arrow-menu

Phương trình kế toán là gì?

Phương trình kế toán cho rằng tổng tài sản của một công ty bằng tổng nợ và vốn chủ sở hữu. Mối quan hệ đơn giản giữa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu được coi là nền tảng của hệ thống kế toán kép (double-entry accounting system). Phương trình kế toán đảm bảo rằng bảng cân đối kế toán vẫn được cân bằng. Có nghĩa là, mỗi bút toán được ghi vào bên nợ sẽ tương ứng với một bút toán ở bên có. Phương trình kế toán còn được gọi là phương trình kế toán cơ bản hoặc phương trình cân đối kế toán.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Phương trình kế toán được coi là nền tảng của hệ thống kế toán kép.
  • Phương trình kế toán cho thấy trên bảng cân đối của công ty tổng tài sản bằng tổng nợ và vốn chủ sở hữu.
  • Tài sản đại diện cho các nguồn lực có giá trị do công ty kiểm soát. Nợ phải trả thể hiện nghĩa vụ của công ty.
  • Cả nợ và vốn chủ sở hữu đều thể hiện cách mà tài sản của một công ty được tài trợ.

 

Tìm hiểu về phương trình kế toán

 

Tình hình tài chính của bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ, đều dựa trên hai thành phần quan trọng của bảng cân đối kế toán: tài sản và nợ. Vốn chủ sở hữu, hoặc vốn cổ đông, là phần thứ ba của bảng cân đối kế toán.

 

Phương trình kế toán là sự trình bày về cách mà ba thành phần quan trọng này được liên kết với nhau.

 

Tài sản đại diện cho các nguồn lực có giá trị được kiểm soát bởi công ty, trong khi đó nợ đại diện cho các nghĩa vụ của công ty. Cả nợ và vốn chủ sở hữu đều thể hiện cách mà tài sản của một công ty được tài trợ. Nếu nó được tài trợ thông qua nợ, thì sẽ biểu thị như một khoản nợ, nhưng nếu nó được tài trợ thông qua phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư, thì sẽ thể hiện trong vốn chủ sở hữu.

 

Phương trình kế toán giúp đánh giá liệu các giao dịch kinh doanh do công ty thực hiện có được phản ánh chính xác trên sổ sách và tài khoản của công ty hay không. Dưới đây là ví dụ về các mục được liệt kê trên bảng cân đối kế toán.

 

Tài sản

Tài sản bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền hoặc tài sản lưu động, có thể bao gồm tín phiếu Kho bạc và chứng chỉ tiền gửi.

 

Các khoản phải thu (accounts receivable) liệt kê các khoản tiền mà khách hàng nợ công ty khi công ty bán các sản phẩm của mình. Hàng tồn kho cũng được coi là một tài sản.

 

Tài sản chính và thường có giá trị lớn nhất của hầu hết các công ty là máy móc, tòa nhà và bất động sản của công ty đó. Đây là những tài sản cố định thường được giữ trong nhiều năm.

 

Nợ

Nợ là các khoản nợ mà một công ty phải trả và các chi phí cần phải trả để duy trì hoạt động của công ty.

 

Nợ là một khoản nợ phải trả, bất kể đó là một khoản vay dài hạn hay một hóa đơn đến hạn phải trả.

 

Chi phí bao gồm tiền thuê mặt bằng, thuế, điện nước, tiền lương, tiền công và cổ tức phải trả.

 

Vốn chủ sở hữu của cổ đông

Số vốn chủ sở hữu của các cổ đông là tổng tài sản của công ty trừ đi tổng nợ.

 

Nó có thể được định nghĩa là tổng số tiền còn lại của một công ty nếu thanh lý tất cả tài sản và thanh toán tất cả các khoản nợ phải trả của mình. Số tiền này sau đó sẽ được phân phối cho các cổ đông.

 

Lợi nhuận giữ lại (retained earnings) là một phần vốn chủ sở hữu của cổ đông. Con số này là tổng lợi nhuận không được chi trả cho cổ đông dưới dạng cổ tức.

 

Hãy coi lợi nhuận giữ lại là khoản tiết kiệm, vì nó đại diện cho tổng lợi nhuận đã được tiết kiệm và để dành (hoặc “giữ lại”) cho việc sử dụng trong tương lai.

 

Phương trình kế toán và cách tính

 

Tài sản =  Nợ + Vốn chủ sở hữu

 

Bảng cân đối kế toán bao gồm các yếu tố tạo nên phương trình kế toán:

  • Xác định vị trí tổng tài sản của công ty trên bảng cân đối kế toán trong kỳ.
  • Tổng các khoản nợ phải trả, được liệt kê riêng trên bảng cân đối kế toán.
  • Xác định tổng vốn chủ sở hữu của cổ đông và thêm con số này vào tổng nợ phải trả.
  • Tổng tài sản sẽ bằng tổng nợ phải trả và tổng vốn chủ sở hữu.

 

Ví dụ, giả sử Tập đoàn XYZ đã báo cáo trong bảng cân đối kế toán cho năm tài chính đầy đủ gần nhất của mình có:

  • Tổng tài sản: 170 tỷ USD
  • Tổng nợ phải trả: 120 tỷ USD
  • Tổng vốn chủ sở hữu của cổ đông: 50 tỷ USD

 

Nếu chúng ta tính toán các giá trị bên phải của phương trình kế toán (vốn chủ sở hữu + nợ), sẽ được (50 tỷ USD + 120 tỷ USD) = 170 tỷ USD, khớp với giá trị tài sản được công ty báo cáo.

 

Giới thiệu về Kế toán kép

 

Phương trình kế toán là một biểu thức ngắn gọn về sự trình bày mang tính phức tạp, mở rộng và nhiều mục của một bảng cân đối kế toán.

 

Về cơ bản, sự trình bày này cho rằng tất cả việc sử dụng vốn (tài sản) bằng với tất cả các nguồn vốn, trong đó vốn vay dẫn đến nợ và vốn cổ phần dẫn đến vốn chủ sở hữu của cổ đông.

 

Đối với một công ty lưu giữ các tài khoản chính xác, mọi giao dịch kinh doanh sẽ được thể hiện trong ít nhất hai tài khoản của công ty đó. Ví dụ, nếu doanh nghiệp vay một khoản tiền từ ngân hàng, thì số tiền đã vay sẽ được phản ánh trong bảng cân đối kế toán như một sự tăng lên về tài sản của công ty và một sự tăng lên về khoản nợ phải trả.

 

Nếu doanh nghiệp mua nguyên vật liệu thô và thanh toán bằng tiền mặt, thì sẽ làm tăng hàng tồn kho của công ty (một loại tài sản) đồng thời làm giảm vốn tiền mặt (một loại tài sản khác). Vì có hai hoặc nhiều hơn hai tài khoản bị ảnh hưởng bởi mọi giao dịch do công ty thực hiện, nên hệ thống kế toán này được gọi là kế toán kép (hay ghi sổ kép, bút toán kép).

 

Phương pháp ghi sổ kép đảm bảo rằng phương trình kế toán luôn cân bằng, có nghĩa là giá trị bên trái của phương trình sẽ luôn khớp với giá trị bên phải.

 

Nói cách khác, tổng số tài sản sẽ luôn bằng tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của cổ đông.

 

Sự tuân thủ toàn cầu đối với hệ thống kế toán kép làm cho quá trình lưu giữ và kiểm đếm tài khoản được chuẩn hóa và dễ hiểu hơn.

 

Phương trình kế toán đảm bảo rằng tất cả các bút toán trong sổ sách và hồ sơ đều được kiểm tra, và tồn tại một mối quan hệ có thể xác minh được giữa từng khoản nợ phải trả (hoặc chi phí) và nguồn tương ứng của nó; hoặc giữa từng khoản thu nhập (hoặc tài sản) và nguồn của nó.

 

Các hạn chế của Phương trình kế toán

 

Mặc dù bảng cân đối kế toán luôn cân bằng, nhưng phương trình kế toán không thể cho các nhà đầu tư biết mức độ hiệu quả của một công ty đang hoạt động. Các nhà đầu tư phải diễn giải các con số và tự quyết định liệu công ty có quá nhiều hay quá ít nợ phải trả, không có đủ tài sản, hay có quá nhiều tài sản, hoặc liệu nguồn tài chính của công ty có đủ để đảm bảo sự phát triển lâu dài không.

Những câu hỏi thường gặp

Tại sao Phương trình Kế toán lại Quan trọng?

Phương trình kế toán thể hiện mối quan hệ giữa ba thành phần của bảng cân đối kế toán: tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu. Khi tất cả các yếu tố khác đều như nhau, vốn chủ sở hữu của một công ty sẽ tăng lên khi tài sản của nó tăng lên và ngược lại. Thêm nợ sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu, trong khi đó giảm nợ — chẳng hạn như bằng việc trả hết nợ — sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu. Những khái niệm cơ bản này rất cần thiết đối với các phương pháp kế toán hiện đại.

Ba yếu tố của Phương trình kế toán là gì?

Ba yếu tố của phương trình kế toán là tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của cổ đông. Công thức rất đơn giản: Tổng tài sản của một công ty bằng nợ cộng với vốn chủ sở hữu. Hệ thống ghi sổ kép trong kế toán, đã được áp dụng trên toàn cầu, được thiết kế để phản ánh chính xác tổng tài sản của công ty.

Tài sản trong Phương trình Kế toán là gì?

Tài sản là bất kỳ thứ gì có giá trị kinh tế mà công ty kiểm soát, có thể được sử dụng để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hiện tại hoặc trong tương lai. Chúng bao gồm các tài sản cố định như máy móc và các tòa nhà. Chúng có thể bao gồm các tài sản tài chính, chẳng hạn như các khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Chúng cũng có thể là tài sản vô hình như bằng sáng chế, nhãn hiệu và lợi thế thương mại.

Nợ phải trả trong Phương trình Kế toán là gì?

Nợ phải trả của một công ty bao gồm mọi khoản nợ đã phát sinh. Chúng có thể bao gồm các khoản vay, các khoản phải trả, thế chấp, doanh thu chưa thực hiện (deferred revenue), phát hành trái phiếu, giấy bảo hành và chi phí phải trả (còn gọi là chi phí dồn tích).

Vốn chủ sở hữu của Cổ đông trong Phương trình Kế toán là gì?

Vốn chủ sở hữu của cổ đông là tổng giá trị của công ty được biểu thị bằng số tiền (thường là USD). Đó là số tiền sẽ còn lại nếu công ty thanh lý toàn bộ tài sản và thanh toán hết các khoản nợ. Phần còn lại là vốn chủ sở hữu của cổ đông, sẽ được trả lại cho cổ đông.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: