arrow-menu

Đòn bẩy là gì?

Đòn bẩy (leverage) là kết quả đến từ việc sử dụng vốn vay làm nguồn tài trợ khi đầu tư để mở rộng cơ sở tài sản của công ty và tạo ra lợi nhuận trên vốn rủi ro. Đòn bẩy là một chiến lược đầu tư sử dụng tiền đi vay để tăng lợi nhuận tiềm năng của một khoản đầu tư.

Đòn bẩy cũng có thể đề cập đến tổng số nợ mà một công ty sử dụng để cấp vốn cho tài sản.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp các ý chính cần nhớ

  • Đòn bẩy đề cập đến việc sử dụng nợ (vốn vay) để tăng lợi nhuận từ một khoản đầu tư hoặc dự án.
  • Các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để tăng sức mua theo bội số trên thị trường.
  • Các công ty sử dụng đòn bẩy để cấp vốn cho tài sản — thay vì phát hành cổ phiếu để huy động vốn, các công ty có thể sử dụng nợ để đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng giá trị của cổ đông.

 

Hiểu về đòn bẩy

 

Đòn bẩy là việc sử dụng nợ (vốn vay) để thực hiện một khoản đầu tư hoặc thực hiện một dự án. Kết quả là lợi nhuận tiềm năng từ một dự án tăng lên gấp bội. Đồng thời, đòn bẩy cũng sẽ tăng rủi ro sụt giá tiềm ẩn trong trường hợp khoản đầu tư không thành công. Khi người ta đề cập đến một công ty, tài sản hoặc khoản đầu tư là “có đòn bẩy cao”, nghĩa là nó có nhiều nợ hơn vốn chủ sở hữu.

 

Khái niệm đòn bẩy được sử dụng bởi cả các nhà đầu tư và các công ty. Các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để tăng đáng kể lợi nhuận từ một khoản đầu tư. Họ thúc đẩy các khoản đầu tư của mình bằng cách sử dụng các công cụ khác nhau, bao gồm quyền chọn (options), hợp đồng tương lai (futures) và tài khoản cho vay mua chứng khoán (margin accounts). Các công ty có thể sử dụng đòn bẩy để cấp vốn cho tài sản. Nói cách khác, thay vì phát hành cổ phiếu để huy động vốn, các công ty có thể sử dụng tài trợ bằng nợ để đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng giá trị của cổ đông.

 

Khi không thoải mái với đòn bẩy trực tiếp, các nhà đầu tư có nhiều cách khác nhau để tiếp cận đòn bẩy gián tiếp. Họ có thể đầu tư vào các công ty sử dụng đòn bẩy trong quá trình kinh doanh thông thường để cấp vốn hoặc mở rộng hoạt động — mà không làm tăng chi phí.

 

Quan trọng: Đòn bẩy khuếch đại lợi nhuận tiềm năng, giống như đòn bẩy vật lý được sử dụng để khuếch đại sức mạnh của một người khi di chuyển một vật nặng.

 

Cân nhắc đặc biệt

 

Thông qua phân tích bảng cân đối kế toán, các nhà đầu tư nghiên cứu nợ và vốn chủ sở hữu trên sổ sách của các công ty khác nhau, từ đó đầu tư vào các công ty đặt đòn bẩy hoạt động thay mặt cho doanh nghiệp của họ. Các số liệu thống kê như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng (ROCE) giúp các nhà đầu tư xác định cách công ty triển khai vốn và lượng vốn mà công ty đã vay.

 

Để đánh giá đúng các số liệu thống kê này, điều quan trọng cần lưu ý là đòn bẩy có nhiều loại, bao gồm đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính và đòn bẩy tổng hợp.

 

Phân tích cơ bản sử dụng tỷ lệ đòn bẩy hoạt động kinh doanh (Degree Of Operating Leverage – DOL). Người ta có thể tính toán tỷ lệ này bằng việc chia tỉ lệ phần trăm thay đổi của thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cho phần trăm thay đổi trong lợi nhuận trước thuế và lãi suất (EBIT) qua một thời kỳ.

 

Tương tự, người ta có thể tính toán tỷ lệ đòn bẩy hoạt động kinh doanh bằng cách chia EBIT của một công ty cho EBIT trừ đi chi phí lãi vay. Tỷ lệ đòn bẩy hoạt động kinh doanh cao hơn cho thấy mức độ biến động cao hơn trong EPS của công ty.

 

Phân tích DuPont sử dụng “hệ số nhân vốn chủ sở hữu” để đo lường đòn bẩy tài chính. Người ta có thể tính hệ số nhân vốn chủ sở hữu bằng cách chia tổng tài sản của một công ty cho tổng vốn chủ sở hữu của nó. Sau khi có kết quả, người ta nhân đòn bẩy tài chính với vòng quay tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận để tạo ra tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Ví dụ: nếu một công ty đại chúng có tổng tài sản trị giá 500 triệu đô la và vốn cổ đông trị giá 250 triệu đô la, thì hệ số nhân vốn chủ sở hữu là 2,0 (500 triệu đô la / 250 triệu đô la). Điều này cho một nửa tổng tài sản của công ty là vốn chủ sở hữu. Do đó, hệ số nhân vốn chủ sở hữu lớn hơn cho thấy đòn bẩy tài chính cao hơn.

 

Nếu bạn thấy khó khăn trong việc đọc bảng tính và thực hiện phân tích cơ bản, hãy thử mua quỹ tương hỗ hoặc quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sử dụng đòn bẩy tài chính. Bằng việc sử dụng những phương tiện này, bạn có thể ủy quyền việc nghiên cứu và quyết định đầu tư cho các chuyên gia.

 

Đòn bẩy so với Margin (Giao dịch ký quỹ hoặc vay ký quỹ)

 

Margin là một loại đòn bẩy tài chính đặc biệt liên quan đến việc sử dụng tiền mặt hoặc chứng khoán hiện có làm tài sản thế chấp để tăng sức mua của một nhà đầu tư trên thị trường tài chính. Margin cho phép nhà đầu tư vay tiền từ Công ty chứng khoán (nhà môi giới) với lãi suất cố định để mua chứng khoán, quyền chọn hoặc hợp đồng tương lai với dự đoán nhận được lợi nhuận cao về cơ bản.

 

Do đó, nhà đầu tư có thể sử dụng margin để tạo đòn bẩy, tăng sức mua của mình bằng số tiền có thể ký quỹ — ví dụ: nếu tài sản thế chấp cần thiết để mua chứng khoán trị giá 10.000 đô la là 1.000 đô la, bạn sẽ có tỷ lệ ký quỹ 1:10 (và đòn bẩy gấp 10 lần).

 

Nhược điểm của đòn bẩy

 

Đòn bẩy là phức tạp và có nhiều mặt. Lý thuyết nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng thực tế, việc sử dụng đòn bẩy tài chính có thể mang lại lợi nhuận cũng như thua lỗ. Đòn bẩy phóng đại cả lãi và lỗ. Nếu một nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính và khoản đầu tư không đi theo hướng mà nhà đầu tư mong đợi, thì khoản lỗ sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc không sử dụng đòn bẩy.

 

Vì lý do này, các nhà đầu tư mới vào nghề nên tránh sử dụng đòn bẩy cho đến khi có thêm kinh nghiệm. Trong thế giới kinh doanh, một công ty sử dụng đòn bẩy để tạo ra tài sản cho cổ đông, nhưng nếu thất bại, chi phí lãi vay và rủi ro vỡ nợ tín dụng sẽ phá hủy giá trị của cổ đông.

 

Ví dụ về đòn bẩy 

 

Một công ty được thành lập với khoản đầu tư 5 triệu đô la từ các nhà đầu tư, trong đó vốn chủ sở hữu trong công ty là 5 triệu đô la – đây là số tiền mà công ty có thể sử dụng để hoạt động. Nếu công ty sử dụng tài trợ bằng nợ với 20 triệu đô la, thì bây giờ công ty có 25 triệu đô la để đầu tư vào hoạt động kinh doanh và có thêm cơ hội tăng giá trị cho các cổ đông.

 

Ví dụ, một nhà sản xuất ô tô có thể vay tiền để xây dựng một nhà máy mới. Nhà máy mới sẽ cho phép nhà sản xuất tăng số lượng ô tô được sản xuất và tăng lợi nhuận.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: