arrow-menu

Công nghệ tài chính (Fintech) là gì?

Công nghệ tài chính (hay còn gọi là Fintech) được sử dụng để mô tả công nghệ mới nhằm cải thiện và tự động hóa việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ tài chính. Về cốt lõi, fintech được sử dụng để giúp các công ty, chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng quản lý tốt hơn đối với các hoạt động tài chính, quy trình cũng như cuộc sống bằng cách sử dụng phần mềm và thuật toán chuyên biệt được dùng trên máy tính và ngày càng phổ biến trên điện thoại thông minh. Từ Fintech là sự kết hợp của “financial technology” (công nghệ tài chính).

Khi Fintech xuất hiện vào thế kỷ 21, thuật ngữ này ban đầu được áp dụng cho công nghệ được dùng trong các hệ thống back-end của những tổ chức tài chính đã thành lập từ lâu. Tuy nhiên, kể từ đó, đã có sự thay đổi sang các dịch vụ hướng đến người tiêu dùng hơn và do đó có định nghĩa hướng đến người tiêu dùng nhiều hơn. Fintech hiện bao gồm các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau như giáo dục, ngân hàng bán lẻ, gây quỹ và tổ chức phi lợi nhuận, và quản lý đầu tư.

Fintech cũng bao gồm việc phát triển và sử dụng tiền mã hóa, chẳng hạn như Bitcoin. Mặc dù Fintech có thể phổ biến, nhưng phần lớn tiền vẫn nằm trong ngành ngân hàng toàn cầu truyền thống với vốn hóa thị trường trị giá hàng nghìn tỷ đô la.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Fintech đề cập đến việc tích hợp công nghệ vào dịch vụ của các công ty dịch vụ tài chính, để cải thiện việc sử dụng và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng.
  • Fintech chủ yếu hoạt động bằng cách tách các dịch vụ của những công ty này và tạo ra thị trường mới cho họ.
  • Các công ty khởi nghiệp phá vỡ các công ty đương nhiệm trong ngành tài chính bằng cách mở rộng tài chính toàn diện (financial inclusion) và sử dụng công nghệ để cắt giảm chi phí hoạt động.
  • Nguồn vốn Fintech đang gia tăng trong khi vẫn còn những vấn đề trong quy định pháp luật.
  • Ví dụ về các ứng dụng fintech bao gồm robo-advisor (tư vấn tài chính tự động), ứng dụng thanh toán, ứng dụng cho vay ngang hàng (P2P), ứng dụng đầu tư và ứng dụng tiền mã hóa, trong số những ứng dụng khác.

 

Tìm hiểu về Fintech

 

Nói chung, thuật ngữ “công nghệ tài chính” có thể áp dụng cho bất kỳ sự đổi mới nào trong cách mọi người giao dịch kinh doanh, từ việc phát minh ra tiền kỹ thuật số đến phương pháp việc ghi sổ kép trong kế toán (double-entry bookkeeping). Tuy nhiên, kể từ cuộc cách mạng Internet và Internet di động / điện thoại thông minh, công nghệ tài chính đã phát triển một cách bùng nổ. Fintech, ban đầu đề cập đến việc dùng công nghệ máy tính được áp dụng cho back office của các ngân hàng hoặc công ty thương mại, giờ đây mô tả một loạt các can thiệp công nghệ vào tài chính cá nhân và tài chính thương mại.

 

Fintech hiện mô tả nhiều hoạt động tài chính khác nhau, chẳng hạn như chuyển tiền, gửi séc bằng điện thoại thông minh, bỏ qua chi nhánh ngân hàng để đăng ký tín dụng, huy động tiền cho một công ty khởi nghiệp hoặc quản lý các khoản đầu tư, nhìn chung mà không cần sự hỗ trợ của một người nào. Theo Fintech Adoption Index 2017 của EY, một phần ba người tiêu dùng sử dụng ít nhất hai dịch vụ fintech trở lên và những người tiêu dùng này cũng ngày càng nhận thức được fintech như một phần của cuộc sống hàng ngày.

 

Fintech trong thực tiễn

 

Các công ty khởi nghiệp fintech được nói đến nhiều nhất (và được tài trợ nhiều nhất) đều có chung một đặc điểm: được thiết kế để trở thành mối đe dọa, thách thức và cuối cùng soán ngôi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống bằng việc nhanh nhạy hơn, phục vụ một bộ phận dân số chưa được phục vụ, hoặc cung cấp dịch vụ nhanh hơn và/hoặc tốt hơn.

 

Ví dụ: Affirm tìm cách loại bỏ các công ty phát hành thẻ tín dụng khỏi quy trình mua sắm trực tuyến bằng cách cung cấp một giải pháp giúp người tiêu dùng đảm bảo các khoản vay ngắn hạn ngay lập tức để mua hàng. Mặc dù lãi suất có thể cao, nhưng Affirm tuyên bố cung cấp một giải pháp cho người tiêu dùng với tín dụng xấu hoặc không có lịch sử tín dụng để vừa đảm bảo tín dụng vừa xây dựng lịch sử tín dụng của họ. Tương tự, Better Mortgage tìm cách hợp lý hóa quy trình thế chấp nhà (và loại bỏ các công ty môi giới thế chấp truyền thống) bằng một dịch vụ kỹ thuật số có thể gửi cho người dùng một lá thư phê duyệt trước đã được xác minh trong vòng 24 giờ kể từ khi nộp đơn. GreenSky tìm cách liên kết những người vay tiền sửa nhà với các ngân hàng bằng việc giúp người tiêu dùng tránh những bên cho vay bảo thủ và tiết kiệm tiền lãi bằng cách cung cấp các giai đoạn khuyến mại không lãi suất.

 

Đối với người tiêu dùng có tín dụng xấu hoặc không có lịch sử tín dụng, Tala cung cấp cho người tiêu dùng ở các nước đang phát triển các khoản vay nhỏ, bằng cách đào sâu dữ liệu trên điện thoại thông minh để biết lịch sử giao dịch của họ và những thứ dường như không liên quan, chẳng hạn như trò chơi di động mà họ chơi. Tala tìm cách cung cấp cho những người tiêu dùng này các lựa chọn tốt hơn so với các ngân hàng địa phương, các tổ chức cho vay không được kiểm soát và các tổ chức tài chính vi mô khác.

 

Tóm lại, nếu bạn đã từng tự hỏi tại sao một số khía cạnh trong cuộc sống tài chính của mình lại khó khăn đến vậy (chẳng hạn như đăng ký thế chấp với một bên cho vay truyền thống) hoặc cảm thấy nó không hoàn toàn phù hợp, thì fintech có thể đã (hoặc đang tìm cách ) đưa ra một giải pháp cho bạn.

 

Chân trời rộng mở của Fintech

 

Cho đến nay, các tổ chức dịch vụ tài chính cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau “dưới một chiếc ô duy nhất”. Các dịch vụ này bao gồm một phạm vi rộng lớn từ các hoạt động ngân hàng truyền thống đến các dịch vụ thế chấp và giao dịch. Ở dạng cơ bản nhất, Fintech tách các dịch vụ này thành những dịch vụ riêng lẻ. Sự kết hợp giữa các dịch vụ được hợp lý hóa với công nghệ cho phép các công ty fintech hoạt động hiệu quả hơn và cắt giảm chi phí liên quan đến mỗi giao dịch.

 

Nếu một từ có thể mô tả những đổi mới của fintech tác động đến giao dịch, ngân hàng, tư vấn tài chính và sản phẩm truyền thống, thì đó là ‘sự phá vỡ’, giống như các sản phẩm và dịch vụ tài chính từng là lĩnh vực của các chi nhánh, nhân viên bán hàng và máy tính để bàn chuyển sang thiết bị di động hoặc đơn giản là dân chủ hóa khỏi các thể chế lớn, bảo thủ.

 

Ví dụ: ứng dụng giao dịch chứng khoán chỉ dành cho thiết bị di động Robinhood không tính phí giao dịch và các trang web cho vay ngang hàng như Prosper Marketplace, Lending Club và OnDeck hứa hẹn sẽ giảm lãi suất bằng cách mở ra cạnh tranh cho các khoản vay đối với các nguồn lực thị trường rộng lớn. Các nhà cung cấp khoản vay kinh doanh như Kabbage, Lendio, Accion và Funding Circle (trong số các bên khác) cung cấp cho những công ty khởi nghiệp và công ty đã thành lập các nền tảng dễ dàng, nhanh chóng để đảm bảo vốn lưu động. Oscar, một công ty khởi nghiệp bảo hiểm trực tuyến, đã nhận được 165 triệu đô la tài trợ vào tháng 3 năm 2018. Các vòng gọi vốn quan trọng như vậy không phải là điều hiếm gặp và thường diễn ra trên toàn cầu đối với các công ty khởi nghiệp fintech.

 

Tuy nhiên, các ngân hàng truyền thống bảo thủ đã chú ý và đầu tư rất nhiều để trở nên giống với các công ty đang tìm cách đánh đổ họ. Ví dụ, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã ra mắt nền tảng cho vay tiêu dùng Marcus vào năm 2016 và gần đây đã mở rộng hoạt động sang Vương quốc Anh.

 

Tuy nhiên, những nhà theo dõi am hiểu về công nghệ cảnh báo rằng việc duy trì tốc độ phát triển của các đổi mới lấy cảm hứng từ fintech đòi hỏi nhiều hơn là việc chỉ tăng chi tiêu cho công nghệ. Thay vào đó, việc cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể trong tư duy, quy trình, ra quyết định và thậm chí cả cấu trúc tổng thể của một doanh nghiệp.

 

Fintech và công nghệ mới

 

Các công nghệ mới, như máy học (machine learning) / trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích hành vi dự đoán và tiếp thị theo hướng dữ liệu, sẽ loại bỏ phỏng đoán và thói quen ra khỏi các quyết định tài chính. Các ứng dụng “học tập” sẽ không chỉ tìm hiểu thói quen của người dùng, thường được giấu kín đối với bản thân họ, mà còn thu hút người dùng tham gia vào các trò chơi học tập để đưa ra các quyết định chi tiêu và tiết kiệm tự động, vô thức tốt hơn. Fintech cũng là một nhà điều hành nhạy bén của công nghệ dịch vụ khách hàng tự động, sử dụng chatbot và giao diện AI để hỗ trợ khách hàng với các tác vụ cơ bản và cũng giảm chi phí nhân sự. Fintech cũng đang được tận dụng để chống lại gian lận bằng cách tận dụng thông tin về lịch sử thanh toán để gắn cờ các giao dịch nằm ngoài quy chuẩn.

 

Bức tranh tổng quan Fintech

 

Kể từ giữa những năm 2010, fintech đã bùng nổ, với cả các công ty khởi nghiệp nhận được hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm (một vài trong số đó đã trở thành unicorn (kỳ lân)) và các công ty tài chính đương nhiệm phải bắt lấy các dự án mới hoặc xây dựng các dịch vụ fintech của riêng họ.

 

Bắc Mỹ vẫn cho ra đời hầu hết các công ty khởi nghiệp fintech, với châu Á đứng thứ hai tương đối gần, tiếp theo là châu Âu. Một số lĩnh vực tích cực nhất của đổi mới fintech bao gồm hoặc xoay quanh các lĩnh vực sau (trong số những lĩnh vực khác):

  • Tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum, v.v.), token kỹ thuật số (ví dụ: NFT) và tiền kỹ thuật số. Những thứ này thường dựa vào công nghệ blockchain, là một công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technology – DLT) duy trì các bản ghi trên một mạng máy tính nhưng không có sổ cái trung tâm. Blockchain cũng cho phép tạo ra hợp đồng thông minh (smart contract), sử dụng code để tự động thực hiện hợp đồng giữa các bên như người mua và người bán.
  • Dịch vụ ngân hàng mở, là một khái niệm đề xuất tất cả mọi người nên có quyền truy cập vào dữ liệu ngân hàng để xây dựng các ứng dụng tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các tổ chức tài chính và nhà cung cấp bên thứ ba. Một ví dụ là công cụ quản lý tiền tất cả trong một Mint.
  • Insurtech, tìm cách sử dụng công nghệ để đơn giản hóa và hợp lý hóa ngành bảo hiểm.
  • Regtech, tìm cách giúp các công ty dịch vụ tài chính đáp ứng các quy tắc tuân thủ trong ngành, đặc biệt là những quy tắc bao gồm các giao thức Chống rửa tiền và Biết khách hàng của bạn nhằm chống lại gian lận.
  • Robo-advisors, chẳng hạn như Betterment, sử dụng các thuật toán để tự động hóa lời khuyên đầu tư nhằm giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận.
  • Các dịch vụ không cần ngân hàng (unbanked service) phục vụ những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc có thu nhập thấp bị các ngân hàng truyền thống hoặc các công ty dịch vụ tài chính chính thống phớt lờ hoặc không phục vụ. Các ứng dụng này thúc đẩy financial inclusion (tài chính toàn diện).
  • An ninh mạng. Với sự gia tăng của tội phạm mạng và việc lưu trữ dữ liệu phi tập trung, thì an ninh mạng và fintech được gắn bó mật thiết với nhau.

 

Người dùng Fintech

 

Có bốn danh mục người dùng rộng rãi đối với fintech: 1) B2B cho các ngân hàng và 2) khách hàng doanh nghiệp của họ, cũng như 3) B2C cho các doanh nghiệp nhỏ và 4) người tiêu dùng. Xu hướng ngân hàng di động, tăng cường thông tin, dữ liệu, phân tích chính xác hơn và phân quyền truy cập sẽ tạo cơ hội cho cả bốn nhóm tương tác theo những cách chưa từng có trước đây.

 

Đối với người tiêu dùng, như với hầu hết các tiến bộ công nghệ, bạn càng trẻ thì càng có nhiều khả năng nhận thức và mô tả chính xác fintech là gì. Thực tế là fintech hướng đến người tiêu dùng hầu như nhắm đến thế hệ Y ( Gen Y hoặc Millennials: những người sinh ra trong thập niên 80, đầu thập niên 90), do quy mô khổng lồ và tiềm năng thu nhập (và sự thừa kế) ngày càng tăng của phân khúc này. Một số người theo dõi fintech tin rằng sự tập trung vào Gen Y sẽ cho ra nhiều khả năng tăng quy mô của thị trường này, hơn là khả năng và sự quan tâm của Gen X và thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomer: những người được sinh ra từ 1946-1964) trong việc sử dụng fintech. Thay vào đó, fintech có xu hướng ít cung cấp cho người tiêu dùng lớn tuổi hơn vì nó không giải quyết được các vấn đề của họ.

 

Khi nói đến các doanh nghiệp, trước khi fintech ra đời và áp dụng, chủ doanh nghiệp hoặc người khởi nghiệp sẽ phải đến ngân hàng để đảm bảo tài chính hoặc vốn khởi nghiệp. Nếu họ dự định chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, thì họ sẽ phải thiết lập mối quan hệ với nhà cung cấp tín dụng và thậm chí lắp đặt cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đầu đọc thẻ kết nối điện thoại cố định. Giờ đây, với công nghệ di động, những rào cản đó đã là chuyện của quá khứ.

 

Fintech và Quy định pháp luật

 

Dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực được quản lý chặt chẽ nhất trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi quy định đã trở thành mối quan tâm số một của các chính phủ khi các công ty fintech phát triển rực rỡ.

 

Khi công nghệ được tích hợp vào các quy trình dịch vụ tài chính, các vấn đề về quy định đối với những công ty này tăng lên gấp bội. Trong một số trường hợp, các vấn đề là một chức năng của công nghệ. Ở những trường hợp khác, chúng phản ánh sự thiếu kiên nhẫn của ngành công nghệ trong việc phá vỡ tài chính.

 

Ví dụ, tự động hóa các quy trình và số hóa dữ liệu khiến hệ thống fintech dễ bị tấn công bởi các hacker. Các vụ hack gần đây tại các công ty phát hành thẻ tín dụng và ngân hàng là minh chứng cho thấy những kẻ xấu có thể dễ dàng truy cập vào hệ thống và gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Những câu hỏi quan trọng nhất đối với người tiêu dùng trong những trường hợp này sẽ liên quan đến trách nhiệm đối với các cuộc tấn như vậy cũng như việc sử dụng sai mục đích thông tin cá nhân và dữ liệu tài chính quan trọng.

 

Cũng có những trường hợp sự đụng độ của nền văn hóa công nghệ đặt niềm tin vào triết lý “Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” với thế giới tài chính bảo thủ, tránh rủi ro đã tạo ra những kết quả không mong muốn. Công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm Zenefits có trụ sở tại San Francisco, được định giá hơn 1 tỷ đô la trên thị trường tư nhân, đã vi phạm luật bảo hiểm của California khi cho phép các nhà môi giới không có giấy phép hành nghề bán sản phẩm của mình và bảo lãnh các hợp đồng bảo hiểm. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã phạt công ty này 980.000 đô la và họ phải trả 7 triệu đô la cho Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Department of Insurance) của California.

 

Quy định cũng là một vấn đề trong thế giới tiền mã hóa mới nổi. Các ICO ( Initial coin offerings – Phát hành tiền ảo lần đầu) là một hình thức gây quỹ mới cho phép các công ty khởi nghiệp huy động vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Ở hầu hết các quốc gia, các ICO không được kiểm soát và đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các trò gian lận và lừa đảo. Sự không chắc chắn về quy định đối với các ICO cũng cho phép các doanh nhân đút túi các token bảo mật được ngụy trang dưới dạng token tiện ích qua mặt SEC để tránh các khoản phí và chi phí tuân thủ.

 

Họ đã thiết lập các fintech sandbox để đánh giá tác động của công nghệ trong lĩnh vực này. Việc thông qua Quy định chung về bảo vệ dữ liệu ( General Data Protection Regulation – GDPR), một khuôn khổ đối với việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân ở EU là một nỗ lực khác nhằm hạn chế lượng dữ liệu cá nhân có sẵn đối với các ngân hàng. Một số quốc gia nơi ICO phổ biến, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng đã đi đầu trong việc phát triển các quy định đối với những dự án như vậy để bảo vệ các nhà đầu tư.

 

Quan trọng: Vì sự đa dạng của các dịch vụ trong fintech và các ngành công nghiệp khác nhau mà nó tiếp xúc, nên rất khó để hình thành một cách tiếp cận đơn giản và toàn diện cho những vấn đề này. Phần lớn, các chính phủ đã và đang sử dụng các quy định hiện hành, trong một số trường hợp, đã điều chỉnh sửa đổi chúng để có được các quy định dành riêng cho fintech.

Những câu hỏi thường gặp

Ví dụ về Fintech là gì?

Fintech đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực tài chính. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ.

  • Robo-advisors là ứng dụng hoặc nền tảng trực tuyến tự động đầu tư tiền của bạn một cách tối ưu, thường với chi phí thấp và có thể được tiếp cận bởi những cá nhân bình thường.
  • Các ứng dụng đầu tư như Robinhood giúp bạn dễ dàng mua và bán cổ phiếu, ETF và tiền mã hóa từ thiết bị di động của mình, thường với phí hoa hồng ít hoặc không có.
  • Các ứng dụng thanh toán như Paypal, Venmo, Block (Square), Zelle và CashApp giúp dễ dàng thanh toán cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp trực tuyến và ngay lập tức.
  • Các ứng dụng tài chính cá nhân như Mint, YNAB và Quicken SimpliFi cho phép bạn xem tất cả thông tin tài chính của mình, đặt ngân sách, thanh toán hóa đơn, v.v.
  • Các nền tảng cho vay P2P như Prosper, Lending Club và Upstart cho phép các cá nhân và chủ doanh nghiệp nhỏ nhận các khoản vay từ một loạt các cá nhân đóng góp các khoản vay vi mô trực tiếp đến họ.
  • Các ứng dụng tiền mã hóa, bao gồm ví, sàn giao dịch và ứng dụng thanh toán cho phép bạn giữ và giao dịch bằng tiền mã hóa và các token kỹ thuật số như Bitcoin và NFT.
  • InsurTech là ứng dụng công nghệ đặc biệt dành cho lĩnh vực bảo hiểm. Ví dụ:  sử dụng các thiết bị giám sát việc lái xe để điều chỉnh mức phí bảo hiểm ô tô.
Fintech chỉ áp dụng cho lĩnh vực ngân hàng?

Không. Mặc dù các ngân hàng và công ty khởi nghiệp đã tạo ra những ứng dụng fintech hữu ích xung quanh dịch vụ ngân hàng cơ bản (tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm, chuyển khoản ngân hàng, thẻ tín dụng / thẻ ghi nợ, khoản vay), các lĩnh vực fintech khác liên quan nhiều đến tài chính cá nhân, đầu tư hoặc thanh toán (trong số những lĩnh vực khác) đã trở nên phổ biến.

Các công ty Fintech kiếm tiền như thế nào?

Fintech kiếm tiền theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào chuyên môn của họ. Ví dụ, fintech ngân hàng có thể tạo ra doanh thu từ phí, lãi cho vay và bán các sản phẩm tài chính. Các ứng dụng đầu tư có thể tính phí môi giới, sử dụng thanh toán cho dòng lệnh (PfOF) hoặc thu một phần trăm tài sản được quản lý (AUM). Ứng dụng thanh toán có thể tính lãi suất trên tổng số tiền mặt và thu phí cho các tính năng như rút tiền trước hạn hoặc sử dụng thẻ tín dụng.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: