arrow-menu

Hệ số Beta là gì?

Hệ số Beta là hệ số đo lường độ mức độ biến động hay còn gọi là rủi ro hệ thống của một mã chứng khoán hoặc danh mục đầu tư so với toàn bộ thị trường chung. Hệ số Beta được ứng dụng trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM), để mô tả mối quan hệ giữa rủi ro hệ thống và tỷ suất sinh lời của tài sản (thường là cổ phiếu). Mô hình CAPM được sử dụng rộng rãi như một phương pháp để định giá về độ rủi ro của các mã chứng khoán và để ước tính về lợi nhuận kì vọng của tài sản, kết hợp trong việc cân nhắc rủi ro đó cũng như giá vốn của tài sản đó.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Trong thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư thường sẽ dựa vào những biến động của thị trường (Chỉ số VN-Index) để có thể đưa ra những dự đoán về giá trị của cổ phiếu trong tương lai. Do đó hệ số Beta góp phần quan trọng trong việc thay đổi các kế hoạch và chiến lược trong danh mục đầu tư của họ.

 

Ý chính cần nắm về hệ số Beta

 

  • Hệ số Beta là hệ số được sử dụng chủ yếu trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) để đo lường về mức độ biến động hay còn gọi là rủi ro hệ thống của một mã chứng khoán hoặc danh mục đầu tư so với toàn bộ thị trường chung. 
  • Dữ liệu Beta về một cổ phiếu riêng lẻ chỉ có thể cung cấp cho nhà đầu tư con số ước tính về mức độ rủi ro của cổ phiếu khi thêm vào một danh mục đầu tư.
  • Để có thể sử dụng hệ số Beta một cách tối ưu, cổ phiếu phải có liên quan đến điểm chuẩn được sử dụng trong tính toán.
  • Khi biết được một hệ số nhất định của Beta, nhà đầu tư từ đó có thể so sánh được mức độ biến động của một loại cổ phiếu nhất định.

 

Tìm hiểu về hệ số Beta

 

Hệ số Beta được sử dụng như thế nào?

Hệ số Beta có thể đo lường sự biến động của một cổ phiếu riêng lẻ so với rủi ro mang tính hệ thống của toàn bộ thị trường. Theo thuật ngữ thống kê, hệ số Beta đại diện cho độ dốc của đường thông qua hồi quy các điểm dữ liệu. Trong tài chính, mỗi điểm dữ liệu này đại diện cho lợi nhuận của một cổ phiếu riêng lẻ so với thị trường chung.

 

Hệ số Beta mô tả một cách hiệu quả về khả năng sinh lời của một mã chứng khoán khi nó phản ứng với những biến động của thị trường. Hệ số Beta của một mã chứng khoán sẽ được tính toán bằng cách chia hiệp phương sai lợi tức chứng khoán và lợi tức thị trường cho phương sai lợi tức thị trường chung trong một khoảng thời gian cụ thể.

 

Công thức tính hệ số Beta:

Beta (β) = Covariance (Re,Rm) / Variance (Rm)

 

Trong đó:

Re = Lợi tức của cổ phiếu riêng lẻ

Rm = Lợi tức của thị trường chung

Covariance = Tác động của sự thay đổi lợi nhuận cổ phiếu đến sự thay đổi lợi nhuận thị trường

Variance = Khoảng cách các điểm dữ liệu của thị trường trải ra so với giá chung bình của chúng

 

Việc tính toán hệ số Beta sẽ giúp các nhà đầu tư nắm được rằng liệu cổ phiếu có di chuyển theo cùng hướng với phần còn lại của thị trường hay không. Nó cũng cung cấp thông tin chi tiết về mức biến động hay còn gọi là độ rủi ro của một cổ phiếu so với phần còn lại của thị trường. Để hệ số Beta cung cấp những thông tin hữu ích về một cổ phiếu, thị trường cần sử dụng điểm chuẩn liên quan đến chính cổ phiếu đó. Ví dụ, tính toán hệ số Beta của trái phiếu ETF bằng cách sử dụng S&P 500 làm điểm chuẩn sẽ không cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho nhà đầu tư bởi vì tính chất của cổ phiếu và trái phiếu là hoàn toàn khác nhau. 

 

Một nhà đầu tư thường sử dụng hệ số Beta để đánh giá mức độ rủi ro khi thêm cổ phiếu vào danh mục đầu tư. Mặc dù việc cổ phiếu chênh lệch rất ít so với thị trường không tạo ra nhiều rủi ro cho danh mục đầu tư, nhưng nó cũng sẽ không làm tăng tiềm năng về việc thu lợi tức.

 

Để đảm bảo rằng một cổ phiếu cụ thể đang được so sánh với một điểm phù hợp, cổ phiếu đó phải có giá trị R2 cao hơn so với điểm chuẩn. R2 là một thước đo thống kê biểu thị phần trăm biến động giá lịch sử của một mã chứng khoán được giải thích bằng các chuyển động trong chỉ số chuẩn. Khi sử dụng Beta để xác định rủi ro hệ thống, một mã chứng khoán có giá trị R2 cao và liên quan đến điểm chuẩn của nó, có thể chỉ ra một điểm chuẩn phù hợp hơn. 

 

Ví dụ: một quỹ giao dịch trao đổi vàng (ETF), như SPDR Gold Shares (GLD), được gắn với hiệu suất của vàng thỏi. Do đó, một ETF vàng sẽ có mối quan hệ thấp giữa beta và R2 so với S&P 500.

 

Nhà đầu tư chứng khoán có thể chia rủi ro làm hai loại. Loại đầu tiên được gọi là rủi ro hệ thống, là rủi ro khi toàn bộ thị trường suy giảm. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là ví dụ điển hình về một sự kiện rủi ro có hệ thống; việc đa dạng hóa các cổ phiếu không thể giúp các nhà đầu tư trong việc ngăn cản sự mất giá trong danh mục đầu tư của họ. Rủi ro có hệ thống còn được gọi là rủi ro không thể đa dạng hóa.

 

Thứ 2 là rủi ro phi hệ thống, hay còn gọi là rủi ro đa dạng, là sự không chắc chắn liên quan đến một cổ phiếu hoặc ngành riêng lẻ. Ví dụ, thông báo bất ngờ rằng công ty Lumber Liquidators (LL) đã bán sàn gỗ cứng có hàm lượng formaldehyde nguy hiểm vào năm 2015 là một ví dụ về rủi ro phi hệ thống. Đó là rủi ro dành riêng cho công ty đó. Rủi ro phi hệ thống có thể được giảm thiểu một phần thông qua việc đa dạng hóa.

 

Các loại giá trị của hệ số Beta

 

  • Hệ số Beta có giá trị bằng 1 – Một cổ phiếu có giá trị hệ số Beta bằng 1 nghĩa là biến động giá của cổ phiếu đó có tương quan chặt chẽ với thị trường và tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, tính toán hệ số Beta không thể phát hiện bất kỳ rủi ro phi hệ thống nào. Việc thêm cổ phiếu vào danh mục đầu tư có hệ số Beta bằng 1 không gây thêm bất kỳ rủi ro nào cho danh mục đầu tư, nhưng cũng không làm tăng khả năng danh mục đầu tư mang lại lợi nhuận vượt mức.

 

  • Hệ số Beta có giá trị nhỏ hơn 1 – Giá trị beta nhỏ hơn 1 phản ánh việc chứng khoán về mặt lý thuyết ít biến động hơn thị trường. Đưa cổ phiếu này vào danh mục đầu tư sẽ giảm thiểu rủi ro so với cùng một danh mục đầu tư không có loại cổ phiếu đó. Ví dụ, các cổ phiếu tiện ích thường có Beta thấp vì chúng có xu hướng di chuyển chậm hơn so với mức trung bình của thị trường.

 

  • Hệ số Beta có giá trị lớn hơn 1 – Giá trị hệ số Beta lớn hơn 1 cho thấy rằng giá của chứng khoán về mặt lý thuyết sẽ biến động nhiều hơn so với thị trường. Ví dụ: Hệ số Beta của một cổ phiếu là 1,2 sẽ được giả định là dễ mất giá hơn 20% so với thị trường. Cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu vốn hóa nhỏ có xu hướng có mức Beta cao hơn điểm chuẩn của thị trường. Điều này cho thấy rằng việc thêm cổ phiếu vào danh mục đầu tư sẽ làm tăng rủi ro cho danh mục đó, nhưng cũng đồng thời có thể làm tăng lợi tức kỳ vọng của doanh mục.

 

  • Hệ số Beta có giá trị âm – Một số cổ phiếu có thể có hệ số Beta mang giá trị âm. Hệ số beta bằng -1 có nghĩa là cổ phiếu có tương quan nghịch với điểm chuẩn thị trường. Cổ phiếu này có thể được coi là một hình ảnh phản chiếu đối lập với xu hướng của điểm chuẩn. Quyền chọn mua và ETF nghịch đảo được thiết kế để có hệ số Beta âm. Ngoài ra còn có một số nhóm ngành, chẳng hạn như thợ đào vàng, nơi mà hệ số Beta âm cũng phổ biến.

 

Hệ số Beta trong lý thuyết và thực tế

 

Lý thuyết hệ số Beta giả định rằng lợi nhuận cổ phiếu được phân phối ổn định theo quan điểm thống kê. Tuy nhiên, thị trường tài chính luôn xảy ra những bất ngờ mà nhà đầu tư không thể lường trước được. Trên thực tế, lợi nhuận không phải lúc nào cũng được phân phối một cách ổn định. Do đó, những gì mà hệ số Beta của cổ phiếu có thể dự đoán về chuyển động trong tương lai của chỉ mang tính chất tương đối.

 

Một cổ phiếu có hệ số Beta rất thấp có thể có dao động giá nhỏ hơn, nhưng nó vẫn có thể nằm trong xu hướng giảm dài hạn. Vì vậy, việc thêm một cổ phiếu có xu hướng giảm với hệ số Beta thấp sẽ làm giảm rủi ro trong danh mục đầu tư khi và chỉ khi nhà đầu tư xác định rủi ro một cách chặt chẽ về mặt biến động (chứ không phải là khả năng thua lỗ). Từ góc độ thực tế, cổ phiếu Beta thấp đang trải qua xu hướng giảm sẽ không có khả năng cải thiện hiệu suất của danh mục đầu tư.

 

Tương tự, một cổ phiếu có hệ số Beta cao, dễ biến động theo xu hướng hướng tăng sẽ làm tăng rủi ro cho danh mục đầu tư, nhưng nó cũng có thể tăng thêm lợi nhuận kì vọng. Các nhà đầu tư khi sử dụng hệ số Beta để đánh giá cổ phiếu cần kết hợp thêm các khía cạnh khác – chẳng hạn như các yếu tố cơ bản hoặc kỹ thuật – để đánh giá cổ phiếu đó trước khi giả định rằng nó sẽ thêm hoặc loại bỏ rủi ro khỏi danh mục đầu tư.

 

Một số hạn chế trong việc sử dung hệ số Beta

 

Mặc dù hệ số Beta có thể cung cấp một số thông tin hữu ích khi đánh giá cổ phiếu, nhưng nó cũng có một số hạn chế nhất định. Mặc dù hệ số Beta rất hữu ích trong việc xác định rủi ro ngắn hạn của chứng khoán và phân tích sự biến động để tính đến chi phí vốn chủ sở hữu khi sử dụng mô hình CAPM, tuy nhiên, vì hệ số Beta được tính bằng cách sử dụng các điểm dữ liệu lịch sử, nên nó trở nên ít có ý nghĩa hơn đối với các nhà đầu tư muốn dự đoán chuyển động trong tương lai của cổ phiếu.

 

Hệ số Beta cũng ít hữu ích hơn đối với các khoản đầu tư dài hạn vì sự biến động của cổ phiếu có thể thay đổi đáng kể từ năm này sang năm khác, tùy thuộc vào giai đoạn tăng trưởng của công ty và các yếu tố khác.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: