arrow-menu

Đại suy thoái là gì?

Đại suy thoái (Great Recession) là sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế vào cuối những năm 2000. Đây được coi là đợt suy thoái lớn nhất kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression). Thuật ngữ “Đại suy thoái” áp dụng cho cả cuộc suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ, chính thức kéo dài từ tháng 12 năm 2007 đến tháng 6 năm 2009 và cuộc suy thoái toàn cầu tiếp đó vào năm 2009.

Sự suy thoái kinh tế bắt đầu khi thị trường nhà đất Hoa Kỳ đi từ bùng nổ đến sụp đổ, và một lượng lớn chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (mortgage-backed securities – MBS) và các công cụ phái sinh mất giá trị đáng kể.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Đại suy thoái đề cập đến cuộc suy thoái kinh tế từ năm 2007 đến năm 2009 sau khi bong bóng nhà đất ở Hoa Kỳ vỡ và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
  • Đại suy thoái là cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất ở Hoa Kỳ kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.
  • Để đối phó với cuộc Đại suy thoái, các chính sách điều tiết, chính sách tiền tệ và tài khóa chưa từng có trong lịch sử đã được các cơ quan liên bang tung ra, một vài trong số chúng ghi nhận sự phục hồi sau đó.

 

Tìm hiểu về Đại suy thoái

 

Thuật ngữ “Great Recession” (Đại suy thoái) là cách chơi chữ của thuật ngữ “Great Depression” (Đại khủng hoảng). Một cuộc khủng hoảng chính thức xảy ra trong những năm 1930 và làm cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm hơn 10% và tỷ lệ thất nghiệp có thời điểm lên tới 25%.

 

Mặc dù không có tiêu chí rõ ràng nào để phân biệt một cuộc khủng hoảng kinh tế với một cuộc suy thoái nghiêm trọng, nhưng các nhà kinh tế gần như đồng thuận rằng cuộc suy thoái cuối những năm 2000 không phải là một cuộc khủng hoảng. Trong thời kỳ Đại suy thoái, GDP của Hoa Kỳ đã giảm 0.3% trong năm 2008 và 2.8% vào năm 2009, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 10% trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chắc chắn rằng sự kiện này là đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong những năm qua.

 

Nguyên nhân của cuộc Đại suy thoái

 

Theo một báo cáo năm 2011 của Ủy ban Điều tra Khủng hoảng Tài chính (Financial Crisis Inquiry Commission), cuộc Đại suy thoái là điều có thể tránh được. Những người được bổ nhiệm, bao gồm 6 thành viên Đảng Dân chủ và 4 thành viên Đảng Cộng hòa, đã trích dẫn một số yếu tố góp phần chính mà họ cho rằng đã dẫn đến cuộc suy thoái.

 

Đầu tiên, báo cáo xác định sự thất bại của chính phủ trong việc điều tiết ngành tài chính. Sự thất bại này bao gồm việc Cục dự trữ liên bang không có khả năng hạn chế hoạt động cho vay thế chấp độc hại.

 

Tiếp theo, có quá nhiều công ty tài chính chấp nhận rủi ro quá lớn. Khi hệ thống ngân hàng bóng tối (Shadow banking system) bao gồm các công ty đầu tư, đã phát triển để sánh ngang với hệ thống ngân hàng lưu ký nhưng không chịu sự giám sát hoặc tuân theo các quy định tương tự. Khi hệ thống ngân hàng bóng tối sụp đổ, kết quả sẽ ảnh hưởng tới dòng tín dụng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

 

Các nguyên nhân khác được xác định trong báo cáo bao gồm việc người tiêu dùng và các tập đoàn vay quá nhiều vốn, và nhà lập pháp không thể hiểu hết về hệ thống tài chính đang sụp đổ. Điều này đã tạo ra các bong bóng tài sản, đặc biệt là trên thị trường nhà đất khi các khoản thế chấp được mở rộng với lãi suất thấp cho những người đi vay không đủ tiêu chuẩn và không có khả năng trả nợ. Điều này khiến giá nhà đất giảm và làm cho nhiều chủ nhà khác rơi vào tình thế khó khăn. Điều này tác động nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS) do các ngân hàng và các tổ chức đầu tư khác nắm giữ.

 

Nguồn gốc và hệ quả

 

Trong bối cảnh bong bóng Dotcom năm 2001 và cuộc suy thoái tiếp đó, cùng với cuộc khủng bố tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã đẩy lãi suất xuống mức thấp nhất cho đến thời điểm đó trong thời kỳ hậu Bretton Woods với nỗ lực duy trì sự ổn định kinh tế. Fed đã giữ lãi suất thấp cho đến giữa năm 2004.

 

Kết hợp với chính sách liên bang nhằm khuyến khích quyền sở hữu nhà, lãi suất thấp này đã giúp tạo ra một sự bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường tài chính và bất động sản, và sự tăng lên đáng kể của tổng số nợ thế chấp. Những đổi mới tài chính như các khoản thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgages) và các khoản thế chấp với lãi suất điều chỉnh (adjustable mortgages) cho phép những người đi vay (những người đáng lẽ không đủ tiêu chuẩn vay) có được các khoản vay mua nhà hào phóng dựa trên kỳ vọng rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp và giá nhà sẽ tiếp tục tăng vô thời hạn.

 

Tuy nhiên, từ năm 2004 đến năm 2006, Cục Dự trữ Liên bang đều đặn tăng lãi suất nhằm cố gắng duy trì tỷ lệ lạm phát ổn định trong nền kinh tế. Vì lãi suất thị trường tăng lên, dòng tín dụng mới thông qua các kênh ngân hàng truyền thống vào bất động sản giảm dần. Có lẽ nghiêm trọng hơn là lãi suất đối với các khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh và thậm chí các khoản vay kỳ lạ (exotic loans) hiện có đã bắt đầu điều chỉnh ở mức cao hơn rất nhiều so với lãi suất dự kiến của người đi vay. Kết quả là sự vỡ bong bóng nhà đất (housing bubble).

 

Trong thời kỳ bùng nổ nhà đất của Mỹ vào giữa những năm 2000, các tổ chức tài chính đã bắt đầu tiếp thị chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp và các sản phẩm phái sinh phức tạp ở mức độ chưa từng có trong lịch sử. Khi thị trường bất động sản sụp đổ vào năm 2007, các chứng khoán này đã sụt giảm nghiêm trọng về giá trị. Các thị trường tín dụng đã tài trợ cho bong bóng nhà đất, nhanh chóng kéo theo giá nhà đất lao dốc khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu xảy ra vào năm 2007. Khả năng thanh toán của các tổ chức tài chính và ngân hàng có sử dụng đòn bẩy đã đi đến điểm mất kiểm soát, bắt đầu bằng sự sụp đổ của Bear Stearns vào tháng 3 năm 2008.

 

Sự sụp đổ lên đến đỉnh điểm vào cuối năm đó với sự phá sản của Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Hoa Kỳ, vào tháng 9 năm 2008. Ảnh hưởng xấu nhanh chóng lan sang các nền kinh tế khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, do hậu quả của cuộc Đại suy thoái, chỉ riêng Hoa Kỳ đã mất hơn 8.7 triệu việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi. Hơn nữa, các hộ gia đình Mỹ mất khoảng 19 nghìn tỷ USD giá trị ròng do thị trường chứng khoán lao dốc, theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Ngày kết thúc chính thức của Đại suy thoái là tháng 6 năm 2009.

 

Lưu ý: Đạo luật Dodd-Frank do Tổng thống Barack Obama ban hành vào năm 2010 đã cho phép chính phủ kiểm soát các tổ chức tài chính thất bại và khả năng thiết lập các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng chống lại việc cho vay nặng lãi.

 

Ứng phó với cuộc Đại suy thoái

 

Các chính sách tiền tệ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương nhằm đối phó với cuộc Đại suy thoái, mặc dù được công nhận rộng rãi là ngăn chặn thiệt hại nặng nề hơn đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng đã bị chỉ trích vì kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế tổng thể và đặt nền móng cho những cuộc suy thoái sau này.

 

Chính sách tiền tệ và tài khóa (Monetary and Fiscal Policy)

Ví dụ, Fed đã hạ lãi suất chủ yếu xuống gần 0 để thúc đẩy tính thanh khoản và trong một động thái chưa từng có tiền lệ, cung cấp cho các ngân hàng khoản vay khẩn cấp đáng kinh ngạc 7.7 nghìn tỷ USD trong một chính sách được gọi là nới lỏng định lượng (quantitative easing – QE). Chính sách tiền tệ với quy mô lớn này theo một số cách tương ứng với sự giảm gấp đôi việc mở rộng tiền tệ vào đầu năm 2000 đã thúc đẩy bong bóng nhà đất ngay từ đầu.

 

Cùng với sự gia tăng thanh khoản bởi Fed, chính phủ Liên bang Hoa Kỳ đã bắt tay vào một chương trình lớn về chính sách tài khóa để cố gắng kích thích nền kinh tế dưới hình thức chi tiêu thâm hụt 787 tỷ đô la theo Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư của Hoa Kỳ, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội. Các chính sách tài khóa và tiền tệ này có tác dụng giảm bớt những tổn thất tức thời cho các tổ chức tài chính lớn và các tập đoàn lớn, nhưng bằng việc ngăn chặn phá sản cũng khiến nền kinh tế bị giam giữ trong cùng một cơ cấu tổ chức và kinh tế góp phần gây ra khủng hoảng.

 

Đạo luật Dodd-Frank

Chính phủ không chỉ đưa ra các gói kích thích vào hệ thống tài chính, mà các quy định tài chính mới cũng được đưa ra. Theo một số nhà kinh tế, việc bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall – quy định trong thời kỳ khủng hoảng – vào những năm 1990 đã góp phần gây ra suy thoái. Việc bãi bỏ quy định cho phép một số ngân hàng lớn của Hoa Kỳ hợp nhất và hình thành các tổ chức lớn hơn. Năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã ký Đạo luật Dodd-Frank để chính phủ mở rộng quyền quản lý đối với lĩnh vực tài chính.

 

Đạo luật cho phép chính phủ nắm một số quyền kiểm soát đối với các tổ chức tài chính được coi là sắp thất bại và giúp đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng chống lại hoạt động cho vay nặng lãi.

 

Tuy nhiên, những người chỉ trích Dodd-Frank nhận thấy rằng các tổ chức và các ông lớn trong lĩnh vực tài chính đã tích cực thúc đẩy và kiếm lời từ việc cho vay nặng lãi và các hoạt động liên quan trong thời kỳ bong bóng tài chính và bong bóng nhà đất, những người này cũng can thiệp sâu vào việc soạn thảo luật mới và các cơ quan chính quyền Obama được giao nhiệm vụ thực thi luật mới.

 

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ đã chi 787 tỷ USD trong chi tiêu thâm hụt với nỗ lực kích thích nền kinh tế trong thời kỳ Đại suy thoái theo Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư của Hoa Kỳ.

 

Phục hồi sau Đại suy thoái

 

Sau những chính sách này (mặc dù có người không đồng tình), nền kinh tế dần dần phục hồi. GDP thực tế chạm đáy vào quý 2 năm 2009 và lấy lại mức đỉnh trước suy thoái vào quý 2 năm 2011, ba năm rưỡi sau cuộc tấn công chính thức của Đại suy thoái. Thị trường tài chính phục hồi khi tính thanh khoản trước hết tràn qua Phố Wall.

 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA), đã mất hơn một nửa giá trị so với mức đỉnh tháng 8 năm 2007, bắt đầu phục hồi vào tháng 3 năm 2009 và 4 năm sau đó, vào tháng 3 năm 2013, đã phá vỡ mức cao nhất của năm 2007. Đối với người lao động và hộ gia đình, bức tranh tài chính kém tươi sáng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5% vào cuối năm 2007, đạt mức cao nhất là 10% vào tháng 10 năm 2009, và không phục hồi lên trên mức 5% cho đến năm 2015, gần 8 năm sau khi bắt đầu suy thoái. Thu nhập hộ gia đình trung bình thực tế không vượt qua mức trước suy thoái cho đến năm 2016.

 

Những người chỉ trích chính sách ứng phó và cách nó định hình sự phục hồi cho rằng làn sóng thanh khoản và chi tiêu thâm hụt đã nỗ lực hỗ trợ các tổ chức tài chính liên kết chính trị và các doanh nghiệp lớn với tổn thất gây ra cho dân thường, và thực sự có thể đã trì hoãn sự phục hồi bằng việc ràng buộc các nguồn lực kinh tế thực tế trong các ngành và các hoạt động xứng đáng bị thất bại và chứng kiến tài sản, nguồn lực của mình được giao cho chủ sở hữu mới, những người có thể sử dụng chúng để tạo ra các doanh nghiệp và việc làm mới.

Những câu hỏi thường gặp

Cuộc Đại Suy thoái kéo dài trong bao lâu?

Theo dữ liệu chính thức của Cục Dự trữ Liên bang, cuộc Đại suy thoái kéo dài 18 tháng, từ tháng 12 năm 2007 đến tháng 6 năm 2009.

Đã có những cuộc suy thoái nào kể từ sau cuộc Đại suy thoái?

Không chính thức. Trong khi nền kinh tế bị ảnh hưởng và thị trường sụt giảm sau sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 toàn cầu vào đầu năm 2020, các nỗ lực kích thích đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái toàn diện ở Hoa Kỳ, tuy nhiên một số nhà kinh tế lo ngại rằng một cuộc suy thoái vẫn có thể xảy ra vào giữa năm 2022.

Mức độ sụp đổ của Thị trường Chứng khoán trong cuộc Đại suy thoái?

Vào ngày 9 tháng 10 năm 2007, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đạt mức cao nhất trước suy thoái và đóng cửa ở mức 14164.53. Đến ngày 5 tháng 3 năm 2009, chỉ số này đã giảm hơn 50% xuống còn 6594.44.

 

Vào ngày 29 tháng 9 năm 2008. Chỉ số Dow Jones đã giảm gần 778 điểm trong ngày. Cho đến khi thị trường lao dốc vào tháng 3 năm 2020 lúc bắt đầu đại dịch COVID-19, đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: