arrow-menu

Quản lý tài sản là gì?

Quản lý tài sản là một dịch vụ tư vấn đầu tư kết hợp với các dịch vụ tài chính khác nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng giàu có. Thông qua một quy trình tư vấn, cố vấn quản lý tài sản thu thập thông tin về mong muốn và tình hình cụ thể của khách hàng, sau đó “đo ni đóng giày” một chiến lược được cá nhân hóa với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ tài chính khác nhau.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Thông thường, quản lý tài sản được thực hiện với một cách tiếp cận toàn diện. Để đáp ứng các nhu cầu phức tạp của khách hàng, bên cung cấp dịch vụ có thể đưa ra một loạt các sản phẩm như tư vấn đầu tư, lập kế hoạch bất động sản, kế toán, hưu trí và dịch vụ thuế. Mặc dù cấu trúc phí giữa các dịch vụ quản lý tài sản toàn diện là khác nhau, thông thường, phí được tính dựa trên tài sản được quản lý (trong tiếng Anh thường được viết tắt là AUM – Assets Under Management) của khách hàng.

 

Ý CHÍNH CẦN NHỚ

  • Quản lý tài sản là một dịch vụ tư vấn đầu tư kết hợp với các dịch vụ tài chính khác nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng giàu có.
  • Cố vấn quản lý tài sản là một chuyên gia cấp cao quản lý tổng thể tài sản của một khách hàng giàu có, thường với một khoản phí định trước.
  • Thông thường, dịch vụ này  phù hợp với những cá nhân giàu có với nhiều nhu cầu đa dạng.

 

 

Hiểu về quản lý tài sản

 

Quản lý tài sản không đơn thuần chỉ đưa ra lời khuyên đầu tư. Dịch vụ này có thể bao gồm tất cả các khía cạnh trong đời sống tài chính của một người. Thay vì cố gắng tổng hợp các lời khuyên và các sản phẩm khác nhau từ nhiều chuyên gia, những người giàu sử dụng một cách tiếp cận tích hợp (integrated approach) được tin tưởng đem lại lợi ích cho họ hơn. Với cách tiếp cận này, một chuyên gia quản lý tài sản sẽ điều phối các dịch vụ cần thiết để quản lý tài sản cho khách hàng. Đồng thời thiết lập một kế hoạch chiến lược cho các nhu cầu hiện tại và tương lai của họ. Cho dù đó là dịch vụ di chúc hay kế hoạch kế thừa kinh doanh.

 

Nhiều chuyên gia quản lý tài sản có thể cung cấp dịch vụ trong bất kỳ khía cạnh nào của lĩnh vực tài chính. Một số khác lại chọn chuyên môn hóa trong các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như quản lý tài sản đa quốc gia. Điều này có thể dựa trên chuyên môn của một chuyên gia quản lý tài sản cụ thể hoặc trọng tâm chính của công ty mà chuyên gia quản lý tài sản đó điều hành.

 

Trong một số trường hợp nhất định, cố vấn quản lý tài sản có thể phải kết hợp dữ liệu đầu vào từ các chuyên gia tài chính bên ngoài, cũng như những người cung cấp dịch vụ của chính khách hàng (ví dụ như luật sư hoặc kế toán) để tạo ra chiến lược tối ưu nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng. Một số chuyên gia quản lý tài sản cũng cung cấp dịch vụ ngân hàng hoặc tư vấn về các hoạt động từ thiện.

 

Ví dụ về quản lý tài sản

 

Nhìn chung, các văn phòng quản lý tài sản có một đội ngũ chuyên gia sẵn sàng cung cấp lời khuyên về các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: hãy xem xét một khách hàng có 2 triệu USD tài sản có thể đầu tư – ngoài khoản ủy thác dành cho cháu của họ – và có vợ hoặc chồng vừa qua đời. Một văn phòng quản lý tài sản sẽ không chỉ đầu tư các khoản tiền này vào một tài khoản tùy ý mà còn cung cấp các dịch vụ di chúc được yêu cầu để giảm thiểu thuế và lập kế hoạch di sản (thường được biết tới trong tiếng Anh là estate planning).

 

Các cố vấn quản lý tài sản làm việc trực tiếp cho một công ty đầu tư có thể có nhiều kiến ​​thức hơn trong lĩnh vực chiến lược đầu tư. Trong khi đó, những người làm việc cho một ngân hàng lớn có thể tập trung vào việc quản lý các quỹ tín thác và các lựa chọn tín dụng được cung cấp, lập kế hoạch di sản tổng thể hoặc các lựa chọn bảo hiểm. Tóm lại, chuyên môn giữa các công ty khác nhau có thể khác nhau.

 

Cơ cấu công ty quản lý tài sản

 

Các chuyên gia quản lý tài sản có thể làm việc cho một doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc một công ty lớn hơn – thường liên quan đến ngành tài chính. Tùy thuộc vào doanh nghiệp, chuyên gia quản lý tài sản có thể hoạt động dưới các chức danh khác nhau như chuyên gia tư vấn tài chính hoặc cố vấn tài chính. Khách hàng có thể nhận các dịch vụ từ một chuyên gia quản lý tài sản duy nhất được chỉ định hoặc có thể tiếp xúc với các thành viên của một nhóm quản lý tài sản cụ thể.

 

Phí cho một chuyên gia quản lý tài sản

 

Các cố vấn có thể tính phí dịch vụ của họ theo một số cách. Một số cố vấn chỉ tính phí theo năm, theo giờ hoặc cố định. Một số cố vấn tính hoa hồng và được trả thông qua các khoản đầu tư mà họ bán. Các cố vấn tính phí có thể thu một gói kết hợp phí cộng với hoa hồng trên các sản phẩm đầu tư mà họ bán.

 

Một cuộc khảo sát về các cố vấn tài chính gần đây cho thấy phí cố vấn trung bình (với AUM lên đến 1 triệu USD) chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên, một số cố vấn tính phí cao hơn, đặc biệt là đối với các số dư tài khoản nhỏ hơn. Các cá nhân có số dư lớn hơn thường có thể trả phí ít hơn đáng kể, với phí AUM trung bình giảm khi tài sản tăng lên.

 

Thông tin thêm: Các nền tảng cố vấn tài chính tự động (roboadvisor) được sử dụng làm công cụ quản lý tài sản cho các cá nhân phổ thông thường tính phí AUM dưới 1% một năm và có thể bắt đầu với số dư tài khoản tối thiểu cực thấp.

 

Chứng chỉ chuyên gia quản lý tài sản

 

Bạn nên kiểm tra các chứng chỉ của một chuyên gia để xem chuyên môn nào của họ có thể phù hợp nhất với nhu cầu và tình hình của bạn. Ba chứng chỉ cố vấn chuyên nghiệp hàng đầu là Chuyên gia Hoạch định Tài chính, Chuyên gia Phân tích Tài chính và Chuyên gia Tài chính Cá nhân. Nhiều trang web của các tổ chức cấp chứng chỉ chuyên nghiệp cho phép bạn kiểm tra người nhận chứng chỉ có đáng tin cậy hay có hành động vi phạm hoặc bị khiếu nại hay không.

 

Cơ quan Quản lý ngành Tài chính (FINRA) có một công cụ làm rõ các chứng chỉ hành nghề. Bạn cũng có thể xem liệu tổ chức phát hành chứng chỉ có yêu cầu giáo dục thường xuyên, nhận khiếu nại hay có cách để bạn xác nhận ai là người nắm giữ chứng chỉ hay không.

 

Các chiến lược của một chuyên gia quản lý tài sản

 

Chuyên gia quản lý tài sản bắt đầu bằng cách phát triển một kế hoạch có khả năng duy trì và gia tăng tài sản của khách hàng dựa trên tình hình tài chính, mục tiêu và khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng đó.

 

Điều quan trọng là mỗi phần trong bức tranh tài chính của khách hàng – cho dù đó là kế hoạch thuế hay di chúc và tài sản – đều phải được phối hợp với nhau để bảo vệ tài sản cho khách hàng. Mục đích này có thể trùng khớp với các dự định ​​tài chính và kế hoạch nghỉ hưu.

 

Sau khi lập kế hoạch ban đầu, chuyên gia quản lý gặp gỡ khách hàng thường xuyên để cập nhật mục tiêu, xem xét và cân đối lại danh mục tài chính. Đồng thời, họ có thể kiểm tra xem liệu các dịch vụ bổ sung có cần thiết hay không, với mục tiêu cuối cùng là duy trì dịch vụ của khách hàng trong suốt cuộc đời của họ.

 

Các chuyên gia quản lý tài sản kiếm được bao nhiêu?

 

Theo Indeed, mức lương trung bình cho một chuyên gia quản lý tài sản ở Mỹ trong năm 2022 là 78.100 USD.

 

Chuyên gia quản lý tài sản có giống với chuyên gia hoạch định tài chính không?

 

Mặc dù một số chuyên gia tài chính vừa là người quản lý tài sản vừa là nhà hoạch định tài chính, điểm khác biệt chính là người quản lý tài sản tập trung vào tài sản và đầu tư trong khi nhà hoạch định tài chính xem xét hình hình tài chính hàng ngày, nhu cầu bảo hiểm của hộ gia đình, v.v.

 

Ngành quản lý tài sản hiện tại quản lý tổng tài sản trị giá bao nhiêu tiền?

 

Tính đến năm 2020, ngành quản lý tài sản được ước tính có AUM lên tới 112 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Con số này được kỳ vọng ​​sẽ tăng lên 145,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: