arrow-menu

Tỷ suất lợi nhuận đầu tư (chỉ số ROI) là gì?

Tỷ suất lợi nhuận đầu tư (chỉ số ROI – Return On Investment) là một thước đo hiệu suất/khả năng sinh lời của một khoản đầu tư hoặc so sánh hiệu quả của các khoản đầu tư khác nhau. Chỉ số ROI đo lường trực tiếp số lợi nhuận từ một khoản đầu tư cụ thể so với chi phí đầu tư.

Để tính toán chỉ số ROI, lấy lợi nhuận (hoặc lợi tức) của một khoản đầu tư chia cho chi phí đầu tư.  Kết quả được biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Ý chính cần nhớ

  • Tỷ suất lợi nhuận đầu tư (chỉ số ROI) là một thước đo khả năng sinh lời phổ biến được sử dụng để đánh giá mức độ hiệu quả của một khoản đầu tư.
  • Chỉ số ROI được biểu thị dưới dạng phần trăm và được tính bằng cách chia lợi nhuận ròng (hoặc lỗ) của một khoản đầu tư cho tổng chi phí đầu tư ban đầu hoặc tổng chi phí của nó.
  • Chỉ số ROI có thể được sử dụng để tạo ra một sự so sánh hợp lý và xếp hạng các khoản đầu tư trong các tài sản hoặc dự án khác nhau.
  • Chỉ số ROI của một dự án không tính đến yếu tố thời gian, và do đó chỉ số ROI không tính tới chi phí cơ hội khi số tiền đó được sử dụng đầu tư ở dự án khác.

 

Cách tính ROI

 

Công thức tỷ suất lợi nhuận đầu tư (ROI) như sau:

ROI = (Giá trị hiện tại của khoản đầu tư – Chi phí đầu tư)/ Chi phí đầu tư

 

“Giá trị hiện tại của khoản đầu tư” đề cập đến số tiền thu được từ việc bán khoản đầu tư có lãi. Vì chỉ số ROI được đo dưới dạng phần trăm nên có thể dễ dàng so sánh với lợi nhuận đến từ các khoản đầu tư khác, cho phép người ta đo lường nhiều loại đầu tư khác nhau.

 

Hiểu về chỉ số ROI

 

Chỉ số ROI là một thông số phổ biến vì tính linh hoạt và đơn giản của nó. Về cơ bản, chỉ số ROI có thể được sử dụng như một thước đo “thô sơ” về khả năng sinh lời của một khoản đầu tư, có thể áp dụng cho một khoản đầu tư cổ phiếu, một kế hoạch đầu tư của công ty khi mở rộng nhà máy hoặc trong một giao dịch bất động sản.

 

Bản thân phép tính này không quá phức tạp và nhiều ứng dụng của nó cũng tương đối dễ hiểu. Nếu chỉ số ROI của một khoản đầu tư là dương, thì khoản đầu tư đó có thể là đáng giá. Nhưng nếu có các cơ hội đầu tư khác với chỉ số ROI cao hơn, thì những tín hiệu này có thể giúp nhà đầu tư quyết định được phương án tốt nhất. Tương tự như vậy, các nhà đầu tư nên tránh chỉ số ROI âm, nghĩa là lỗ ròng.

 

Ví dụ: Giả sử Khang đã đầu tư 10 000 000 VNĐ vào cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MBB) năm 2017 và bán cổ phiếu với tổng giá trị 12 000 000 VNĐ  một năm sau đó. Để tính lợi tức (ROI) của khoản đầu tư này, hãy chia lợi nhuận ròng (12 000 000 VNĐ – 10 000 000 VNĐ = 2 000 000 VNĐ) cho chi phí đầu tư (10 000 000 VNĐ), được chỉ số ROI là 2 000 000 VNĐ/ 10 000 000 VNĐ bằng 20%.

 

Với thông tin này, chúng ta có thể so sánh khoản đầu tư vào Ngân hàng Quân đội với bất kỳ dự án nào khác. Giả sử Khanh cũng đầu tư 20 000 000 VNĐ vào Tập đoàn Vingroup (VIC) vào năm 2014 và bán cổ phiếu với tổng giá trị 28 000 000 VNĐ vào năm 2017.  Chỉ số ROI cho số cổ phần của Khang trong Vingroup sẽ là 8 000 000 VNĐ / 20 000 000 VNĐ bằng 40%.

 

Ưu điểm của chỉ số ROI

 

ROI là chỉ số giúp cho nhà đầu tư có thể nhận diện được sự quan trọng của một số chiến dịch, kế hoạch cụ thể của một doanh nghiệp sau một giai đoạn tiến hành và triển khai thành công như thế nào. Từ đó nhà đầu tư có thể biết được việc sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp đó đã đạt hiệu quả ra sao sau một thời gian hoạt động.

 

Đối với việc đầu tư ngắn hạn, ROI có thể giúp cho nhà đầu tư có thêm cơ sở để biết được doanh nghiệp đó đang hoạt động có hiệu suất hay không. ROI giúp cho nhà đầu tư có cách nhìn tổng quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở một thời kỳ nhất định. Dễ dàng so sánh giữa các danh mục đầu tư của mình. Cách tính đơn giản, nhanh chóng đưa ra được một vài nhận định cơ bản.

Không những là dành cho các nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp mà mình đang có ý định đầu tư. Chỉ số ROI còn là yếu tố giúp cho chính doanh nghiệp đó có thể xác định được khả năng sinh lời trong một số chi phí mà mình phải bỏ ra.

 

Vì thế, một công ty trước khi đầu tư vào các máy móc, có thể tính được ROI về công suất hoạt động của chúng có thể mang lại lợi nhuận như thế nào. Bên cạnh đó chỉ số ROI tốt cũng có thể đánh giá được việc tiếp thị, quảng bá của công ty có đạt được thành quả về lợi nhuận như mong muốn hay không?

 

Hạn chế của ROI

 

Trong ví dụ như của Khang (ở trên) cho thấy một số hạn chế của việc sử dụng chỉ số ROI, đặc biệt là khi so sánh các khoản đầu tư – đó chính là ROI không tính toán về sự khác nhau về thời gian đầu tư. Trong khi chỉ số ROI của khoản đầu tư thứ hai của Khang cao gấp đôi so với chỉ số này ở khoản đầu tư thứ nhất, tuy nhiên thời gian từ khi mua đến khi bán của Khang là một năm đối với khoản đầu tư thứ nhất, nhưng là ba năm đối với khoản đầu tư thứ hai.

 

Khang có thể điều chỉnh chỉ số ROI của khoản đầu tư nhiều năm cho phù hợp. Vì tổng chỉ số ROI là 40%, để có được chỉ số ROI trung bình hàng năm, Khang có thể lấy 40% chia cho 3 để thu được 13,33%/năm. Với sự điều chỉnh này, có vẻ như mặc dù khoản đầu tư thứ hai của Khang kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, nhưng khoản đầu tư thứ nhất mới thực sự là lựa chọn hiệu quả hơn.

 

Chỉ số ROI có thể được sử dụng kết hợp cùng với chỉ số RoR – Rate of Return. Chỉ số RoR có tính đến khung thời gian của dự án. Nhà đầu tư cũng có thể sử dụng Giá Trị Hiện Tại Ròng (Net Present Value – NPV) để tính toán thêm sự khác biệt về giá trị của tiền theo thời gian, do lạm phát. Việc áp dụng NPV khi tính toán RoR thường được gọi là tỷ suất lợi nhuận thực (Real Rate Of Return).

 

Sự phát triển về chỉ số ROI

 

Gần đây, một số nhà đầu tư và doanh nghiệp đã quan tâm đến việc phát triển một dạng mới của chỉ số ROI, được gọi là “tỷ suất sinh lợi đầu tư xã hội” (Social Return On Investment – SROI). Chỉ số SROI ban đầu được phát triển vào cuối những năm 1990 và có tính đến các tác động rộng hơn của dự án/khoản đầu tư như tới xã hội và môi trường hiện – cái mà không được phản ánh trong các tính toán tài chính thông thường.

 

Chỉ số SROI giúp hiểu rõ các lợi ích đem lại cho các tiêu chí xã hội, môi trường và quản trị (environmental social and governance – ESG) được sử dụng trong Đầu tư có trách nhiệm xã hội (Socially Responsible Investing – SRI ). Ví dụ, một công ty quyết định tái chế nước trong các nhà máy của mình và thay thế hệ thống chiếu sáng bằng các bóng đèn LED. Công cuộc này làm tăng chi phí tức thì, có thể tác động tiêu cực đến chỉ số ROI truyền thống — tuy nhiên, lợi ích ròng cho xã hội và môi trường có thể dẫn đến chỉ số SROI dương.

 

Có một số biến thể mới khác của chỉ số ROI đã được phát triển với các mục đích cụ thể. Chỉ số ROI trong trên social media xác định hiệu quả của các chiến dịch truyền thông xã hội — ví dụ: số lượng nhấp chuột hoặc lượt thích được tạo ra trên một đơn vị nỗ lực. Tương tự, chỉ số ROI trong thống kê marketing chỉ ra lợi nhuận thu được từ các chiến dịch quảng cáo hoặc tiếp thị.

 

Chỉ số ROI trong học tập liên quan đến lượng thông tin học được và giữ lại như một lợi nhuận về giáo dục hoặc đào tạo kỹ năng. Khi thế giới phát triển và nền kinh tế thay đổi, một số hình thức chỉ số ROI thích hợp khác chắc chắn sẽ được phát triển trong tương lai.

Những câu hỏi thường gặp

Làm thế nào để bạn tính được tỷ suất lợi nhuận đầu tư (chỉ số ROI)?

Tỷ suất lợi nhuận đầu tư (chỉ số ROI) được tính bằng cách chia lợi nhuận thu được từ một khoản đầu tư cho chi phí của khoản đầu tư đó. Mặc dù ROI là một cách nhanh chóng và dễ dàng để ước tính sự thành công của một khoản đầu tư, nhưng nó có một số hạn chế quan trọng như: không phản ánh giá trị của tiền theo thời gian (Time Value of Money) và có thể khó so sánh một cách có ý nghĩa các chỉ số ROI vì sự khác nhau về thời gian giữa các khoản đầu tư. Vì lý do này, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có xu hướng sử dụng các thước đo khác, chẳng hạn như Giá Hiện Tại Ròng (NPV) hoặc tỷ suất hoàn vốn nội bộ (Internal RR) hoặc tỷ suất lợi nhuận thực (Real Rate Of Return).

Chỉ số ROI tốt là gì?

Các điều kiện để được xem là chỉ số ROI “tốt” sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư và thời gian cần thiết để khoản đầu tư tạo ra lợi nhuận. Tất cả các yếu tố khác đều như nhau, nhà đầu tư sợ rủi ro hơn có thể sẽ chấp nhận chỉ số ROI thấp hơn để đổi lấy việc chấp nhận ít rủi ro hơn. Tương tự như vậy, các khoản đầu tư mất nhiều thời gian hơn để thu hồi vốn nhìn chung sẽ yêu cầu chỉ số ROI cao hơn để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Những ngành nào có chỉ số ROI cao nhất?

Theo thời gian, chỉ số ROI trung bình của một ngành thay đổi là điều bình thường do các yếu tố như khi cạnh tranh gia tăng, thay đổi công nghệ và thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Ví dụ tại thị trường Mỹ, chỉ số ROI trung bình cho S&P 500 là khoảng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, trong phạm vi đó, có thể có sự thay đổi đáng kể tùy thuộc vào lĩnh vực. Trong năm 2020, nhiều công ty công nghệ đã tạo ra lợi nhuận hàng năm cao hơn ngưỡng 10% này. Trong khi đó, các công ty trong các ngành khác, chẳng hạn như công ty năng lượng và tiện ích, tạo ra chỉ số ROI thấp hơn nhiều và trong một số công ty phải đối mặt với việc thua lỗ so với cùng kỳ qua các năm.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: