arrow-menu

Phái sinh là gì?

Thuật ngữ phái sinh (Derivative) đề cập đến một loại hợp đồng tài chính có giá trị phụ thuộc vào tài sản cơ sở, nhóm tài sản hoặc điểm chuẩn. Phái sinh được thiết lập giữa hai hoặc nhiều bên có thể giao dịch trên sàn giao dịch hoặc mua bán tại quầy (over the counter – OTC).

Các hợp đồng này có thể được sử dụng để giao dịch bất kỳ số lượng tài sản nào và mang theo rủi ro riêng của chúng. Giá của các công cụ phái sinh có nguồn gốc từ sự biến động của tài sản cơ sở. Các chứng khoán tài chính này thường được sử dụng để tiếp cận một số thị trường nhất định và có thể được giao dịch để phòng ngừa rủi ro. Các công cụ phái sinh có thể được sử dụng để giảm thiểu rủi ro (phòng vệ giá – hedge) hoặc chấp nhận rủi ro với kỳ vọng nhận được phần thưởng tương xứng (đầu cơ). Các công cụ phái sinh có thể chuyển rủi ro (và các phần thưởng đi kèm) từ người tránh rủi ro sang người tìm kiếm rủi ro.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Phái sinh là các hợp đồng tài chính, được thiết lập giữa hai hoặc nhiều bên, nhận giá trị của chúng từ một tài sản cơ sở, một nhóm tài sản hoặc điểm chuẩn.
  • Một công cụ phái sinh có thể giao dịch trên sàn giao dịch hoặc mua bán tại quầy.
  • Giá của các công cụ phái sinh có nguồn gốc từ sự biến động của tài sản cơ sở.
  • Các công cụ phái sinh thường là công cụ tài chính có đòn bẩy, điều này làm tăng phần thưởng và rủi ro tiềm ẩn của chúng.
  • Các công cụ phái sinh phổ biến bao gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi.

 

Tìm hiểu về phái sinh

 

Công cụ phái sinh là một loại chứng khoán tài chính phức tạp được thiết lập giữa hai hoặc nhiều bên. Các trader sử dụng công cụ phái sinh để tiếp cận các thị trường cụ thể và giao dịch các tài sản khác nhau. Thông thường, các công cụ phái sinh được coi là một hình thức đầu tư nâng cao. Các tài sản cơ sở phổ biến nhất đối với các công cụ phái sinh là cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ, lãi suất và chỉ số thị trường. Giá trị hợp đồng phụ thuộc vào sự thay đổi giá của tài sản cơ sở.

 

Các công cụ phái sinh có thể được sử dụng để phòng vệ một vị thế, đầu cơ về chuyển động định hướng của tài sản cơ sở hoặc tạo đòn bẩy cho các khoản nắm giữ. Những tài sản này thường được giao dịch trên các sàn giao dịch hoặc tại quầy, và được mua thông qua các công ty môi giới (công ty chứng khoán). Chicago Mercantile Exchange (CME) là một trong những sàn giao dịch phái sinh lớn nhất thế giới.

 

Điều quan trọng cần nhớ là khi các công ty phòng vệ giá, họ không đầu cơ về giá của hàng hóa. Thay vào đó, phòng vệ giá chỉ là một cách để mỗi bên quản lý rủi ro. Mỗi bên đều có lợi nhuận hoặc margin được tích hợp vào giá và phòng vệ giá giúp bảo vệ lợi nhuận đó không bị xóa sổ bởi các biến động thị trường về giá hàng hóa.

 

Các công cụ phái sinh được giao dịch tại quầy thường có khả năng xảy ra rủi ro đối tác (counterparty risk) cao hơn, đó là nguy cơ một trong các bên tham gia giao dịch có thể vỡ nợ. Các hợp đồng này giao dịch giữa hai bên tư nhân và không được kiểm soát. Để phòng ngừa rủi ro này, nhà đầu tư có thể mua một phái sinh ngoại hối để khóa một tỷ giá hối đoái cụ thể. Các công cụ phái sinh được sử dụng để phòng ngừa loại rủi ro này bao gồm hợp đồng tương lai tiền tệ (Currency future contract) và hợp đồng hoán đổi tiền tệ (Currency swap contract).

 

Lưu ý: Các sản phẩm phái sinh mua bán qua sàn giao dịch được tiêu chuẩn hóa và được quản lý chặt chẽ hơn so với các sản phẩm được giao dịch tại quầy.

 

Những lưu ý đặc biệt

 

Các công cụ phái sinh ban đầu được sử dụng để đảm bảo tỷ giá hối đoái cân bằng cho hàng hóa giao dịch quốc tế. Các nhà giao dịch quốc tế cần một hệ thống để tính toán các giá trị khác nhau của tiền tệ quốc gia.

 

Giả sử một nhà đầu tư châu Âu có các tài khoản đầu tư bằng đồng euro (EUR). Giả sử họ mua cổ phần của một công ty Hoa Kỳ thông qua sàn giao dịch Hoa Kỳ bằng đô la Mỹ (USD). Điều này đồng nghĩa với việc bây giờ họ phải chịu rủi ro tỷ giá (exchange rate risk) khi nắm giữ cổ phiếu đó. Rủi ro tỷ giá là mối đe dọa rằng giá trị của đồng euro sẽ tăng lên so với USD. Nếu điều này xảy ra, thì các khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được khi bán cổ phiếu sẽ trở nên ít giá trị hơn khi được quy đổi thành euro.

 

Một nhà đầu cơ dự đoán đồng euro sẽ tăng giá so với đồng đô la có thể thu lợi bằng cách sử dụng một công cụ phái sinh tăng về mặt giá trị cùng với đồng euro. Khi sử dụng các công cụ phái sinh để đầu cơ về chuyển động giá của tài sản cơ sở, nhà đầu tư không cần phải có sự hiện diện của danh mục đầu tư hoặc khoản nắm giữ đối với tài sản cơ sở.

 

Thông tin thêm: Nhiều công cụ phái sinh được sử dụng đòn bẩy, nghĩa là chỉ cần có một lượng vốn nhỏ để thu được lãi suất từ một lượng lớn giá trị trong tài sản cơ sở.

 

Các loại phái sinh

 

Các công cụ phái sinh ngày nay dựa trên nhiều loại giao dịch và có nhiều công dụng hơn. Thậm chí còn có các phái sinh dựa trên dữ liệu thời tiết, chẳng hạn như lượng mưa hoặc số ngày nắng trong một khu vực.

 

Có nhiều loại phái sinh khác nhau có thể được sử dụng để quản lý rủi ro, đầu cơ và tạo đòn bẩy cho một vị thế. Thị trường phái sinh tiếp tục phát triển, cung cấp các sản phẩm phù hợp với hầu hết mọi nhu cầu hoặc khả năng chấp nhận rủi ro.

 

Có hai loại sản phẩm phái sinh: “khóa” (lock) và “quyền chọn” (option). Các sản phẩm khóa (ví dụ: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hoặc hợp đồng hoán đổi) ràng buộc các bên tương ứng ngay từ đầu với các điều khoản đã thỏa thuận trong suốt thời hạn của hợp đồng. Mặt khác, các sản phẩm quyền chọn (ví dụ: quyền chọn cổ phiếu) cung cấp cho người nắm giữ quyền (nhưng không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán tài sản cơ cở hoặc chứng khoán ở một mức giá cụ thể vào hoặc trước ngày hết hạn của quyền chọn. Các loại phái sinh phổ biến nhất là hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi và hợp đồng quyền chọn.

 

Hợp đồng tương lai (Futures)

Hợp đồng tương lai (futures contract) là một thỏa thuận giữa hai bên về việc mua và bán một tài sản với mức giá đã thỏa thuận vào một ngày trong tương lai. Hợp đồng tương lai là các hợp đồng được tiêu chuẩn hóa giao dịch trên một sàn giao dịch. Các nhà giao dịch sử dụng hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ giá của một tài sản cơ sở. Các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện cam kết mua hoặc bán tài sản cơ sở.

 

Ví dụ: giả sử rằng vào ngày 6 tháng 11 năm 2021, Công ty A mua một hợp đồng tương lai cho dầu thô với giá 62.22 USD mỗi thùng hết hạn vào ngày 19 tháng 12 năm 2021. Công ty thực hiện điều này vì họ cần dầu thô vào tháng 12 và lo ngại rằng giá dầu thô sẽ tăng cao trước khi công ty có nhu cầu mua. Mua một hợp đồng tương lai dầu thô sẽ phòng ngừa rủi ro cho công ty vì người bán có nghĩa vụ giao dầu thô cho Công ty A với giá 62.22 USD một thùng khi hợp đồng hết hạn. Giả sử giá dầu thô tăng lên 80 USD mỗi thùng vào ngày 19 tháng 12 năm 2021. Công ty A có thể nhận dầu thô từ người bán hợp đồng tương lai, nhưng nếu không cần dầu thô nữa, thì công ty cũng có thể bán hợp đồng trước khi hết hạn và giữ lợi nhuận.

 

Trong ví dụ này, cả người mua và người bán hợp đồng tương lai đều phòng ngừa rủi ro của mình. Công ty A cần dầu thô trong tương lai và muốn bù đắp rủi ro giá có thể tăng vào tháng 12 với một vị thế mua trong hợp đồng tương lai dầu thô. Bên bán có thể là một công ty khai thác dầu thô lo ngại về giá dầu sẽ giảm và muốn loại bỏ rủi ro đó bằng cách bán hoặc bán khống (shorting) một hợp đồng tương lai ấn định mức giá mà họ sẽ nhận được vào tháng 12.

 

Cũng có thể một hoặc cả hai bên đều là những nhà đầu cơ với quan điểm trái ngược nhau về hướng đi của giá dầu thô tháng 12. Trong trường hợp đó, một người có thể được hưởng lợi từ hợp đồng, và một người có thể không. Ví dụ, hợp đồng tương lai cho dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giao dịch trên CME và đại diện cho 1000 thùng dầu. Nếu giá dầu thô tăng từ 62.22 USD lên 80 USD mỗi thùng, trader với vị thế mua – người mua – trong hợp đồng tương lai sẽ thu được 17780 USD [(80 USD – 62.22 USD) x 1000 = 17780 USD]. Trader với vị thế bán – người bán – trong hợp đồng sẽ bị lỗ 17780 USD.

 

Việc thanh toán tiền mặt của các hợp đồng tương lai

Không phải tất cả các hợp đồng tương lai đều được thanh toán khi hết hạn bằng việc giao tài sản cơ sở. Nếu cả hai bên trong hợp đồng tương lai đều là các trader hoặc các nhà đầu tư đầu cơ, thì không chắc là hai bên muốn thu xếp việc giao một số lượng lớn các thùng dầu thô. Các nhà đầu cơ có thể kết thúc nghĩa vụ mua hoặc giao hàng hóa cơ sở bằng cách đóng (hủy bỏ) hợp đồng trước khi hết hạn bằng một hợp đồng bù trừ (offsetting contract).

 

Trên thực tế, nhiều công cụ phái sinh được thanh toán bằng tiền mặt, nghĩa là lãi hoặc lỗ trong giao dịch chỉ đơn giản là một dòng tiền hạch toán vào tài khoản chứng khoán của trader. Các hợp đồng tương lai được thanh toán bằng tiền mặt bao gồm nhiều hợp đồng tương lai lãi suất, hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán và các công cụ đặc biệt hơn như hợp đồng tương lai biến động hoặc hợp đồng tương lai thời tiết.

 

Hợp đồng kỳ hạn (Forwards)

Hợp đồng kỳ hạn (forwards contract) tương tự như hợp đồng tương lai, nhưng chúng không được mua bán trên sàn giao dịch. Các hợp đồng này chỉ giao dịch tại quầy. Khi hợp đồng kỳ hạn được tạo, người mua và người bán có thể tùy chỉnh các điều khoản, quy mô và quy trình thanh toán. Là các sản phẩm giao dịch tại quầy (OTC), hợp đồng kỳ hạn có mức độ rủi ro đối tác cao hơn cho cả hai bên.

 

Rủi ro đối tác là một loại rủi ro tín dụng trong đó các bên có thể không thực hiện được các nghĩa vụ nêu trong hợp đồng. Nếu một bên mất khả năng thanh toán, thì bên kia có thể không truy đòi được và mất giá trị của vị thế mình nắm giữ.

 

Sau khi được tạo, các bên trong hợp đồng kỳ hạn có thể bù trừ vị thế của mình với các đối tác khác, điều này có thể làm tăng khả năng xảy ra rủi ro đối tác khi càng có nhiều trader tham gia vào cùng một hợp đồng.

 

Hợp đồng hoán đổi (Swaps)

Hợp đồng hoán đổi là một loại phái sinh phổ biến khác, thường được sử dụng để trao đổi một loại dòng tiền này với một loại dòng tiền khác. Ví dụ: một trader có thể sử dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất để chuyển khoản vay với lãi suất biến đổi thành khoản vay với lãi suất cố định hoặc ngược lại.

 

Hãy tưởng tượng rằng Công ty XYZ vay 1 000 000 USD và trả lãi suất biến đổi cho khoản vay hiện là 6%. XYZ có thể lo ngại về việc lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của khoản vay này hoặc gặp phải một bên cho vay không muốn cấp thêm tín dụng khi công ty có rủi ro lãi suất biến đổi này.

 

Giả sử XYZ tạo ra một hợp đồng hoán đổi với Công ty QRS, công ty này sẵn sàng trao đổi các khoản thanh toán nợ từ khoản vay có lãi suất biến đổi với các khoản thanh toán nợ từ khoản vay có lãi suất cố định là 7%. Điều đó có nghĩa là XYZ sẽ trả 7% cho QRS trên số tiền gốc 1000000 USD của mình và QRS sẽ trả lãi suất XYZ 6% trên cùng một khoản tiền gốc. Khi bắt đầu hợp đồng hoán đổi, XYZ sẽ chỉ trả cho QRS khoản chênh lệch 1 điểm phần trăm giữa hai lãi suất hoán đổi.

 

Nếu lãi suất giảm xuống khiến lãi suất biến đổi trên khoản vay ban đầu hiện là 5%, Công ty XYZ sẽ phải trả cho Công ty QRS khoản chênh lệch 2 điểm phần trăm trên khoản vay. Nếu lãi suất tăng lên 8%, thì QRS sẽ phải trả cho XYZ khoản chênh lệch 1 điểm phần trăm giữa hai lãi suất hoán đổi. Bất kể lãi suất thay đổi như thế nào, việc hoán đổi đã đạt được mục tiêu ban đầu của XYZ là chuyển một khoản vay có lãi suất biến đổi thành một khoản vay có lãi suất cố định.

 

Hợp đồng hoán đổi cũng có thể được xây dựng để trao đổi rủi ro tỷ giá hối đoái tiền tệ hoặc rủi ro vỡ nợ đối với một khoản vay hoặc các dòng tiền từ các hoạt động kinh doanh khác. Hợp đồng hoán đổi liên quan đến dòng tiền và khả năng vỡ nợ của trái phiếu thế chấp là một loại phái sinh cực kỳ phổ biến. Trên thực tế, chúng đã quá phổ biến trong quá khứ. Chính rủi ro đối tác của hợp đồng hoán đổi như này cuối cùng đã đi vào vòng xoáy khủng hoảng tín dụng năm 2008.

 

Hợp đồng quyền chọn (Options)

Hợp đồng quyền chọn giống với hợp đồng tương lai ở chỗ đây là thỏa thuận giữa hai bên để mua hoặc bán một tài sản vào một ngày xác định trước trong tương lai với một mức giá cụ thể. Sự khác biệt cơ bản giữa hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai là với một quyền chọn, người mua không có nghĩa vụ phải thực hiện thỏa thuận mua hoặc bán của họ. Đây chỉ là một cơ hội, không phải là một nghĩa vụ như trong hợp đồng tương lai. Với hợp đồng tương lai, các quyền chọn có thể được sử dụng để phòng vệ giá hoặc đầu cơ giá của tài sản cơ sở.

 

Thông tin thêm: Về thời điểm thực hiện quyền mua hoặc bán, nó phụ thuộc vào “kiểu” của quyền chọn. Quyền chọn kiểu Mỹ cho phép người sở hữu thực hiện quyền chọn bất kỳ lúc nào trước và trong ngày hết hạn. Quyền chọn kiểu Châu Âu chỉ có thể được thực hiện vào ngày hết hạn. Hầu hết các cổ phiếu và quỹ hoán đổi danh mục đều có quyền chọn kiểu Mỹ trong khi các chỉ số chứng khoán, bao gồm cả S&P 500, có quyền chọn kiểu châu Âu.

 

Hãy tưởng tượng một nhà đầu tư sở hữu 100 cổ phiếu với trị giá $50 mỗi cổ phiếu. Họ tin rằng giá trị của cổ phiếu sẽ tăng lên trong tương lai. Tuy nhiên, nhà đầu tư này lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn và quyết định phòng vệ vị thế của họ bằng một quyền chọn. Nhà đầu tư có thể mua một quyền chọn bán (put option) cho họ quyền bán 100 cổ phiếu cơ sở với giá $50 mỗi cổ phiếu — được gọi là giá thực hiện (strike price) — cho đến một ngày cụ thể trong tương lai — được gọi là ngày hết hạn.

 

Giả sử cổ phiếu giảm về mặt giá trị xuống còn 40 USD mỗi cổ phiếu khi quyền chọn hết hạn và người mua quyền chọn bán quyết định thực hiện quyền chọn của họ và bán cổ phiếu với giá thực hiện ban đầu là 50 USD cho mỗi cổ phiếu. Nếu quyền chọn bán khiến nhà đầu tư phải trả 200 USD để mua, thì họ chỉ mất chi phí mua quyền chọn vì giá thực hiện bằng với giá của cổ phiếu khi họ mua quyền chọn bán ban đầu. Một chiến lược như thế này được gọi là quyền chọn bán bảo vệ (protective put) vì nó phòng ngừa rủi ro rớt giá của cổ phiếu.

 

Ngược lại, giả sử một nhà đầu tư không sở hữu cổ phiếu hiện có giá trị $50 mỗi cổ phiếu. Họ tin rằng giá trị của cổ phiếu sẽ tăng trong tháng tới. Nhà đầu tư này có thể mua một quyền chọn mua (call option) cho phép họ mua cổ phiếu với giá 50 USD trước hoặc trong ngày hết hạn. Giả sử quyền chọn mua này có giá 200 USD và cổ phiếu đã tăng lên 60 USD trước khi quyền chọn hết hạn. Người mua bây giờ có thể thực hiện quyền chọn của mình và mua cổ phiếu trị giá 60 USD/cổ phiếu với giá thực hiện là 50 USD và lợi nhuận ban đầu là 10 USD/cổ phiếu. Quyền chọn mua đại diện cho 100 cổ phiếu, do đó, lợi nhuận thực là 1000 USD, trừ đi chi phí quyền chọn — phí bảo hiểm — và các phí hoa hồng môi giới.

 

Trong cả hai ví dụ, người bán có nghĩa vụ thực hiện các trách nhiệm thuộc về bên họ của hợp đồng nếu người mua chọn thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, nếu giá của cổ phiếu cao hơn giá thực hiện khi quyền chọn hết hạn, thì quyền chọn bán sẽ vô giá trị và người bán (người viết quyền chọn) được giữ phí bảo hiểm khi quyền chọn hết hạn. Nếu giá của cổ phiếu thấp hơn giá thực hiện khi quyền chọn hết hạn, thì quyền chọn mua sẽ vô giá trị và người bán quyền chọn mua sẽ giữ phí bảo hiểm.

Ưu điểm và Nhược điểm của Phái sinh

 

Ưu điểm

Như các ví dụ trên minh họa, các công cụ phái sinh có thể là một công cụ hữu ích cho các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư. Phái sinh cung cấp một biện pháp để thực hiện những điều như sau:

Chốt giá

Bảo vệ trước những biến động bất lợi của tỷ giá

Giảm thiểu rủi ro

 

Những điểm này thường có thể được thực hiện với một chi phí hạn hẹp.

 

Các công cụ phái sinh cũng thường có thể được mua ký quỹ (margin), có nghĩa là các trader sử dụng tiền đi vay để mua chúng. Điều đó giúp các giao dịch này thậm chí còn ít tốn kém hơn.

 

Nhược điểm

Các công cụ phái sinh rất khó định giá vì chúng dựa trên giá của một tài sản khác. Rủi ro đối với các công cụ phái sinh giao dịch tại quầy (OTC) bao gồm rủi ro đối tác khó dự đoán hoặc định giá. Hầu hết các phái sinh cũng nhạy cảm với những điều sau:

Thay đổi về khoảng thời gian đến khi hết hạn

Chi phí nắm giữ tài sản cơ sở

Lãi suất

 

Các biến số này gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác giá trị của một công cụ phái sinh với tài sản cơ sở.

 

Vì phái sinh không có giá trị nội tại (giá trị của nó chỉ đến từ tài sản cơ sở) nên nó dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường và rủi ro thị trường. Các yếu tố cung – cầu có thể làm cho giá của một công cụ phái sinh và tính thanh khoản của nó tăng – giảm, bất kể điều gì xảy ra với giá của tài sản cơ sở.

 

Cuối cùng, các công cụ phái sinh thường là công cụ tài chính có đòn bẩy và sử dụng đòn bẩy ảnh hưởng đến cả hai mặt. Mặc dù đòn bẩy có thể làm tăng tỷ lệ hoàn vốn (RoR), nhưng cũng làm cho các khoản lỗ tăng nhanh hơn.

pros

Ưu điểm

  • Chốt giá
  • Phòng ngừa rủi ro
  • Có thể dùng đòn bẩy
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư
cons

Nhược điểm

  • Khó định giá
  • Phụ thuộc vào rủi ro đối tác (nếu giao dịch tại quầy – OTC)
  • Phức tạp, khó hiểu
  • Nhạy cảm với các yếu tố cung – cầu

Những câu hỏi thường gặp

Phái sinh là gì?

Phái sinh là chứng khoán có giá trị phụ thuộc vào hoặc có nguồn gốc từ tài sản cơ sở. Ví dụ, hợp đồng tương lai dầu thô là một loại phái sinh có giá trị dựa trên giá thị trường của dầu thô. Các công cụ phái sinh ngày càng trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây, với tổng giá trị của các công cụ phái sinh đang lưu hành được ước tính là 610 nghìn tỷ USD vào ngày 30 tháng 6 năm 2021.

Một số ví dụ về phái sinh là gì?

Các ví dụ phổ biến về công cụ phái sinh bao gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swaps). Ngoài những hợp đồng này, còn có một số lượng lớn các hợp đồng phái sinh được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tác khác nhau. Trên thực tế, vì nhiều công cụ phái sinh được giao dịch tại quầy (OTC) nên về nguyên tắc, chúng có thể được tùy chỉnh vô hạn.

Các lợi ích và rủi ro chính của các công cụ phái sinh là gì?

Các công cụ phái sinh là một phương tiện rất thuận tiện để đạt được các mục tiêu tài chính. Ví dụ, một công ty muốn phòng ngừa rủi ro đối với hàng hóa của mình có thể mua hoặc bán các công cụ phái sinh năng lượng như hợp đồng tương lai dầu thô. Tương tự, một công ty có thể phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách mua các hợp đồng kỳ hạn ngoại hối. Các công cụ phái sinh cũng có thể giúp các nhà đầu tư dùng đòn bẩy đối với vị thế của họ, chẳng hạn như bằng cách mua cổ phiếu thông qua quyền chọn cổ phiếu (stock option) thay vì cổ phiếu. Hạn chế chính của các công cụ phái sinh bao gồm rủi ro đối tác, rủi ro gắn liền với đòn bẩy và thực tế là mạng lưới hợp đồng phái sinh phức tạp có thể dẫn đến rủi ro hệ thống.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: