arrow-menu

Bán khống (Short Selling) là gì?

Bán khống (tiếng Anh là Short Selling) là một chiến lược đầu tư hoặc giao dịch suy đoán về sự sụt giảm giá của cổ phiếu hoặc chứng khoán. Đây là một chiến lược nâng cao, chỉ nên được thực hiện bởi các nhà giao dịch và nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Các traders có thể sử dụng bán khống để đầu cơ và các nhà đầu tư hoặc người quản lý danh mục đầu tư có thể sử dụng bán khống như một biện pháp phòng vệ giá (hedge) chống lại rủi ro sụt giá của vị thế mua cho cùng một chứng khoán hoặc một chứng khoán có liên quan. Đầu cơ có khả năng rủi ro đáng kể và là một phương pháp giao dịch nâng cao. Hedging (phòng vệ giá) là một giao dịch phổ biến hơn liên quan đến việc đặt một vị thế bù trừ để giảm rủi ro.

Trong bán khống, một vị thế được mở bằng cách mượn cổ phiếu hoặc tài sản khác mà nhà đầu tư tin rằng sẽ giảm về giá trị. Sau đó, nhà đầu tư bán số cổ phiếu đã vay này cho những người mua sẵn sàng trả theo giá thị trường. Trước khi phải trả lại cổ phiếu đã mượn, nhà giao dịch đặt cược rằng giá sẽ tiếp tục giảm và họ có thể mua chúng với chi phí thấp hơn. Rủi ro thua lỗ khi bán khống về mặt lý thuyết là không giới hạn vì giá của bất kỳ tài sản nào cũng có thể tăng lên đến vô cùng.

Đọc thêm

Được viết bởi: PiggyyPedia VN

Tổng hợp ý chính cần nhớ

  • Bán khống xảy ra khi một nhà đầu tư vay một chứng khoán và bán nó trên thị trường mở, dự định sau đó mua lại với số tiền ít hơn.
  • Những người bán khống đặt cược và thu lợi từ việc sụt giảm của giá chứng khoán. Điều này có thể trái ngược với các nhà đầu tư dài hạn muốn giá tăng lên.
  • Bán khống có tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận cao: Nó có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng lỗ có thể tăng nhanh và vô hạn do các lệnh gọi ký quỹ (margin call)

 

Tìm hiểu cơ bản về Bán khống

 

Với việc bán khống, người bán mở một vị thế bán bằng cách mượn cổ phiếu, thường là từ một công ty môi giới, với hy vọng mua lại chúng để kiếm lời nếu giá giảm xuống. Cổ phiếu phải được vay vì bạn không thể bán cổ phiếu mà bạn không có trong tay. Để đóng một vị thế bán, một trader mua lại cổ phiếu trên thị trường — hy vọng ở mức giá thấp hơn giá mà họ đã vay tài sản — và trả lại người cho vay hoặc người môi giới. Nhà giao dịch phải tính đến các khoản lãi thu bởi nhà môi giới hoặc phí hoa hồng tính trên các giao dịch.

 

Để mở một vị thế bán, một nhà giao dịch phải có tài khoản ký quỹ và thường sẽ phải trả lãi cho giá trị của cổ phiếu đã vay khi vị thế được mở. Ngoài ra, Cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA)-cơ quan thực thi các quy tắc và quy định về việc quản lý các công ty môi giới và đại lý môi giới đã đăng ký ở Hoa Kỳ, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và Cục dự trữ liên bang đã đặt giá trị tối thiểu đối với số tiền mà tài khoản ký quỹ phải duy trì — được gọi là tỷ lệ ký quỹ duy trì. Nếu giá trị tài khoản của nhà đầu tư giảm xuống dưới tỷ lệ ký quỹ duy trì, thì họ cần nộp thêm tiền hoặc vị thế của họ có thể được bán bởi nhà môi giới.

 

Quá trình xác định cổ phiếu có thể được vay và trả lại khi kết thúc giao dịch được nhà môi giới ở phía sau xử lý. Việc mở và đóng giao dịch có thể được thực hiện thông qua các nền tảng giao dịch thông thường với hầu hết các nhà môi giới. Tuy nhiên, mỗi nhà môi giới sẽ có các tiêu chuẩn mà tài khoản giao dịch phải đáp ứng trước khi họ cho phép giao dịch ký quỹ.

 

Tại sao lại bán khống?

 

Những lý do phổ biến nhất để tham gia vào việc bán khống là đầu cơ và phòng ngừa rủi ro. Một nhà đầu cơ đặt cược giá thuần túy rằng nó sẽ giảm trong tương lai. Nếu sai, họ sẽ phải mua lại số cổ phiếu đó với giá cao hơn, dẫn đến thua lỗ. Rủi ro nữa khi bán khống đến từ việc sử dụng tiền ký quỹ, nên bán khống thường được tiến hành trong khoảng thời gian ngắn hơn và do đó có nhiều khả năng là một hoạt động được thực hiện để đầu cơ.

 

Mọi người cũng có thể bán khống để bảo vệ một vị thế mua. Ví dụ: nếu bạn sở hữu quyền chọn mua (là các vị thế mua), bạn muốn bán khống vị thế đó để chốt lợi nhuận. Hoặc, nếu bạn muốn hạn chế thua lỗ mà không thực sự thoát khỏi vị thế mua cổ phiếu, bạn có thể bán khống cổ phiếu có liên quan chặt chẽ hoặc tương quan cao với nó.

 

Ví dụ về Bán khống tạo lợi nhuận

Ví dụ có một trader và người đó tin rằng cổ phiếu XYZ – hiện đang giao dịch ở mức $50 – sẽ giảm giá trong ba tháng tới. Trader đó vay 100 cổ phiếu và bán chúng cho một nhà đầu tư khác. Trader hiện đang “bán khống” 100 cổ phiếu vì người đó bán thứ mà họ đã vay chứ không hề sở hữu. Việc bán khống chỉ có thể thực hiện được bằng cách vay cổ phiếu, không phải lúc nào những cổ phiếu đó cũng có sẵn nếu chúng đã bị bán khống bởi các trader khác.

 

Một tuần sau đó, công ty có cổ phiếu được bán khống báo cáo kết quả tài chính ảm đạm trong quý, và cổ phiếu giảm xuống còn 40 USD. Nhà giao dịch quyết định đóng vị thế bán và mua 100 cổ phiếu với giá 40 đô la trên thị trường mở để thay thế cho số cổ phiếu đã vay. Lợi nhuận của nhà giao dịch khi bán khống, chưa bao gồm phí hoa hồng và lãi trên tài khoản ký quỹ, là $1.000: ($50 – $40 = $10 x 100 cổ phiếu = $1.000).

 

Ví dụ về Bán khống gây thua lỗ

Sử dụng kịch bản ở trên, bây giờ giả sử nhà giao dịch không đóng vị thế bán ở mức 40 đô la nhưng quyết định giữ nó mở để tận dụng sự sụt giảm giá sâu hơn. Tuy nhiên, một đối thủ cạnh tranh đã mua lại công ty với lời đề nghị mua lại là 65 đô la cho mỗi cổ phiếu và giá cổ phiếu tăng vọt. Nếu nhà giao dịch quyết định đóng vị thế bán ở mức 65 đô la, khoản lỗ khi bán khống sẽ là 1.500 đô la: ($50 – $65 = âm $15 x 100 cổ phiếu = $1.500 lỗ). Ở đây, nhà giao dịch đã phải mua lại cổ phiếu với giá cao hơn đáng kể để đóng vị thế bán.

 

Ví dụ về Bán khống như một biện pháp phòng vệ giá (Hedge)

Ngoài đầu cơ, bán khống còn có một mục đích hữu ích khác – phòng vệ giá (hedging) – thường được coi là hình thức bán khống nhưng với mức rủi ro thấp. Mục tiêu chính của hedging là bảo vệ, trái ngược với động cơ lợi nhuận thuần túy của đầu cơ. Hedging được thực hiện để bảo vệ lợi nhuận hoặc giảm thiểu tổn thất trong danh mục đầu tư, nhưng vì việc này đi kèm với chi phí cao, nên phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ không xem xét áp dụng biện pháp này trong những thời điểm thị trường hoạt động bình thường.

 

Chi phí của hedging tăng gấp đôi. Có các chi phí thực tế của việc sử dụng hedging, chẳng hạn như chi phí liên quan đến bán khống hoặc phí bảo hiểm trả cho các hợp đồng quyền chọn bảo vệ. Ngoài ra, có chi phí cơ hội của việc giới hạn mức tăng của danh mục đầu tư nếu thị trường tiếp tục tăng cao hơn. Ví dụ đơn giản, nếu 50% danh mục đầu tư có mối tương quan chặt chẽ với chỉ số S&P 500 (S&P 500) được bảo vệ và chỉ số này tăng 15% trong 12 tháng tới, danh mục đầu tư sẽ chỉ ghi nhận khoảng một nửa số đó tăng hoặc 7,5%.

Ưu và nhược điểm của Bán khống

 

Bán khống có thể thua lỗ nếu người bán đoán sai về biến động giá. Một trader đã mua cổ phiếu chỉ có thể mất 100% số tiền họ bỏ ra nếu giá cổ phiếu về 0.

 

Tuy nhiên, một nhà giao dịch bán khống cổ phiếu có thể mất nhiều hơn 100% số tiền đầu tư ban đầu. Rủi ro đến vì giá của cổ phiếu có thể tăng không có giới hạn. Ngoài ra, trong khi giữ cổ phiếu, các trader phải nạp tiền vào tài khoản ký quỹ. Ngay cả khi mọi việc suôn sẻ, các trader phải xét đến chi phí của lãi ký quỹ khi tính toán lợi nhuận.

pros

Ưu điểm

  • Khả năng sinh lời cao
  • Vốn ban đầu ít
  • Đòn bẩy đầu tư
  • Biện pháp phòng vệ cho các khoản nắm giữ khác
cons

Nhược điểm

  • Nếu lỗ thì mức lỗ không có giới hạn
  • Cần có tài khoản ký quỹ
  • Lãi ký quỹ phát sinh
  • Bán non (short squeeze)

Khi đóng một vị thế, người bán khống có thể gặp khó khăn trong việc tìm đủ cổ phiếu để mua — nếu rất nhiều nhà giao dịch khác cũng đang bán khống cổ phiếu đó hoặc nếu cổ phiếu được giao dịch ít. Ngược lại, người bán có thể kẹt vào một hiện tượng bán non nếu thị trường, hoặc một cổ phiếu cụ thể, bắt đầu tăng vọt.

 

Tuy nhiên, rủi ro cao thì tiềm năng lợi nhuận cao. Bán khống cũng không ngoại lệ. Nếu người bán dự đoán giá biến động một cách chính xác, họ có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận đầu tư (ROI) khá lớn, nếu họ chủ yếu sử dụng margin để tạo giao dịch. Sử dụng margin cung cấp đòn bẩy, có nghĩa là các trader không cần phải bỏ nhiều vốn cho khoản đầu tư ban đầu. Nếu được thực hiện cẩn thận, bán khống có thể là một cách phòng vệ giá không tốn kém, cung cấp một đối trọng cho các khoản nắm giữ khác trong danh mục đầu tư.

 

Các nhà đầu tư mới bắt đầu nên tránh bán khống cho đến khi có thêm kinh nghiệm giao dịch. Tuy nhiên, bán khống thông qua các quỹ ETF là một chiến lược an toàn hơn do rủi ro bán non thấp hơn.

 

Một số cân nhắc khác khi bán khống

 

Bên cạnh rủi ro mất tiền đã đề cập ở trên khi giao dịch do giá cổ phiếu tăng, việc bán khống còn có những rủi ro khác mà nhà đầu tư nên cân nhắc.

 

Bán khống sử dụng tiền vay

Bán khống được gọi là giao dịch ký quỹ. Khi bán khống, bạn mở một tài khoản ký quỹ, cho phép bạn vay tiền từ công ty môi giới bằng cách sử dụng khoản đầu tư của bạn làm tài sản thế chấp. Cũng giống như khi đặt lệnh mua trên margin, bạn rất dễ thua lỗ vì phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu là 25%. Nếu tài khoản trượt xuống dưới mức này, thì bạn sẽ hứng chịu margin call và buộc phải nạp thêm tiền mặt hoặc thanh lý vị thế của mình.

 

Sai thời điểm

Ngay cả khi một công ty được định giá quá cao, sẽ mất một thời gian để giá cổ phiếu giảm xuống. Trong khi đó, bạn rất dễ bị mất tiền bởi lãi suất ký quỹ, các margin call và bị thanh lý tài sản.

 

Bán non

Nếu một cổ phiếu được bán khống với tỷ lệ bán khống cao (short float) và thời gian mua lại dài (days to cover), thì cổ phiếu đó cũng có nguy cơ trải qua việc bán non. Một đợt bán non xảy ra khi một cổ phiếu bắt đầu tăng giá và những người bán khống đóng giao dịch bằng cách mua lại các vị thế bán của họ. Việc mua này có thể biến thành một vòng lặp thông tin phản hồi. Nhu cầu đối với cổ phiếu thu hút nhiều người mua hơn, điều này đẩy cổ phiếu lên cao hơn, khiến càng nhiều người bán khống mua vào để đóng vị thế bán.

 

Rủi ro liên quan đến các quy định

Các cơ quan quản lý đôi khi có thể áp đặt các lệnh cấm bán khống trong một lĩnh vực cụ thể hoặc thậm chí toàn thị trường, để tránh hoảng loạn và áp lực bán không chính đáng. Những hành động như vậy có thể khiến giá cổ phiếu tăng đột biến, buộc người bán khống phải mua các vị thế bán với mức lỗ lớn.

 

Đi ngược lại xu hướng

Lịch sử đã chỉ ra rằng, nhìn chung, cổ phiếu có xu hướng đi lên. Về lâu dài, hầu hết các cổ phiếu đều tăng giá. Đối với vấn đề đó, ngay cả khi một công ty hầu như không cải thiện trong những năm qua, lạm phát hoặc tốc độ tăng giá trong nền kinh tế sẽ khiến giá cổ phiếu của nó tăng lên phần nào. Điều này có nghĩa là bán khống đang đặt cược ngược lại với xu hướng chung của thị trường.

 

Chi phí bán khống

 

Không giống như mua và nắm giữ cổ phiếu hoặc đầu tư, việc bán khống đi kèm với nhiều loại chi phí khác nhau.

 

Lãi suất của giao dịch ký quỹ

Lãi suất của giao dịch ký quỹ có thể là một khoản chi phí đáng kể khi giao dịch cổ phiếu ký quỹ. Vì giao dịch bán khống chỉ có thể được thực hiện thông qua tài khoản ký quỹ, lãi suất phải trả cho các giao dịch bán khống có thể tăng lên theo thời gian, đặc biệt nếu các vị thế bán khống được giữ mở trong một thời gian dài.

 

Chi phí vay cổ phiếu

Cổ phiếu khó vay — vì tỷ lệ bán khống cao, lượng cổ phiếu thả nổi hạn chế hoặc bất kỳ lý do nào khác — sẽ có phí “khó vay” (hard-to-borrow) có thể khá lớn. Phí dựa trên tỷ lệ hàng năm có thể dao động từ một phần nhỏ của một phần trăm đến hơn 100% giá trị của giao dịch bán khống và được đánh giá theo tỷ lệ cho số ngày giao dịch bán khống được mở.

 

Vì phí “cổ phiếu khó vay” có thể dao động đáng kể từ ngày này sang ngày khác và thậm chí trong một ngày, nên số tiền chính xác của loại phí không định trước được. Phí thường này được nhà công ty môi giới ấn định cho tài khoản của khách hàng vào cuối tháng hoặc khi kết thúc giao dịch bán khống, và nếu nó khá lớn, có thể làm giảm lợi nhuận của một giao dịch bán khống hoặc làm tăng thêm các khoản lỗ.

 

Cổ tức và các khoản thanh toán khác

Người bán khống có trách nhiệm thanh toán cổ tức trên cổ phiếu bán khống cho đơn vị đã cho vay cổ phiếu đó. Người bán khống cũng phải thực hiện thanh toán do các sự kiện khác liên quan đến cổ phiếu bán khống, chẳng hạn như chia tách cổ phiếu, chia tách công ty và phát hành cổ phiếu thưởng, tất cả đều là những sự kiện không thể đoán trước.

 

Các chỉ số bán khống

 

Hai chỉ số được sử dụng để theo dõi hoạt động bán khống trên một cổ phiếu là:

  • Tỷ lệ bán khống (short interest ratio – SIR) – còn được gọi là short float- đo lường tỷ lệ cổ phiếu hiện đang bán khống so với số lượng cổ phiếu hiện có hoặc “thả nổi” trên thị trường. Chỉ số SIR rất có thể liên quan đến việc cổ phiếu đang rớt giá hoặc cổ phiếu có vẻ được định giá quá cao.
  • Tỷ lệ bán khống trên khối lượng giao dịch hàng ngày – còn được gọi là tỷ lệ thời gian mua lại (days to cover ratio) – tổng số cổ phiếu được bán khống chia cho khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của cổ phiếu. Tỷ lệ thời gian mua lại cao cũng là một dấu hiệu giá giảm cho một cổ phiếu.

 

Cả hai chỉ số bán khống đều giúp các nhà đầu tư hiểu liệu tâm lý chung là tăng hay giảm đối với một cổ phiếu.

 

Ví dụ, sau khi giá dầu giảm vào năm 2014, các bộ phận năng lượng của General Electric Co. (GE) bắt đầu kéo theo hiệu suất của toàn bộ công ty. Tỷ lệ bán khống đã tăng từ dưới 1% lên hơn 3,5% vào cuối năm 2015 do những người bán khống bắt đầu dự đoán sự sụt giảm của cổ phiếu. Vào giữa năm 2016, giá cổ phiếu của GE đã đạt mức cao nhất là 33 USD / cổ phiếu và bắt đầu giảm xuống. Đến tháng 2 năm 2019, GE đã giảm xuống còn 10 đô la trên mỗi cổ phiếu, điều này sẽ dẫn đến lợi nhuận 23 đô la trên mỗi cổ phiếu cho bất kỳ người bán khống nào đủ may mắn để bán khống cổ phiếu gần đỉnh vào tháng 7 năm 2016.

 

Điều kiện lý tưởng để bán khống

 

Tính thời điểm là rất quan trọng khi bán khống. Cổ phiếu thường giảm giá nhanh hơn nhiều so với khi chúng tăng giá và lợi nhuận đáng kể của một cổ phiếu có thể bị xóa sổ trong vài ngày hoặc vài tuần do thu nhập bị bỏ lỡ hoặc các diễn biến giá giảm khác. Do đó, người bán khống phải canh chỉnh thời gian giao dịch bán khống gần như hoàn hảo. Tham gia giao dịch quá muộn có thể dẫn đến chi phí cơ hội lớn về lợi nhuận bỏ lỡ, bởi vì phần lớn sự sụt giảm của cổ phiếu có thể đã xảy ra.

 

Mặt khác, tham gia giao dịch quá sớm có thể gây khó khăn cho việc giữ vị thế bán do chi phí liên quan và các khoản lỗ có thể xảy ra và sẽ tăng vọt nếu cổ phiếu tăng giá nhanh chóng.

 

Có những thời điểm giúp tỷ lệ bán khống thành công được cải thiện, chẳng hạn như sau:

 

Trong giai đoạn thị trường giá xuống

Xu hướng chủ đạo của thị trường chứng khoán hoặc lĩnh vực là giảm trong thị trường giá xuống. Vì vậy, các nhà giao dịch tin rằng “xu hướng là bạn” có cơ hội tốt hơn để thực hiện các giao dịch bán khống có lãi trong một thị trường giá xuống cố định hơn là trong giai đoạn giá tăng mạnh. Những người bán khống thích thú trong những môi trường mà sự sụt giảm của thị trường diễn ra nhanh chóng, rộng và sâu — như thị trường giá xuống toàn cầu năm 2008-09 — bởi vì họ có thể kiếm được lợi nhuận trời cho trong thời gian đó.

 

Khi các giá trị cơ bản của thị trường hoặc chứng khoán đang suy giảm

Các giá trị cơ bản của cổ phiếu có thể suy giảm vì bất kỳ lý do nào — sự chậm lại của tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận, thách thức ngày càng tăng đối với doanh nghiệp, chi phí đầu vào tăng gây áp lực lên margin, v.v. Đối với thị trường rộng lớn, các giá trị cơ bản suy giảm có nghĩa là một loạt dữ liệu yếu hơn cho thấy khả năng suy giảm kinh tế, các diễn biến địa chính trị bất lợi như mối đe dọa chiến tranh hoặc các tín hiệu kỹ thuật giảm như đạt đỉnh mới khi khối lượng giảm, độ rộng thị trường suy giảm.

 

Những người bán khống có kinh nghiệm có thể thích đợi đến khi xu hướng giảm được xác nhận trước khi thực hiện các giao dịch bán khống, hơn là dự đoán về một động thái đi xuống. Đó là bởi vì rủi ro cổ phiếu hoặc thị trường có xu hướng tăng cao hơn trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng khi đối mặt với các giá trị cơ bản suy giảm, trường hợp thường xảy ra trong giai đoạn cuối của thị trường giá lên.

 

Các chỉ báo kỹ thuật xác nhận xu hướng giá giảm

Bán khống cũng có thể có xác suất thành công cao hơn khi xu hướng giảm được xác nhận bởi nhiều chỉ báo kỹ thuật. Các chỉ báo này có thể bao gồm sự phá vỡ dưới mức key support level dài hạn hoặc bearish crossover như “death cross” (giao cắt tử thần). Một ví dụ về bearish crossover xảy ra khi đường trung bình động 50 ngày (MA50) của một cổ phiếu cắt xuống đường MA200. Đường trung bình động chỉ là mức trung bình của giá cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu giá hiện tại phá vỡ mức trung bình, giảm hoặc tăng, nó có thể báo hiệu một xu hướng mới về giá.

 

Định giá đạt mức cao giữa bối cảnh lạc quan

Đôi khi, định giá đối với một số lĩnh vực nhất định hoặc toàn bộ thị trường có thể đạt mức cao trong bối cảnh lạc quan về triển vọng dài hạn của các lĩnh vực đó hoặc toàn bộ nền kinh tế. Các chuyên gia thị trường gọi giai đoạn này của chu kỳ đầu tư là “priced for perfection”, vì các nhà đầu tư sẽ luôn thất vọng vào một thời điểm nào đó khi những kỳ vọng quá cao của họ không được đáp ứng. Thay vì đổ xô vào bán khống, những người bán khống có kinh nghiệm sẽ đợi đến khi thị trường hoặc lĩnh vực đảo chiều và bắt đầu giai đoạn đi xuống.

 

John Maynard Keynes là một nhà kinh tế học người Anh có tầm ảnh hưởng lớn, theo đó các lý thuyết kinh tế của ông vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, Keynes nói: “Thị trường có thể tồn tại trong trạng thái bất hợp lý lâu hơn khả năng duy trì thanh toán của bạn,” điều này đặc biệt thích hợp cho việc bán khống. Thời điểm tối ưu cho việc bán khống là khi có sự hội tụ của các yếu tố trên.

 

Tai tiếng về việc bán khống

 

Đôi khi việc bán khống bị chỉ trích, và những người bán khống bị coi là những kẻ điều hành tàn nhẫn tiêu diệt các công ty. Tuy nhiên, thực tế là bán khống cung cấp tính thanh khoản, nghĩa là có đủ người bán và người mua cho thị trường và có thể giúp ngăn chặn các cổ phiếu xấu tăng cao do việc thổi giá và lạc quan quá mức.

 

Hoạt động bán khống là một nguồn thông tin hợp pháp về tâm lý thị trường và nhu cầu đối với cổ phiếu. Nếu không có thông tin này, các nhà đầu tư có thể mất cảnh giác trước các tin tức quá tích cực hoặc quá tiêu cực.

 

Thật không may, bán khống bị mang tiếng xấu do hoạt động của các nhà đầu cơ phi đạo đức. Những kẻ này đã sử dụng các chiến lược bán khống và các công cụ phái sinh để làm giảm giá một cách giả tạo và tiến hành “bear raids” (các cuộc săn lùng giá xuống) vào những cổ phiếu dễ bị tổn thương. Hầu hết các hình thức thao túng thị trường như thế này là bất hợp pháp ở Hoa Kỳ, nhưng nó vẫn thường xuyên được diễn ra.

 

Quan trọng: Quyền chọn bán cung cấp một giải pháp thay thế tuyệt vời cho việc bán khống bằng cách cho phép bạn thu lợi nhuận từ việc giá cổ phiếu giảm mà không cần ký quỹ hoặc đòn bẩy. 

 

Ví dụ thực tế về bán khống

 

Các sự kiện tin tức bất ngờ có thể bắt đầu một đợt bán non buộc người bán khống phải mua với bất kỳ giá nào để đáp ứng các yêu cầu ký quỹ của họ. Ví dụ, vào tháng 10 năm 2008, Volkswagen đã nhanh chóng trở thành công ty giao dịch công khai có giá trị nhất trên thế giới trong một đợt bán non lịch sử.

 

Năm 2008, các nhà đầu tư biết rằng Porsche đang cố gắng tạo dựng vị thế trong Volkswagen và giành quyền kiểm soát đa số. Những người bán khống kỳ vọng rằng một khi Porsche đã giành được quyền kiểm soát công ty, cổ phiếu có thể sẽ giảm giá trị, vì vậy họ đã bán khống cổ phiếu. Tuy nhiên, trong một thông báo bất ngờ, Porsche tiết lộ rằng họ đã bí mật mua lại hơn 70% cổ phần của công ty bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh, điều này gây ra một vòng phản hồi lớn của những người bán khống mua cổ phiếu để đóng vị thế bán của họ.

 

Những người bán khống gặp bất lợi vì 20% cổ phần của Volkswagen thuộc sở hữu của một tổ chức chính phủ không quan tâm đến việc bán và Porsche kiểm soát 70% khác, do đó, có rất ít cổ phiếu có sẵn trên thị trường — thả nổi — để mua lại. Về cơ bản, cả tỷ lệ bán khống và tỷ lệ thời gian mua lại đã bùng nổ cao hơn qua một đêm, khiến cổ phiếu tăng từ mức €200 lên hơn €1,000.

 

Đặc điểm của đợt bán non là chúng có xu hướng giảm giá nhanh chóng, và trong vài tháng cổ phiếu của Volkswagen đã giảm trở lại mức bình thường.

Những câu hỏi thường gặp

Tại sao nó được gọi là bán khống?

Vị thế bán là một vị thế đặt cược chống lại thị trường, thu lợi khi giá giảm. Bán khống là loại đặt cược như vậy. Điều này trái ngược với một vị thế mua, liên quan đến việc mua một tài sản với hy vọng giá sẽ tăng.

Tại sao người bán khống phải vay cổ phiếu?

Bạn không thể bán thứ bạn không nắm giữ. Vì một công ty có số lượng cổ phiếu lưu hành hạn chế, người bán khống trước tiên phải xác định một số cổ phiếu đó để bán chúng. Do đó, người bán khống sẽ vay những cổ phiếu này và trả lãi người cho vay. Quá trình này thường được nhà môi giới đứng phía sau tạo điều kiện thuận lợi. Nếu không nhiều cổ phiếu có sẵn để bán khống (tức là “hard to borrow” – cổ phiếu khó vay), thì chi phí khi bán khống sẽ cao hơn.

Bán khống có xấu không?

Trong khi một số người cho rằng việc đặt cược chống lại thị trường là phi đạo đức, hầu hết các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính đồng ý rằng những người bán khống cung cấp tính thanh khoản và khả năng khám phá giá cho thị trường, giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn.

Tôi có thể thực hiện Bán khống trong Tài khoản chứng khoán của tôi không?

Tại Việt Nam, đến nay Ủy ban chứng khoán Nhà nước chưa cho phép áp dụng hình thức giao dịch bán khống trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Bán non là gì?

Bởi vì các đợt bán khống được bán trên margin, do đó các khoản lỗ tương đối nhỏ có thể dẫn đến các margin call lớn hơn bao giờ hết. Nếu một margin call không thể được đáp ứng, người bán phải mua lại cổ phiếu của họ với giá cao hơn bao giờ hết. Điều này có tác dụng đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn nữa.

PiggyyPedia VN

Chia sẻ bài viết này: