arrow-menu

EBITDA là gì?

EBITDA hoặc thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (tiếng Anh: Earnings before interest, taxes, depreciation and amortization) là thước đo hiệu suất tài chính tổng thể của công ty và được sử dụng như một phương án thay thế cho thu nhập ròng (net income) trong một số trường hợp. Tuy nhiên, EBITDA có thể gây nhầm lẫn vì không phản ánh chi phí sử dụng vốn đầu tư như tài sản, nhà máy và thiết bị.

Chỉ số này cũng loại trừ các chi phí liên quan đến nợ bằng việc cộng chi phí lãi vay và thuế vào thu nhập. Tuy nhiên, đây là một thước đo chính xác hơn về hiệu quả hoạt động của công ty vì nó có thể chỉ ra thu nhập trước ảnh hưởng của các khoản khấu trừ tài chính và kế toán.

Nói một cách đơn giản, EBITDA là thước đo khả năng sinh lời.

Các số liệu về thu nhập, thuế và lãi vay được tìm thấy trên báo cáo thu nhập, trong khi đó số liệu khấu hao thường được tìm thấy trong các ghi chú về lợi nhuận của hoạt động kinh doanh hoặc trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Lối tắt thông thường để tính EBITDA là bắt đầu với lợi nhuận của hoạt động kinh doanh, còn được gọi là thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT), sau đó cộng thêm khấu hao.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) là một số liệu về khả năng sinh lời của doanh nghiệp được sử dụng rộng rãi.
  • EBITDA có thể được sử dụng để so sánh các công ty với nhau và với mức trung bình của ngành.
  • EBITDA là một thước đo tốt đối với các xu hướng lợi nhuận cốt lõi vì nó loại bỏ một số yếu tố không liên quan và cung cấp sự so sánh chính xác hơn giữa các công ty.
  • EBITDA có thể được sử dụng như một lối tắt nhằm ước tính dòng tiền sẵn có để trả nợ cho các tài sản dài hạn.
  • EBITDA cũng được sử dụng trong một số tỷ lệ dùng trong phân tích tài chính.

 

Công thức và tính toán EBITDA

 

EBITDA được tính toán một cách đơn giản, với thông tin dễ dàng được tìm thấy trên báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán của công ty. Có hai công thức được sử dụng để tính EBITDA, trong đó một công thức sử dụng thu nhập từ hoạt động kinh doanh và công thức còn lại sử dụng thu nhập ròng. Hai cách tính EBITDA là:

 

EBITDA = Thu nhập ròng + Thuế + Chi phí lãi vay + Khấu hao

 

 

EBITDA = Thu nhập từ hoạt động kinh doanh + Khấu hao

 

Tìm hiểu về EBITDA

 

EBITDA về cơ bản là thu nhập ròng (hoặc thu nhập) với lãi suất, thuế và khấu hao được cộng trở lại. EBITDA có thể được sử dụng để phân tích và so sánh khả năng sinh lời giữa các công ty và các ngành, vì nó loại bỏ các tác động của nguồn tài chính và chi tiêu vốn. EBITDA thường được sử dụng trong các tỷ lệ định giá, và có thể được so sánh với giá trị doanh nghiệp và doanh thu.

 

Chi phí lãi vay và (ở mức độ thấp hơn) thu nhập lãi được cộng trở lại vào thu nhập ròng, điều này làm trung hòa chi phí sử dụng vốn vay (cost of debt) và ảnh hưởng của các khoản thanh toán lãi vay đối với thuế. Thuế thu nhập cũng được cộng vào thu nhập ròng, điều này không phải lúc nào cũng làm tăng EBITDA nếu công ty bị lỗ ròng. Các công ty có xu hướng làm nổi bật hiệu suất EBITDA khi không có thu nhập ròng quá ấn tượng (hoặc thậm chí dương). Nó không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu cho thấy những mánh khóe thị trường độc hại, nhưng đôi khi EBITDA có thể được sử dụng để phân tán sự chú ý của các nhà đầu tư khỏi việc thiếu khả năng sinh lời thực sự.

 

Các công ty sử dụng các khoản khấu hao (depreciation and amortization accounts) để thanh toán chi phí cho tài sản, nhà máy và thiết bị hoặc đầu tư vốn. Khấu hao (amortization) thường được sử dụng để thanh toán chi phí phát triển phần mềm hoặc tài sản trí tuệ khác (intellectual property). Đây là một trong những lý do tại sao các công ty nghiên cứu và công nghệ giai đoạn đầu đề cao EBITDA khi giao tiếp với các nhà đầu tư và các nhà phân tích.

 

Các nhóm quản lý lập luận rằng việc sử dụng EBITDA cho ra bức tranh đầy đủ hơn về xu hướng tăng trưởng lợi nhuận khi các khoản chi phí liên quan đến vốn bị loại trừ. Mặc dù không nhất thiết gây ra nhầm lẫn khi sử dụng EBITDA như một thước đo tăng trưởng, nhưng đôi khi nó có thể làm lu mờ các rủi ro và hiệu quả tài chính thực tế của một công ty.

 

Cách thức hoạt động của EBITDA với các giao dịch mua lại dùng đòn bẩy (Leveraged buyout)

 

EBITDA trở nên nổi tiếng lần đầu tiên vào giữa những năm 1980, khi các nhà đầu tư mua lại dùng đòn bẩy đánh giá các công ty đang gặp khó khăn cần tái cấu trúc tài chính. Họ đã sử dụng EBITDA để tính toán nhanh liệu các công ty này có thể thanh toán khoản lãi cho các giao dịch tài trợ này hay không.

 

Các chủ ngân hàng mua lại bằng đòn bẩy quảng cáo EBITDA như một công cụ để xác định liệu một công ty có thể trả nợ trong thời gian ngắn hay không. Các chủ ngân hàng này tuyên bố rằng việc xem xét tỷ lệ EBITDA trên tổng các khoản thanh toán lãi vay (EBITDA to interest coverage ratio) của công ty sẽ cho các nhà đầu tư biết liệu một công ty có thể đáp ứng các khoản thanh toán lãi vay lớn hơn mà công ty sẽ phải đối mặt sau khi tái cơ cấu hay không. Ví dụ, các chủ ngân hàng có thể lập luận rằng một công ty có EBITDA là 5 triệu USD và chi phí lãi vay là 2.5 triệu USD có tỷ số thanh toán lãi vay (interest coverage) là 2 – dư sức để trả nợ.

 

EBITDA là một số liệu phổ biến trong những năm 1980 để đo lường khả năng của một công ty trong việc giải quyết các khoản nợ được sử dụng trong giao dịch mua lại dùng đòn bẩy. Sử dụng một thước đo lợi nhuận hạn chế trước khi công ty hoàn toàn chịu tác dụng của đòn bẩy trong một đợt mua lại dùng đòn bẩy là thích hợp. EBITDA đã được phổ biến rộng rãi hơn nữa trong thời kỳ bong bóng dotcom, khi các công ty sở hữu những tài sản rất đắt đỏ và khối lượng nợ che khuất những gì mà các nhà phân tích và các nhà quản lý cho là các con số tăng trưởng hợp pháp.

 

Một số mặt hạn chế của EBITDA

 

EBITDA không thuộc GAAP nêu trên như một thước đo hiệu quả tài chính. Vì EBITDA là một thước đo “không thuộc GAAP”, nên cách tính EBITDA có thể khác nhau giữa các công ty. Không có gì lạ khi các công ty nhấn mạnh EBITDA hơn thu nhập ròng vì nó linh hoạt hơn và có thể phân tán sự tập trung khỏi các vấn đề khác trong báo cáo tài chính.

 

Một dấu hiệu bất ổn quan trọng mà các nhà đầu tư cần chú ý là khi một công ty bắt đầu báo cáo EBITDA một cách nổi bật mà trước đó chưa từng làm như vậy. Điều này có thể xảy ra khi các công ty đã vay rất nhiều hoặc đang gặp phải tình trạng tăng vốn và chi phí phát triển. Trong trường hợp này, EBITDA có thể gây mất tập trung đối với các nhà đầu tư và có thể dẫn đến nhầm lầm.

 

Bỏ qua chi phí sử dụng tài sản (cost of assets)

Một quan niệm sai lầm phổ biến là EBITDA đại diện cho thu nhập bằng tiền mặt. Tuy nhiên, không giống như dòng tiền tự do, EBITDA bỏ qua chi phí sử dụng tài sản. Một trong những lời chỉ trích phổ biến nhất về EBITDA là nó giả định khả năng sinh lời chỉ là một hàm số của doanh số bán hàng và hoạt động kinh doanh – gần như xem các tài sản và nguồn tài chính mà công ty cần để tồn tại là quà tặng miễn phí.

 

Bỏ qua vốn lưu động (working capital)

EBITDA cũng loại bỏ nguồn tiền mặt cần thiết để tài trợ vốn lưu động và thay thế thiết bị cũ. Ví dụ, công ty có thể bán một sản phẩm để thu lợi nhuận, nhưng họ đã sử dụng cái gì để có được hàng tồn kho cần thiết nhằm lấp đầy các kênh bán hàng của mình? Trong trường hợp là một công ty phần mềm, EBITDA không ghi nhận chi phí phát triển các phiên bản phần mềm hiện tại hoặc các sản phẩm sắp ra mắt.

 

Thay đổi điểm xuất phát

Mặc dù việc trừ các khoản thanh toán lãi vay, thuế và khấu hao khỏi thu nhập có vẻ đơn giản, nhưng các công ty khác nhau sử dụng các số liệu thu nhập khác nhau làm xuất phát điểm cho EBITDA. Nói cách khác, EBITDA dễ bị ảnh hưởng bởi các mánh khóe kế toán thu nhập được tìm thấy trên báo cáo thu nhập. Ngay cả khi chúng ta tính đến các sai lệch do lãi vay, thuế và khấu hao, thì số liệu về thu nhập trong EBITDA vẫn không đáng tin cậy.

 

Khiến Định giá công ty trở nên mơ hồ

Tệ nhất là EBITDA có thể khiến một công ty có vẻ rẻ hơn so với thực tế. Khi các nhà phân tích nhìn vào bội số giá cổ phiếu của EBITDA thay vì nhìn vào thu nhập ở dòng cuối cùng trên báo cáo, họ tạo ra các bội số thấp hơn.

 

Hãy xem xét ví dụ lịch sử của nhà mạng viễn thông không dây Sprint Nextel. Vào ngày 1 tháng 4 năm 2006, cổ phiếu được giao dịch ở mức gấp 7.3 lần EBITDA dự kiến. Điều này nghe có vẻ là một bội số thấp, nhưng không đồng nghĩa với việc công ty là một món hời. Như một bội số của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dự kiến, Sprint Nextel đã giao dịch ở mức cao hơn nhiều so với 20 lần. Công ty đã giao dịch ở mức gấp 48 lần thu nhập ròng ước tính.

 

Các nhà đầu tư cần xem xét các bội số giá khác ngoài EBITDA khi đánh giá giá trị của một công ty.

 

EBITDA so với EBT và EBIT

 

EBIT được đề cập ở trên (thu nhập trước lãi vay và thuế) là thu nhập ròng của công ty trước khi trừ chi phí thuế thu nhập và chi phí lãi vay. EBIT được sử dụng để phân tích hiệu suất các hoạt động cốt lõi của một công ty mà không tính đến chi phí thuế và chi phí của cấu trúc vốn ảnh hưởng đến lợi nhuận. Công thức sau được sử dụng để tính EBIT:

 

EBIT = Thu nhập ròng + Chi phí lãi vay + Chi phí thuế

 

Vì thu nhập ròng bao gồm các khoản khấu trừ chi phí lãi vay và chi phí thuế, nên chúng cần được cộng trở lại vào thu nhập ròng để tính EBIT. EBIT thường được gọi là thu nhập từ hoạt động kinh doanh vì cả hai đều không bao gồm thuế và chi phí lãi vay trong tính toán. Tuy nhiên, có những thời điểm thu nhập từ hoạt động kinh doanh có thể khác biệt so với EBIT.

 

Lợi nhuận trước thuế (EBT) phản ánh số lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thu được trước khi hạch toán thuế, trong khi đó EBIT không bao gồm cả thuế và lãi vay. EBT được tính bằng cách lấy thu nhập ròng và cộng thuế cho ra lợi nhuận của một công ty.

 

Bằng cách loại trừ các nghĩa vụ thuế, nhà đầu tư có thể sử dụng EBT để đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty sau khi loại bỏ một biến số nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. EBT và EBIT tương tự nhau và đều là các biến thể của EBITDA.

 

Vì khấu hao không được tính vào EBITDA, nên nó có thể dẫn đến sự biến dạng về lợi nhuận đối với các công ty sở hữu một lượng lớn tài sản cố định với chi phí khấu hao đáng kể. Chi phí khấu hao càng lớn thì EBITDA càng tăng.

 

EBITDA so với Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Operating cash flow)

 

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là thước đo chính xác hơn về lượng tiền mặt mà một công ty  tạo ra, bởi vì nó cộng thêm các khoản phí không bằng tiền mặt (non-cash charges) ví dụ như khấu hao (depreciation and amortization) vào thu nhập ròng và bao gồm những thay đổi trong vốn lưu động, vốn này cũng sử dụng hoặc cung cấp tiền mặt (chẳng hạn như thay đổi trong các khoản phải thu, các khoản phải trả và hàng tồn kho).

 

Các yếu tố về vốn lưu động này là chìa khóa để xác định lượng tiền mặt mà một công ty đang tạo ra. Nếu các nhà đầu tư không đưa những thay đổi về vốn lưu động vào phân tích mà chỉ dựa vào EBITDA, thì họ sẽ bỏ qua các manh mối cho thấy một công ty đang gặp khó khăn về dòng tiền vì không thu được các khoản phải thu của mình.

 

Ví dụ về EBITDA

 

Một công ty bán lẻ tạo ra 100 triệu USD doanh thu và gánh chịu 40 triệu USD chi phí sản xuất và 20 triệu USD chi phí hoạt động. Tổng chi phí khấu hao là 10 triệu USD, mang lại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là 30 triệu USD. Chi phí lãi vay là 5 triệu USD, bằng với thu nhập trước thuế là 25 triệu USD. Với thuế suất 20%, thu nhập ròng tương đương 20 triệu USD sau khi trừ 5 triệu USD tiền thuế vào thu nhập trước thuế. Nếu khấu hao, lãi vay và thuế được cộng trở lại thu nhập ròng, thì EBITDA bằng 40 triệu USD.

 

Thu nhập ròng20 triệu USD
Khấu hao+ 10 triệu USD
Chi phí lãi vay+ 5 triệu USD
Thuế+ 5 triệu USD
EBITDA40 triệu USD

 

Nhiều nhà đầu tư sử dụng EBITDA để so sánh giữa các công ty với cấu trúc vốn hoặc khu vực pháp lý thuế khác nhau. Giả sử rằng hai công ty đều có lợi nhuận trên cơ sở EBITDA, một so sánh như thế này có thể giúp các nhà đầu tư xác định một công ty đang phát triển nhanh hơn từ góc độ bán sản phẩm.

 

Ví dụ, hãy tưởng tượng hai công ty có cấu trúc vốn khác nhau nhưng cùng kinh doanh một lĩnh vực. Công ty A có EBITDA hiện tại là 20 triệu USD và Công ty B có EBITDA là 17.5 triệu USD. Một nhà phân tích đang đánh giá cả hai công ty để xác định công ty nào có giá trị hấp dẫn hơn.

 

Từ những thông tin được trình bày trước đó, có thể giả định rằng Công ty A giao dịch với tổng giá trị cao hơn Công ty B. Tuy nhiên, một khi chi phí hoạt động của khấu hao được cộng trở lại, cùng với chi phí lãi vay và thuế, thì mối quan hệ giữa hai công ty trở nên rõ ràng hơn.

 

Công ty ACông ty B
EBITDA20 triệu USD17.5 triệu USD
Khấu hao– 2 triệu USD– 2.5 triệu USD
Chi phí lãi vay– 8 triệu USD– 5 triệu USD
Thuế– 2 triệu USD– 2 triệu USD
Thu nhập ròng8 triệu USD8 triệu USD

 

Trong ví dụ này, cả hai công ty có cùng thu nhập ròng phần lớn bởi vì Công ty B có khoản chi phí lãi vay nhỏ hơn. Có một số kết luận khả thi giúp nhà phân tích tìm hiểu sâu hơn một chút về giá trị thực của hai công ty này:

  • Công ty B có thể vay nhiều hơn và làm tăng cả EBITDA lẫn thu nhập ròng không? Nếu công ty chưa sử dụng hết mức khả năng đi vay của mình, thì đây có thể là một nguồn tăng trưởng tiềm năng và giá trị.
  • Nếu cả hai công ty có số nợ như nhau, thì có lẽ Công ty A có xếp hạng tín dụng thấp hơn và phải trả lãi suất cao hơn. Điều này có thể chỉ ra rủi ro bổ sung so với Công ty B và giá trị thấp hơn.
  • Dựa trên số tiền khấu hao, Công ty B đang tạo ra EBITDA ít hơn với nhiều tài sản hơn Công ty A. Điều này có thể cho thấy đội ngũ quản lý kém hiệu quả và một vấn đề đối với sự định giá của Công ty B.

Những câu hỏi thường gặp

Cách tính thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA)?

Bạn có thể tính toán thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) bằng cách sử dụng thông tin từ báo cáo thu nhập, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng cân đối kế toán của công ty. Công thức như sau:

EBITDA = Thu nhập ròng + Lãi vay + Thuế + Khấu hao

Thế nào là một chỉ số EBITDA tốt?

EBITDA là thước đo hiệu quả tài chính và khả năng sinh lời của một công ty, vì vậy EBITDA tương đối cao rõ ràng là tốt hơn so với EBITDA thấp. Các công ty với quy mô khác nhau trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau thì có hiệu quả tài chính rất khác nhau. Do đó, cách tốt nhất để xác định liệu EBITDA của một công ty có tốt hay không là so sánh số liệu của nó với các công ty cùng ngành — các công ty có quy mô tương tự trong cùng ngành và lĩnh vực.

Khấu hao trong EBITDA là gì?

Vì có liên quan đến EBITDA, khấu hao (amortization) là một kỹ thuật kế toán được sử dụng để giảm định kỳ giá trị sổ sách của tài sản vô hình trong một khoảng thời gian nhất định. Khấu hao được báo cáo trên báo cáo tài chính của công ty. Ví dụ về tài sản vô hình bao gồm tài sản trí tuệ như bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu, hoặc lợi thế thương mại thu được từ các thành tựu trong quá khứ.

EBITDA có giống với lợi nhuận không?

EBITDA là thước đo lợi nhuận, nhưng lợi nhuận ròng cũng sẽ loại trừ lãi vay, thuế và khấu hao. Do đó, EBITDA là một đại diện chuẩn hơn về lợi nhuận gộp (gross profit) hơn là lợi nhuận ròng.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: