các nhà đầu tư trả trực tiếp khi mua hoặc bán quỹ. Phí bán hàng hoặc hoa hồng được gọi là “phụ phí” của một quỹ tương hỗ. Khi một quỹ tương hỗ có phí gia nhập (front-end load), phí được ấn định khi cổ phiếu được mua. Đối với phí rút vốn (back-end load), phí quỹ tương hỗ này sẽ được ấn định khi nhà đầu tư bán cổ phiếu của mình.

 

Tuy nhiên, thỉnh thoảng một công ty đầu tư cung cấp một quỹ tương hỗ không phụ phí, quỹ này không đòi hỏi bất kỳ khoản hoa hồng hoặc phí bán hàng nào. Các quỹ này được phân phối trực tiếp bởi một công ty đầu tư, thay vì thông qua một bên thứ cấp.

 

Một số quỹ cũng tính phí và tiền phạt đối với việc rút vốn sớm hoặc bán số cổ phiếu đang nắm giữ trước một thời hạn cụ thể. Ngoài ra, sự gia tăng của các quỹ hoán đổi danh mục – có mức phí thấp hơn nhiều nhờ cấu trúc quản lý thụ động, đã tạo cho các quỹ tương hỗ sự cạnh tranh đáng kể về nguồn vốn của các nhà đầu tư. Các bài báo từ các phương tiện truyền thông tài chính liên quan đến việc tỷ lệ chi phí quỹ và các phụ phí có thể ăn bao nhiêu vào tỷ suất lợi nhuận, đã tạo ra cảm giác tiêu cực về quỹ tương hỗ.

 

Các loại cổ phiếu quỹ tương hỗ

 

Cổ phiếu quỹ tương hỗ có nhiều loại. Sự khác biệt của cổ phiếu quỹ tương hỗ phản ánh số lượng và quy mô các loại phí liên quan đến chúng.

 

Hiện tại, hầu hết các nhà đầu tư cá nhân mua quỹ tương hỗ bằng cổ phiếu loại A thông qua nhà môi giới. Giao dịch mua này bao gồm phí gia nhập lên đến 5% hoặc hơn, cộng với phí quản lý và phí hiện hành cho các đợt phân phối, còn được gọi là phí 12b-1. Thêm vào đó, phụ phí của cổ phiếu loại A thay đổi khá nhiều, điều này có thể tạo ra xung đột lợi ích. Các cố vấn tài chính bán các sản phẩm này có thể khuyến khích khách hàng mua các quỹ có phụ phí cao để mang lại hoa hồng lớn hơn cho chính họ. Với quỹ có phí gia nhập, nhà đầu tư thanh toán các chi phí này khi họ đầu tư quỹ.

 

Để khắc phục những vấn đề này và đáp ứng các tiêu chuẩn quy tắc ủy thác, các công ty đầu tư đã bắt đầu chỉ định các loại cổ phiếu mới, bao gồm cả cổ phiếu loại C với “phụ phí hàng năm”, thường không có phí gia nhập nhưng có phí phân phối hàng năm 12b-1 lên đến 1%.

 

Các quỹ tính phí quản lý và các khoản phí khác khi nhà đầu tư bán cổ phần nắm giữ, được gọi là cổ phiếu loại B.

 

Một loại cổ phiếu mới của quỹ tương hỗ

Một loại cổ phiếu tương đối mới được phát triển vào năm 2016 bao gồm các cổ phiếu sạch. Cổ phiếu sạch không có phí gia nhập hoặc phí 12b-1 hàng năm cho các dịch vụ quỹ. American Funds và MFS là một số công ty quỹ hiện đang cung cấp cổ phiếu sạch. Bằng cách tiêu chuẩn hóa phí và phụ phí, các loại cổ phiếu mới này nâng cao tính minh bạch cho các nhà đầu tư quỹ tương hỗ và rất có thể giúp tiết kiệm tiền cho họ.

 

Ưu điểm của quỹ tương hỗ

 

Có nhiều lý do khiến quỹ tương hỗ là phương tiện được các nhà đầu tư nhỏ lẻ lựa chọn trong nhiều thập kỷ. Phần lớn số tiền trong các kế hoạch hưu trí do người sử dụng lao động tài trợ được chuyển vào quỹ tương hỗ. Nhiều vụ sáp nhập tương đương với quỹ tương hỗ qua thời gian.

 

Tính đa dạng hóa

Tính đa dạng hóa, hoặc sự kết hợp các khoản đầu tư và tài sản trong một danh mục đầu tư để giảm rủi ro, là một trong những lợi thế của việc đầu tư vào quỹ tương hỗ. Các chuyên gia ủng hộ sự đa dạng hóa như một cách để nâng cao lợi nhuận của danh mục đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro. Ví dụ, mua cổ phiếu công ty riêng lẻ và thêm vào các cổ phiếu khu vực công nghiệp mang lại sự đa dạng hóa. Tuy nhiên, một danh mục đầu tư thực sự đa dạng khi có các chứng khoán với vốn hóa và ngành nghề khác nhau; có trái phiếu với kỳ hạn khác nhau và tổ chức phát hành khác nhau. Mua một quỹ tương hỗ có thể đạt được sự đa dạng hóa rẻ và nhanh hơn so với mua chứng khoán riêng lẻ. Các quỹ tương hỗ lớn thường sở hữu hàng trăm cổ phiếu khác nhau trong nhiều ngành nghề đa dạng. Việc một nhà đầu tư xây dựng loại danh mục đầu tư này với một số tiền nhỏ là không thực tế.

 

Sự tiếp cận dễ dàng

Vì được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn, các quỹ tương hỗ có thể được mua và bán tương đối dễ dàng, khiến chúng trở thành những khoản đầu tư có tính thanh khoản cao. Ngoài ra, khi nói đến một số loại tài sản nhất định, như cổ phiếu nước ngoài hoặc hàng hóa kỳ lạ, quỹ tương hỗ thường là cách khả thi nhất – trên thực tế, đôi khi là cách duy nhất – để các nhà đầu tư cá nhân tham gia.

 

Tính kinh tế quy mô

Các quỹ tương hỗ cũng cung cấp tính kinh tế theo quy mô. Việc mua một quỹ tương hỗ giúp nhà đầu tư không phải trả nhiều khoản phí hoa hồng cần thiết để tạo ra một danh mục đầu tư đa dạng. Chỉ mua một chứng khoán tại một thời điểm dẫn đến phí giao dịch lớn, điều này sẽ lấy đi một phần lớn của khoản đầu tư. Ngoài ra, một nhà đầu tư cá nhân có thể đủ khả năng chi trả từ $100 đến $200, và số tiền này thường không đủ để mua một lô cổ phiếu chẵn, nhưng lại mua được nhiều cổ phiếu quỹ tương hỗ. Các mệnh giá nhỏ của quỹ tương hỗ cho phép các nhà đầu tư tận dụng lợi thế chiến lược trung bình giá chi phí đầu tư (DCA).

 

Bởi vì quỹ tương hỗ mua và bán một lượng lớn chứng khoán tại một thời điểm, chi phí giao dịch của quỹ thấp hơn mức mà một cá nhân sẽ trả cho các giao dịch chứng khoán. Hơn nữa, một quỹ tương hỗ có thể đầu tư vào một số tài sản nhất định hoặc nắm giữ các vị thế lớn hơn một nhà đầu tư nhỏ có thể làm được, vì nó gom tiền từ nhiều nhà đầu tư nhỏ. Ví dụ: quỹ có thể có quyền truy cập vào các vị trí IPO hoặc một số sản phẩm có cấu trúc nhất định chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức.

 

Quản lý chuyên nghiệp

Lợi thế chính của quỹ tương hỗ là việc không phải chọn cổ phiếu và quản lý các khoản đầu tư. Thay vào đó, một nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp sẽ giải quyết tất cả những điều này qua việc nghiên cứu cẩn thận và giao dịch khéo léo. Các nhà đầu tư mua quỹ bởi vì họ thường không có thời gian hoặc chuyên môn để quản lý danh mục đầu tư của riêng mình, hoặc họ không có quyền truy cập vào các loại thông tin mà một quản lý quỹ chuyên nghiệp có. Quỹ tương hỗ là một cách tương đối rẻ cho một nhà đầu tư nhỏ có được một người quản lý toàn thời gian thực hiện và giám sát các khoản đầu tư. Hầu hết các nhà quản lý tiền cá nhân, phi tổ chức chỉ giao dịch với những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao — những người có ít nhất sáu con số (triệu đô la) để đầu tư. Tuy nhiên, các quỹ tương hỗ, như đã nói ở trên, yêu cầu mức đầu tư tối thiểu thấp hơn nhiều. Vì vậy, các quỹ này cung cấp một cách thức với chi phí thấp cho các nhà đầu tư cá nhân trải nghiệm và hưởng lợi từ việc quản lý tiền chuyên nghiệp.

 

Sự đa dạng và tự do lựa chọn

Các nhà đầu tư có quyền tự do nghiên cứu và lựa chọn từ các nhà quản lý với nhiều phong cách và mục tiêu quản lý. Ví dụ, một nhà quản lý quỹ có thể tập trung vào đầu tư giá trị, đầu tư tăng trưởng, thị trường phát triển, thị trường mới nổi, thu nhập hoặc đầu tư kinh tế vĩ mô, trong số nhiều phong cách khác. Một người quản lý cũng có thể giám sát các quỹ áp dụng một số phong cách khác nhau. Sự đa dạng này cho phép các nhà đầu tư không chỉ tiếp xúc với cổ phiếu và trái phiếu mà còn cả hàng hóa, tài sản nước ngoài và bất động sản thông qua các quỹ tương hỗ chuyên biệt. Một số quỹ tương hỗ thậm chí còn được cấu trúc để thu lợi nhuận từ thị trường giá xuống (được gọi là bear funds). Các quỹ tương hỗ cung cấp các cơ hội đầu tư nước ngoài và trong nước mà các nhà đầu tư thông thường không thể tiếp cận trực tiếp.

 

Tính minh bạch

Các quỹ tương hỗ tuân theo quy định của ngành để đảm bảo trách nhiệm giải trình và công bằng đối với các nhà đầu tư.

 

Nhược điểm của quỹ tương hỗ

 

Tính thanh khoản, đa dạng hóa và quản lý chuyên nghiệp, tất cả đều làm cho quỹ tương hỗ trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân trẻ, mới làm quen và những ai không muốn chủ động quản lý tiền của mình. Tuy nhiên, không có tài sản nào là hoàn hảo và các quỹ tương hỗ cũng có nhược điểm.

 

Lợi nhuận dao động

Giống như nhiều khoản đầu tư khác mà không có lợi nhuận đảm bảo, giá trị của quỹ tương hỗ cũng có khả năng bị sụt giá. Các quỹ tương hỗ cổ phần cùng với các cổ phiếu tạo thành quỹ trải qua biến động giá. Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) không hỗ trợ các khoản đầu tư của quỹ tương hỗ và không có sự đảm bảo về hiệu quả hoạt động của bất kỳ quỹ nào. Tất nhiên, hầu hết mọi khoản đầu tư đều có rủi ro. Điều đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư vào quỹ thị trường tiền tệ phải biết rằng, không giống như các đối tác ngân hàng, những quỹ này sẽ không được FDIC bảo hiểm.

 

Lực cản tiền mặt

Các quỹ tương hỗ gom tiền từ hàng nghìn nhà đầu tư, vì vậy hàng ngày mọi người bỏ tiền vào quỹ cũng như rút tiền ra. Để duy trì khả năng đáp ứng việc rút tiền, các quỹ thường phải giữ một phần lớn danh mục đầu tư của họ bằng tiền mặt. Có nhiều tiền mặt là điều tuyệt vời cho tính thanh khoản, nhưng nó là tiền nhàn rỗi và sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho nhà tư. Các quỹ tương hỗ yêu cầu một lượng tiền mặt đáng kể được giữ trong danh mục đầu tư của họ, để đáp ứng việc mua lại cổ phiếu mỗi ngày. Để duy trì tính thanh khoản và khả năng đáp ứng nhu cầu rút tiền, các quỹ thường phải giữ một phần lớn hơn danh mục đầu tư dưới dạng tiền mặt so với một nhà đầu tư thông thường. Bởi vì tiền mặt không kiếm được lợi nhuận, nó thường được gọi là “lực cản tiền mặt”.

 

Chi phí cao

Các quỹ tương hỗ cung cấp cho các nhà đầu tư sự quản lý chuyên nghiệp, nhưng có thu phí- những tỷ lệ chi phí đã được đề cập trước đó. Các khoản phí này làm giảm khoản thanh toán tổng thể của quỹ và đều bị ấn định cho các nhà đầu tư quỹ tương hỗ bất kể hiệu quả hoạt động của quỹ. Bạn có thể tưởng tượng, trong những năm mà quỹ không tạo ra lợi nhuận, những khoản phí này chỉ làm tăng thêm lỗ. Tạo, phân phối và điều hành một quỹ tương hỗ là một công việc tốn kém. Từ việc trả lương cho người quản lý danh mục đầu tư đến báo cáo hàng quý cho các nhà đầu tư, tất cả đều tốn kém tiền bạc. Các chi phí đó do nhà đầu tư chi trả. Vì các quỹ có mức phí khác nhau, nên việc không để ý đến các khoản phí có thể gây ra những hậu quả tiêu cực lâu dài. Các quỹ được quản lý chủ động phải chịu chi phí giao dịch tích lũy qua từng năm. Hãy nhớ rằng, mỗi đô la chi trả phí là một đô la không được đầu tư để tăng trưởng theo thời gian.

 

“Đa dạng hóa quá mức” (Diworsification) và pha loãng

“Diworsification” – một cách chơi chữ – là một chiến lược đầu tư hoặc danh mục đầu tư ám chỉ  sự quá phức tạp có thể dẫn đến kết quả tồi tệ hơn. Nhiều nhà đầu tư quỹ tương hỗ có xu hướng quá phức tạp hóa các vấn đề. Có nghĩa là, họ thu được quá nhiều quỹ với tương quan cao và kết quả là họ không nhận được lợi ích giảm thiểu rủi ro của việc đa dạng hóa. Những nhà đầu tư này có thể đã làm cho danh mục đầu tư của họ dễ bị tác động hơn. Ở khía cạnh khác, việc chỉ sở hữu quỹ tương hỗ không có nghĩa là đa dạng hóa tự động. Ví dụ, một quỹ tương hỗ chỉ đầu tư vào một ngành hoặc khu vực cụ thể vẫn tương đối rủi ro.

 

Nói cách khác, có thể thu lợi nhuận kém do đa dạng hóa quá mức. Bởi vì các quỹ tương hỗ có thể có cổ phần nhỏ trong nhiều công ty khác nhau, lợi nhuận cao từ một vài khoản đầu tư thường không tạo ra nhiều khác biệt về lợi nhuận tổng thể. Sự pha loãng cũng là kết quả của việc quỹ thành công phát triển quá lớn. Khi tiền mới đổ vào các quỹ đã có thành tích tốt, người quản lý thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư phù hợp để tất cả số vốn mới được sử dụng tốt.

 

Một điều thực tế có thể dẫn đến “diworsification” là mục đích hoặc cách cấu trúc của quỹ không phải lúc nào cũng rõ ràng. Các quảng cáo của quỹ có thể hướng các nhà đầu tư đi sai đường. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) yêu cầu các quỹ phải có ít nhất 80% tài sản trong loại hình đầu tư cụ thể được nêu trong tên quỹ. Việc đầu tư tài sản còn lại như thế nào là tùy thuộc vào người quản lý quỹ. Tuy nhiên, các hạng mục khác nhau đủ điều kiện cho 80% tài sản được yêu cầu có thể mơ hồ và có phạm vi rộng. Do đó, một quỹ có thể thao túng các nhà đầu tư tiềm năng thông qua tên gọi của nó. Ví dụ, một quỹ tập trung hẹp vào cổ phiếu của Congolese, có thể được bán với một danh hiệu xa vời như “Quỹ Công nghệ cao Quốc tế”.

 

Quản lý quỹ chủ động

Nhiều nhà đầu tư tranh luận về việc liệu các chuyên gia có giỏi hơn bạn hay tôi trong việc chọn cổ phiếu hay không. Quản lý không có nghĩa là không thể mắc sai lầm, và ngay cả khi quỹ thua lỗ, người quản lý vẫn được trả tiền. Các quỹ được quản lý chủ động phải chịu phí cao hơn, nhưng các quỹ chỉ số thụ động ngày càng trở nên phổ biến. Các quỹ này theo dõi một chỉ số như S&P 500 và ít tốn kém hơn nhiều để nắm giữ. Các quỹ được quản lý chủ động trong thời gian dài đã không thể vượt trội hơn các chỉ số chuẩn của chúng, đặc biệt là sau khi hạch toán thuế và phí.

 

Thiếu tính thanh khoản

Quỹ tương hỗ cho phép bạn yêu cầu chuyển đổi cổ phiếu của mình thành tiền mặt bất kỳ lúc nào, tuy nhiên, không giống như cổ phiếu giao dịch suốt cả ngày, nhiều giao dịch mua lại quỹ tương hỗ chỉ diễn ra vào cuối mỗi ngày giao dịch.

 

Thuế

Khi một nhà quản lý quỹ bán một chứng khoán, thuế thu nhập vốn sẽ được kích hoạt. Các nhà đầu tư lo ngại về tác động của thuế cần ghi nhớ những điểm này khi đầu tư vào quỹ tương hỗ. 

 

Khó đánh giá các quỹ với nhau

Nghiên cứu và so sánh các quỹ có thể khá khó khăn. Không giống như cổ phiếu, quỹ tương hỗ không cung cấp cho các nhà đầu tư cơ hội để xác định chỉ số giá trên thu nhập (P/E), tăng trưởng doanh số bán hàng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) hoặc các dữ liệu quan trọng khác. Giá trị tài sản ròng của quỹ tương hỗ có thể cung cấp một số cơ sở để so sánh, nhưng với sự đa dạng của danh mục đầu tư, khiến việc so sánh tương quan có thể khó khăn, ngay cả giữa các quỹ có cùng tên hoặc cùng mục tiêu đã nêu. Chỉ các quỹ chỉ số theo dõi các thị trường giống nhau mới có thể so sánh thực sự.

 

Ví dụ về Quỹ tương hỗ

 

Một trong những quỹ tương hỗ nổi tiếng nhất trong vũ trụ đầu tư là Quỹ Magellan của Fidelity Investments (FMAGX). Được thành lập vào năm 1963, quỹ có mục tiêu đầu tư là tăng giá vốn thông qua đầu tư vào cổ phiếu phổ thông. Thời kỳ đỉnh cao của quỹ là từ năm 1977 đến 1990, khi Peter Lynch giữ chức vụ quản lý danh mục đầu tư. Dưới thời của Lynch, tài sản mà Magellan quản lý đã tăng từ 18 triệu USD lên 14 tỷ USD.

 

Ngay cả sau khi Lynch rời đi, hoạt động của Fidelity vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tài sản được quản lý (AUM) đã tăng lên gần 110 tỷ đô la vào năm 2000. Đến năm 1997, quỹ đã trở nên lớn đến mức Fidelity phải đóng cửa cho các nhà đầu tư mới và sẽ không mở lại cho đến năm 2008.

 

Tính đến tháng 3 năm 2022, Fidelity Magellan có gần 28 tỷ đô la tài sản và được quản lý bởi Sammy Simnegar kể từ tháng 2 năm 2019. Hiệu suất của quỹ đã được theo dõi khá nhiều hoặc vượt qua một chút so với S&P 500.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: