arrow-menu

Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) là gì?

Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) là một chỉ báo động lượng theo xu hướng cho thấy mối quan hệ giữa hai đường trung bình động của giá chứng khoán. MACD được tính bằng cách lấy đường trung bình động hàm mũ (exponential moving average – EMA) 12 kỳ trừ cho đường EMA 26 kỳ.

Kết quả của phép tính đó là đường MACD. Đường EMA 9 của MACD được gọi là “đường tín hiệu” (signal line), được vẽ bên trên đường MACD, có thể đóng vai trò như một sự kích hoạt cho các tín hiệu mua và bán. Các trader có thể mua chứng khoán khi MACD cắt lên trên đường tín hiệu và bán – hoặc bán khống- chứng khoán khi MACD cắt xuống dưới đường tín hiệu. Các chỉ báo về đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) có thể diễn giải theo một số cách, nhưng các phương pháp phổ biến nhất là sự giao cắt (crossovers), sự phân kỳ (divergences) và sự tăng/giảm nhanh chóng.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) được tính bằng cách lấy đường trung bình động hàm mũ (EMA) 12 kỳ trừ cho đường EMA 26 kỳ.
  • MACD kích hoạt các tín hiệu kỹ thuật khi nó cắt lên trên (nên mua) hoặc cắt xuống dưới (nên bán) đường tín hiệu.
  • Tốc độ giao cắt cũng được coi là tín hiệu của thị trường quá mua (overbought) hoặc quá bán (oversold).
  • MACD giúp nhà đầu tư hiểu được liệu chuyển động tăng (bullish movement) hay chuyển động giảm (bearish movement) của giá đang mạnh lên hay suy yếu.

 

Công thức tính MACD

 

MACD = EMA12 kỳ – EMA26 kỳ

 

MACD được tính bằng cách lấy đường EMA ngắn hạn (12 kỳ ) trừ cho EMA dài hạn (26 kỳ). Đường trung bình động hàm mũ (EMA) là một dạng trung bình động (MA) có trọng số cao hơn và ý nghĩa lớn hơn cho các điểm dữ liệu gần đây nhất.

 

Đường trung bình động hàm mũ còn được gọi là đường trung bình động hàm mũ có trọng số. Đường trung bình động hàm mũ có trọng số phản ứng mạnh hơn với những thay đổi giá gần đây so với đường trung bình động đơn giản (simple moving average – SMA), SMA áp dụng trọng số bằng nhau cho tất cả các chu kỳ.

 

Tìm hiểu về MACD

 

MACD có giá trị dương (được biểu thị bằng đường màu xanh lam trong biểu đồ dưới) khi đường EMA 12 kỳ (được biểu thị bằng đường màu đỏ trên biểu đồ giá) nằm ở trên đường EMA 26 kỳ (đường màu xanh lam trong biểu đồ giá) và giá trị âm khi đường EMA 12 kỳ nằm dưới đường EMA 26 kỳ. MACD càng xa (phía trên hoặc dưới) đường cơ sở cho thấy khoảng cách giữa hai đường EMA đang tăng lên.

 

Trong biểu đồ sau, bạn có thể thấy cách hai đường EMA được áp dụng cho biểu đồ giá tương ứng với đường MACD (màu xanh lam) cắt lên trên hoặc cắt xuống dưới đường cơ sở của nó (đường gạch ngang) trong chỉ báo bên dưới biểu đồ giá.

 

MACD thường được trình bày bằng biểu đồ tần suất – histogram,(xem biểu đồ bên dưới) minh họa khoảng cách giữa MACD và đường tín hiệu. Nếu MACD nằm trên đường tín hiệu, thì biểu đồ sẽ nằm trên đường cơ sở của MACD. Nếu MACD nằm dưới đường tín hiệu, thì biểu đồ sẽ nằm dưới đường cơ sở của MACD. Các trader sử dụng biểu đồ histogram của MACD để xác định khi nào đà tăng (bullish momentum) hoặc đà giảm (bearish momentum) ở mức cao.

 

MACD và RSI

 

Chỉ số sức mạnh tương đối (Relative strength indicator – RSI) nhằm mục đích báo hiệu liệu một thị trường được coi là quá mua hay quá bán liên quan đến các mức giá gần đây. Chỉ số RSI là một bộ dao động tính toán mức tăng và giảm về giá trung bình trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian mặc định là 14 kỳ với các giá trị được giới hạn từ 0 đến 100.

 

MACD đo lường mối quan hệ giữa hai đường EMA, trong khi RSI đo lường sự thay đổi giá liên quan đến các mức giá đỉnh và đáy gần đây. Hai chỉ báo này thường được sử dụng cùng nhau để cung cấp cho các nhà phân tích một bức tranh kỹ thuật toàn cảnh và đầy đủ hơn về thị trường.

 

Cả hai chỉ số này đều đo lường động lượng trên thị trường, nhưng vì chúng đo lường các yếu tố khác nhau nên đôi khi đưa ra các chỉ định trái ngược nhau. Ví dụ: RSI có thể hiển thị chỉ số trên 70 trong một khoảng thời gian liên tục, cho thấy thị trường cao quá mức cho bên mua so với giá gần đây, trong khi MACD cho thấy thị trường vẫn đang tăng theo đà mua. Một trong hai chỉ báo có thể báo hiệu một sự thay đổi xu hướng sắp tới bằng việc cho thấy sự phân kỳ so với giá (giá tiếp tục cao hơn trong khi chỉ báo giảm xuống hoặc ngược lại).

 

Hạn chế của MACD

 

Một trong những vấn đề chính của sự phân kỳ là nó thường có thể báo hiệu một sự đảo chiều tiềm năng nhưng sau đó lại không có sự đảo chiều nào thực sự xảy ra — nghĩa là tạo ra một tín hiệu dương giả. Một vấn đề khác là sự phân kỳ không dự báo tất cả các sự đảo chiều . Nói cách khác, MACD dự đoán quá nhiều lần đảo chiều không xảy ra và có rất ít lần dự báo chính xác về đảo chiều giá thực sự.

 

Sự phân kỳ “dương giả” thường xảy ra khi giá của tài sản đi ngang, chẳng hạn như trong một phạm vi hoặc mô hình tam giác theo xu hướng. Sự suy giảm động lượng (chuyển động đi ngang hoặc chuyển động có xu hướng chậm lại) của giá sẽ khiến MACD kéo ra xa các điểm cực trị trước đó và hút về phía đường zero ngay cả khi không có sự đảo chiều thực sự.

 

Ví dụ về MACD Crossovers

 

Như được thể hiện trên biểu đồ sau, khi MACD giảm xuống dưới đường tín hiệu, đó là một tín hiệu giá giảm cho thấy rằng có thể đã đến lúc bán. Ngược lại, khi MACD tăng lên trên đường tín hiệu, chỉ báo này đưa ra tín hiệu giá tăng, cho thấy giá của tài sản có khả năng trải qua đà tăng. Một số trader chờ đợi sự giao cắt được xác nhận trên đường tín hiệu trước khi mở một vị trí để giảm khả năng bị “cảnh báo giả” và mở một vị thế quá sớm.

 

Các crossover sẽ đáng tin cậy hơn khi chúng phù hợp với xu hướng đang thịnh hành. Nếu MACD cắt lên trên đường tín hiệu sau một đợt điều chỉnh giá ngắn trong một xu hướng tăng dài hạn, thì đủ điều kiện để được xem là xác nhận giá tăng (bullish confirmation).

 

Nếu MACD cắt xuống dưới đường tín hiệu sau một chuyển động tăng giá ngắn trong một xu hướng giảm dài hạn, thì các trader sẽ coi đó là xác nhận giá giảm (bearish confirmation).

 

Ví dụ về Phân kỳ

 

Khi MACD hình thành đỉnh hoặc đáy trái ngược với mức đỉnh và đáy tương ứng trên giá, nó được gọi là phân kỳ. Sự phân kỳ dương (bullish divergence) xuất hiện khi MACD hình thành hai đáy theo hướng tăng tương ứng với hai đáy theo hướng giảm trên giá. Đây là một tín hiệu tăng giá hợp lệ khi xu hướng dài hạn vẫn là tích cực.

 

Một số trader sẽ tìm kiếm sự phân kỳ dương ngay cả khi xu hướng dài hạn là tiêu cực, vì chúng có thể báo hiệu một sự thay đổi trong xu hướng, mặc dù kỹ thuật này ít đáng tin hơn.

 

Khi MACD hình thành một chuỗi hai đỉnh theo hướng giảm tương ứng với hai đỉnh theo hướng tăng về giá, thì một sự phân kỳ âm (bearish divergence) đã được hình thành. Sự phân kỳ âm xuất hiện trong xu hướng giảm dài hạn được coi là sự xác nhận rằng xu hướng này có khả năng tiếp diễn.

 

Một số trader sẽ tìm kiếm các sự phân kỳ âm trong các xu hướng giá tăng dài hạn, vì chúng có thể báo hiệu sự suy yếu trong xu hướng. Tuy nhiên, nó không đáng tin cậy bằng sự phân kỳ âm trong xu hướng giá giảm.

 

Ví dụ về Tăng nhanh hoặc Giảm nhanh

 

Khi MACD tăng hoặc giảm nhanh chóng (đường trung bình động ngắn hạn kéo ra xa đường trung bình động dài hạn), đó là tín hiệu cho thấy chứng khoán đang bị quá mua hoặc quá bán và sẽ sớm trở lại mức bình thường. Các trader thường sẽ kết hợp phân tích này với chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) hoặc các chỉ báo kỹ thuật khác để xác minh các điều kiện quá mua hoặc quá bán.

 

Không có gì lạ khi các nhà đầu tư sử dụng biểu đồ histogram của MACD giống như cách họ có thể sử dụng chính MACD. Cũng có thể xác định sự giao cắt, sự phân kỳ âm-dương và sự tăng/giảm nhanh chóng trên histogram. Cần có một số kinh nghiệm trước khi quyết định điều gì là tốt nhất trong bất kỳ tình huống nào, bởi vì có sự khác biệt về thời gian giữa các tín hiệu trên MACD và biểu đồ histogram của nó.

Những câu hỏi thường gặp

Các trader sử dụng đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) như thế nào?

Các trader sử dụng MACD để xác định những thay đổi về hướng hoặc mức độ của xu hướng giá cổ phiếu. MACD thoạt nhìn có vẻ phức tạp, vì nó dựa vào các khái niệm thống kê bổ sung như đường trung bình động hàm mũ (EMA). Nhưng về cơ bản, MACD giúp các trader phát hiện khi nào động lượng gần đây của giá cổ phiếu có thể báo hiệu sự thay đổi trong xu hướng cơ bản của giá. Điều này có thể giúp các trader quyết định khi nào nên mở, thêm vào hoặc thoát khỏi một vị thế.

MACD là một chỉ báo nhanh (Leading Indicator) hay một chỉ báo chậm (Lagging Indicator)?

MACD là một chỉ báo chậm. Sau tất cả, các dữ liệu được sử dụng trong MACD đều dựa trên hành động giá lịch sử của cổ phiếu. Vì MACD dựa trên dữ liệu lịch sử, nên nhất thiết phải “lag” giá. Tuy nhiên, một số trader sử dụng biểu đồ MACD để dự đoán khi nào sự thay đổi trong xu hướng sẽ xảy ra. Đối với những trader này, khía cạnh này của MACD có thể được xem như một chỉ báo nhanh về những thay đổi xu hướng trong tương lai.

Phân kỳ dương MACD là gì?

Phân kỳ dương MACD là tình huống mà MACD không đạt đến đáy mới, mặc dù thực tế là giá của cổ phiếu đã đạt đến đáy mới. Đây được coi là một tín hiệu giao dịch giá tăng – do đó, có thuật ngữ “phân kỳ dương”. Nếu tình huống ngược lại xảy ra – giá cổ phiếu đạt đỉnh mới, nhưng MACD không đạt đỉnh mới – thì đây sẽ được coi là một chỉ báo giá giảm và được gọi là phân kỳ âm.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: